Bế mạc trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”

QUỲNH UYỂN 18:15, 18/07/2023

(LĐ online) - Chiều 18/7, tại Đà Lạt, Bộ Công an đã tổ chức bế mạc trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ III.

Các nhà biên kịch, nhà văn chụp cảnh lưu niệm cùng cán bộ chiến sĩ CAND

Tham dự có Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bảy – Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an; ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, Đại tá Lê Hồng Phong – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, đại diện Hội Sân khấu Việt Nam, đại diện các sở, ngành, các phòng, ban, cán bộ, chiến sĩ Công an Lâm Đồng, cùng các nhà văn, nhà viết kịch.

Trong những năm qua, cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã thu được nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật, nội dung phản ánh chân thực, sâu sắc thực tế công tác, chiến đấu của người chiến sĩ công an; trong đó nhiều tác phẩm được quảng bá rộng rãi đến công chúng, đi vào đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.

Đối với lĩnh vực sân khấu, từ năm 2005 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp tổ chức thành công 4 kỳ liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an Nhân dân (CAND); từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức thành công 2 trại sáng tác kịch bản thu được nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, nhiều kịch bản được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng, biểu diễn, đưa hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CAND đến với công chúng, được công chúng đón nhận.

Đại biểu tham dự lễ
Đại biểu tham dự lễ

Trại sáng tác kịch bản sân khấu lần thứ III này, Ban tổ chức đã tiếp nhận chọn lọc được 40 đề cương kịch bản của 35 tác giả để mời tham gia; trong đó, 15 đề cương viết về chiến công và sự hy sinh thầm lặng của lực lượng CAND, 6 đề cương về lực lượng công an cơ sở, 4 đề cương về lực lượng tình báo, 3 đề cương về lực lượng cánh sách hình sự, 2 đề cương về cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, 2 đề cương về cảnh sát trại giam, 2 đề cương về cảnh sát giao thông, 5 đề cương về cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, 1 đề cương về lực lượng cảnh vệ. Về thể loại, có 37 đề cương là kịch nói, 3 đề cương là cải lương.

Sau lễ khai mạc tại Lào Cai vào giữa tháng 6/2023, các nhà biên kịch, nhà văn đã tham quan thực tế tại các đơn vị, cơ sở tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của Công an Lào Cai và Công an Lâm Đồng; tham quan một số khu di tích lịch sử, văn hóa và các điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử của 2 tỉnh. Qua đó các tác giả càng hiểu rõ hơn những khó khăn vất vả, sự cống hiến, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Những trải nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động về cuộc sống sinh hoạt, công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ CAND đã khơi nguồn cảm xúc của các tác giả, hình thành cảm thức nghệ thuật làm tiền đề cho những liên tưởng thẩm mỹ và chiều sâu tư tưởng cho những tác phẩm được sáng tác.

Phát biểu bế mạc, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bảy nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an đổi mới cách thức tổ chức để thu hút nhiều hơn nữa các nhà biên kịch, nhà văn chuyên và không chuyên trong cả nước hưởng ứng, tham gia sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực hình tượng người chiến sĩ CAND và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đề nghị các nhà văn, nhà biên kịch tiếp tục dành những tình cảm tốt đẹp cho lực lượng CAND, chia sẻ sâu sắc với đặc thù nghề nghiệp, những khó khăn vất vả, những tấm gương tận tụy trong công việc, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân tiếp tục sáng tác các tác phẩm văn học sâu sắc về đề tài này.

Đặc biệt, các tác giả cần đi sâu xây dựng con người mới, hình tượng người chiến sĩ CAND mới, phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới. Bởi trên mặt trận mới, có những hy sinh rất lớn, những tấm gương quả cảm, những hành động anh hùng, cũng có những hy sinh không đổ máu; trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tội phạm phi truyền thống, tội phạm an ninh mạng, có những tội phạm vô hình gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhân dân… đòi hỏi cái nhìn mới, cách tiếp cận mới của tác giả. Từ đó làm cho hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ CAND đẹp hơn, thân thương, gần gũi và được Nhân dân tin yêu, quý trọng hơn.