Tôi biết thầy Thích Đạo Thành, trụ trì chùa Pháp Vân, tại thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng đã từ lâu nhưng khi đặt bút viết về ngôi cổ tự này thì lại lừng khừng. Vậy nhưng, sau mấy lần vãn cảnh nơi đây, hôm nay, tôi quyết định viết vài dòng về ngôi chùa khá đặc biệt này.
Con đường chữa bệnh thân, tâm ở chùa Pháp Vân |
Chùa Pháp Vân nằm sát Quốc lộ 20, muốn lên chùa, các phật tử phải chinh phục được con dốc thoai thoải. Thầy Thích Đạo Thành - hiện là trụ trì chùa Pháp Vân cho biết, chùa được hình thành từ năm 1968 do cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm cùng người dân trong vùng chung tay tạo lập nhằm đáp ứng nhu cầu đi chùa lễ phật của phật tử. Sau nhiều năm trùng tu xây dựng, chùa Pháp Vân đã trở nên khang trang và có những điểm nhấn không chỉ với phật tử trong vùng mà còn đối với du khách gần xa. Ấn tượng đầu tiên về ngôi chùa này chính là công trình cổng tam quan theo chiều dọc. Mái của cổng tam quan được làm bằng gỗ sao, phía dưới mái cổng có một khối gỗ từ lõi cây ké với trọng lượng khoảng 3 tấn bắc ngang. Cột hai bên được ráp với nhau bằng những khối đá lớn, ở giữa có khắc chữ hán tạo nên nét cổ kính, uy nghiêm cho ngôi chùa. Chùa Pháp Vân có tổng diện tích 2,2 ha gồm những công trình chính như: lầu chuông trống, chánh điện, nhà tổ, nhà chúng, trai đường...
Đến với chùa Pháp Vân, thiện nam tín nữ không chỉ biết đến ngôi chùa cổ kính mà còn thích thú bởi những công trình độc đáo, trong đó con đường đá chữa bệnh thân, tâm là một điển hình. Ngoài lối lên chùa được thảm nhựa thì nơi đây còn có con đường được rải bằng đá để chữa bệnh. Được sự giới thiệu của thầy Thích Đạo Thành, phóng viên đã có sự trải nghiệm đáng nhớ khi đi chân không trên con đường chữa bệnh này. Trao đổi với chúng tôi, thầy Thích Đạo Thành cho biết: con đường chữa bệnh thân, tâm được làm từ năm 2016 với chiều dài 64 m. Đường được rải hơn 4 xe đá với số lượng 15.000 viên được đưa về từ tỉnh Ninh Thuận, đá lớn thì dùng để làm tường hai bên con đường, đá nhỏ thì được nhà chùa xếp đều giữa lối đi. Hai bên con đường trị bệnh thân, tâm này có các trụ đá được ghi những lời kinh pháp cú trong đạo Phật. Chiều dài con đường là 64 m tượng trưng cho 64 quẻ, theo triết lý âm dương. “Khi đi trên con đường này bằng chân không thì các huyệt đạo sẽ được kích hoạt lên đôi bàn chân, có tác dụng chữa bệnh cho cơ thể. Độ sắc nhọn của đá rải trên lối đi giảm dần theo chiều dài con đường để giúp con người kiên trì hơn trong việc đi lại chữa bệnh. Khi đi, nếu thấy mệt thì có thể dừng lại nghỉ ngơi và đọc kinh pháp cú giúp con người giảm bớt và tiến đến buông bỏ ba nghiệp chướng là tham, sân, si. Đây chính là những căn bệnh từ tâm mà ra”, thầy Thích Đạo Thành nhấn mạnh.
Trên con đường chữa bệnh thân, tâm tại chùa Pháp Vân, hai bên đường có mô phỏng 11 hình người gánh 3 chữ tâm tượng trưng cho 11 nguyện tâm sở. 3 chữ tâm đại diện cho tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai. Vào buổi sáng và buổi chiều, con đường trị bệnh thân, tâm tại chùa Pháp Vân thường có những phật tử trong làng sau khi đến lễ phật, vãn cảnh họ lại thử sức mình trên con đường này với mục đích nâng cao sức khỏe và tạo sự an lạc trong tâm hồn.
Ngoài việc đi chùa lễ phật, trị bệnh thân, tâm trên con đường đá, phật tử còn được tham quan một không gian với những cổ vật mà thầy Thích Đạo Thành cất công sưu tầm trong 13 năm qua. Trong chùa Pháp Vân, thầy Thích Đạo Thành dành ra một không gian nhỏ nhưng vô cùng ấm cúng để trưng bày những cây đèn bão, đèn dầu, đèn măng sông, máy đánh chữ, điện thoại cổ, đồng hồ xưa, những dụng cụ lao động của người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Tất cả như một bảo tàng đồ xưa thu nhỏ giữa chốn phật môn, có tác dụng giúp cho phật tử và thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của từng giai đoạn và văn hóa của tộc người.
Tháng Bảy trời Tây Nguyên hay đến lạ, hạt mưa, sợi nắng cứ chen chân nhau rải đều nơi “làng chùa” Đức Trọng. Đến với phật môn, một lần nữa lòng người lại thênh thang và an yên đến kỳ lạ. Chuông chiều đã điểm, tiếng mõ rền vang giữa đất trời, vẳng từ xa tiếng kinh cầu nguyện quốc thái dân an vang vọng. “Làng chùa” Đức Trọng, Pháp Vân cổ tự một lần nữa hằn lên trong tâm của kẻ lữ khách sau một lần đến vãn cảnh nơi này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin