Cơ hội hợp tác và gắn kết để Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc

NGUYỄN NGHĨA - TRỊNH CHU 08:15, 23/07/2023

(LĐ online) - Đó là chủ đề của Hội thảo do Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi đã tổ chức vào ngày 22/7 với sự tham gia của bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, lãnh đạo Phòng Văn hoá - Thông tin TP Đà Lạt, các tổ chức, doanh nghiệp, các giảng viên âm nhạc của các trường đại học, những cư dân đang làm trên nhiều lĩnh vực sáng tạo liên quan. Chương trình được bảo trợ bởi Văn phòng UNESCO Hà Nội.

Giảng viên âm nhạc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo
Giảng viên âm nhạc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo

Đại diện Ban tổ chức cho biết, với mong muốn đóng góp các sáng kiến cho TP Đà Lạt - ứng viên của mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực Âm nhạc, Không gian sáng tạo Phố Bên Đồi đã tổ chức hội thảo chuyên đề về “Cơ hội hợp tác và Gắn kết” nhằm mục đích tăng cường trao đổi, kết nối và hợp tác giữa các chuyên gia, nghệ sĩ với chính sách và định hướng của chính quyền trong tầm nhìn xây dựng và triển khai đề án về Thành phố sáng tạo Đà Lạt. Qua đó, hy vọng lan tỏa trong cộng đồng sáng tạo tinh thần hợp tác và đóng góp các sáng kiến thúc đẩy sự phát triển của các nhóm ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, hướng đến một TP Đà Lạt phát triển bền vững.

Với tinh thần cùng nhau thảo luận và chung tay đóng góp để tham gia vào các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và đề xuất ý tưởng hợp tác mở rộng ra tầm quốc gia, chia sẻ ý tưởng đến lãnh đạo thành phố có các hoạt động âm nhạc ở cấp quốc tế; các nhóm doanh nghiệp sáng tạo, nhà sáng lập dự án văn hóa - nghệ thuật, nghệ sĩ đã thảo luận những cơ hội và thách thức trong việc phát triển âm nhạc cộng đồng, cơ sở hạ tầng, vai trò của “phần cứng” đô thị và “lõi mềm” văn hóa để hiện thực hóa tầm nhìn về một thành phố sáng tạo Đà Lạt. 

Bà Tnần Thị Vũ Loan – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt trao đổi với các đại biểu
Bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt trao đổi với các đại biểu

Những ý tưởng trao đổi về chiến lược, kế hoạch tham gia để làm sao đồng hành cùng thành phố tạo ra sự hòa nhập mạnh mẽ, sâu rộng hơn nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để Đà Lạt sớm được công nhận; hay những vấn đề còn băn khoăn, trở ngại của các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc làm sao để được tổ chức, tham gia trực tiếp vào việc xây dựng thành phố trở thành thành phố âm nhạc một cách bền vững, từ khâu đào tạo, ươm mầm tài năng cây nhà lá vườn, đến việc thu hút và phát triển nhân tài quốc gia, quốc tế…

Trước đó, vào ngày 30/6, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú đã gửi thư và hồ sơ đến Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đề nghị xét duyệt để Đà Lạt tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong năm 2023. 

Bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng Ban Văn hoá Văn phòng UNESCO Hà Nội chia sẻ những kinh nghiệm của Hà Nội
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hoá Văn phòng UNESCO Hà Nội chia sẻ những kinh nghiệm của Hà Nội

Trong thư gửi UNESCO, lãnh đạo TP Đà Lạt đã trình bày quyết tâm, khát vọng và tiếng nói chung, thay mặt hơn 232.400 người dân thành phố Đà Lạt mong muốn nhận được sự ủng hộ của Tổ chức để có cơ hội tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2023. Đồng thời, cam kết sẽ tham gia tích cực, nỗ lực đóng góp vào mục tiêu chung của Mạng lưới và chương trình nghị sự phát triển bền vững của UNESCO.

Nếu được công nhận với tư cách là Thành phố Âm nhạc của UNESCO, Đà Lạt sẽ có cơ hội phát triển, kết nối và hợp tác với cộng đồng âm nhạc không chỉ trong nước mà cả quốc tế, từ đó sẽ giúp nâng tầm cộng đồng âm nhạc địa phương. Kèm theo đó là rất nhiều những lợi thế khác đi kèm như: Tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; tăng cường các chính sách, chiến lược và các hoạt động đa dạng hóa nền kinh tế; thu hút các chuyên gia sáng tạo lành nghề; tạo được một thương hiệu thành phố độc đáo để thúc đẩy du lịch và mở rộng phạm vi tiếp cận của Đà Lạt với các mạng lưới và thị trường quốc tế… Việc được công nhận là thành phố Âm nhạc của UNESCO sẽ mang lại cho Đà Lạt một sự khác biệt độc đáo, có một không hai mà không một nơi nào khác ở Việt Nam có được, đồng thời là cơ hội để kết nối thành phố xinh đẹp, nhỏ bé này với thế giới.