Hệ giá trị Việt Nam nguồn động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

VĂN NHÂN 12:00, 13/07/2023

(LĐ online) - Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã hình thành nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và hun đúc nên nhiều hệ giá trị truyền thống tốt đẹp như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng và nhiều hệ giá trị khác... Trong đó, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người đươc xem là nền tảng, có nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác.

Bài 1: Hệ giá trị Việt Nam nguồn động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, giá trị là hệ thống những đánh giá của con người về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, hay chính là những giá trị chân, thiện, mỹ giúp khẳng định và nâng cao bản chất người. Theo đó, có thể có nhiều hệ giá trị khác nhau.

Hệ giá trị là sự tích hợp những giá trị truyền thống được lưu giữ lại từ quá khứ đến hiện tại và định hướng cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Hệ giá trị có chức năng tác động tới sự phát triển của xã hội theo những định hướng vận động khác nhau; trong đó hệ giá trị con người bao giờ cũng được xem là hệ giá trị trung tâm, hệ giá trị cốt lõi.

Hệ giá trị mang tính tổng hợp rất cao và giữa chúng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Cấu trúc của hệ giá trị, xét một cách tổng quát, bao gồm ba loại giá trị chủ yếu: những giá trị truyền thống còn lưu giữ lại; những giá trị hiện tại (có tính chỉ đạo, chi phối) và những giá trị định hướng trong giai đoạn mới. Ba loại giá trị này đều có thể chứa đựng những yếu tố tích cực hoặc những yếu tố tiêu cực, có tác động điều chỉnh hành vi của con người và tất cả các chủ thể trong xã hội bằng những định hướng vận động khác nhau. Có rất nhiều nghiên cứu của giới học giả trong nước và quốc tế về các hệ giá trị của Việt Nam, nhưng cơ bản vẫn còn những ý kiến khác nhau trong việc xác định chính xác, đầy đủ, cụ thể từng hệ giá trị với những chuẩn mực, tiêu chí cụ thể, được xã hội đồng thuận. Do đó, việc bảo tồn, khai thác, phát huy, phát triển các hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, việc nhận diện từng hệ giá trị và mối quan hệ giữa các giá trị là cơ sở để xây dựng và phát huy có hiệu quả các giá trị đó. Bài viết này chỉ đơn cử nhận diện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam trong hệ thống các hệ giá trị Việt Nam.

Hệ giá trị quốc gia là tổng hợp tất cả các giá trị mang lại ý nghĩa nhất định cho quốc gia, được cả quốc gia thừa nhận; trở thành nền tảng để phát triển xã hội và chỗ dựa tinh thần để con người trong quốc gia soi chiếu lại các hành vi về đạo đức, văn hóa ứng xử…; đồng thời cũng là mục tiêu khao khát, hướng tới và hành động theo. Hệ giá trị quốc gia là sự tích hợp các giá trị văn hóa, gia đình, con người,… tạo thành một hệ giá trị mang tính chất nền tảng cơ sở; đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết, quy tụ các cộng đồng dân tộc, vùng miền, củng cố sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc; có chức năng định hướng, điều chỉnh nhận thức và hành vi của cá nhân, cộng đồng xã hội, cả quốc gia theo hệ giá trị quốc gia. Hệ giá trị quốc gia vừa mang những nét đặc trưng riêng của dân tộc, vừa mang những nét chung phổ biến của nhân loại. Hệ giá trị quốc gia Việt Nam hiện nay đã và đang xây dựng là: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”. Đó là những giá trị cốt lõi, phản ánh khát vọng, cầu mong và là mục tiêu phấn đấu của cả quốc gia.

Hệ giá trị văn hóa thường nói đến các giá trị mà con người sáng tạo ra (cả về đời sống vật chất và tinh thần) trong nền sản xuất xã hội và đời sống xã hội, nó phản ánh các bản chất cơ bản của giá trị con người về phương diện văn hóa trong tất cả các lĩnh vực. Hệ giá trị văn hóa gắn bó mật thiết với văn hóa chính trị quốc gia, tập quán kinh tế, lối ứng xử văn hóa trong xã hội; là lý tưởng sống, nhân sinh quan, thế giới quan của tầng lớp có vị thế xã hội; liên quan đến luân lý, đạo đức nhà nước và gia đình,… do đó nó có chức năng hướng dẫn xã hội. Hệ giá trị văn hóa là tổng hòa các giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc; thể hiện những nét đặc trưng, tiêu biểu, chủ đạo của một nền văn hóa; là bộ phận nòng cốt trong giá trị quốc gia, nhân tố bồi đắp, bồi dưỡng để phát triển văn hóa gia đình và giá trị của con người Việt Nam như: yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, cần cù, hiếu học… Hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay đang được xây dựng là: “Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học”. Đây có thể xem là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi vừa mang tính truyền thống tốt đẹp vừa là yêu cầu, là chuẩn mực, tiêu chí cho suy nghĩ và hành động của mỗi người, mỗi cộng đồng và cả dân tộc Việt nam hiện tại cũng như tương lai.

Hệ giá trị con người thường nói đến là những giá trị mang bản chất con người - bản chất công dân (quyền con người - quyền công dân) của một xã hội cụ thể. Theo nghĩa rộng, chung nhất, hệ giá trị con người được xem là những yếu tố tích cực; những phẩm chất, đặc tính, tính cách người; các nội dung, yêu cầu thể hiện thực chất các mối quan hệ của con người với tự nhiên, với cộng đồng - xã hội, với người khác, có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp thúc đẩy sự phát triển con người và xã hội. Ở mỗi giai đoạn phát triển của con người và xã hội, hệ giá trị con người có những thay đổi nhất định, dẫn đến sự thay đổi các chuẩn mực cụ thể trong đời sống con người và cộng đồng. Hiện nay, hệ giá trị con người Việt Nam cần được xây dựng là: “Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”.

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, được sàng lọc, gạt bỏ, bổ sung, tiếp biến, biến đổi thường xuyên, liên tục và phát triển không ngừng. Tuy nhiên, so với những biến đổi của các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, thì sự biến đổi của các hệ giá trị có độ trễ nhất định, do đó có tính ổn định tương đối và sự bền vững, bất biến, “trường tồn”. Các hệ giá trị này được lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành tài sản, hành trang của các thế hệ, mang suốt cuộc đời. Nó trở thành thước đo suy nghĩ, “khuôn mẫu”, “chuẩn mực” cho hành vi, hoạt động của mỗi con người, cộng đồng trong xã hội, ở từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Và những “khuôn mẫu”, “chuẩn mực” cụ thể, những giá trị đơn lẻ, hoặc những nội dung không còn phù hợp với hiện tại sẽ bị loại bỏ dần.

Hiện nay, nhận thức về mối quan hệ giữa các hệ giá trị này đang còn có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng ba hệ giá trị này mang cùng một bản chất, có tên gọi khác nhau chỉ là do các giác độ tiếp cận và các chủ thể khác nhau mà thôi. Còn có những ý kiến khác lại cho rằng, tuy có liên quan với nhau, nhưng đây là những phạm trù khác nhau. Theo cách tiếp cận con người là chủ thể trung tâm, thì ba hệ giá trị đó có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng, trong đó hệ giá trị con người là hạt nhân cốt lõi. Chính giá trị con người là nền tảng, gốc rễ cơ bản đề hình thành giá trị văn hóa và giá trị quốc gia. Còn hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia khi được định hình, sẽ có một vai trò chi phối quan trọng, có thể mang tính quyết định đối với sự thay đổi và phát triển hệ giá trị con người. Sẽ là siêu hình và không đúng bản chất khi nhìn nhận tách biệt máy móc giữa các hệ giá trị này trong sự phát triển của xã hội. Vì vây, trong mối quan hệ biện chứng mang tính bản chất đó, trên thực tế, ở tầm quốc gia (dân tộc), đó sẽ là các giá trị tổng hợp chứa đựng cả giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị con người đặc trưng của một quốc gia (dân tộc) trong một giai đoạn phát triển nào đó. Đối với nước ta, có thể gọi đó là hệ giá trị Việt Nam đặc trưng của thời kỳ công nghiệp, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội nhập quốc tế.

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và các hệ giá trị khác, gọi chung là hệ giá trị Việt Nam luôn tồn tại, tác động vào xã hội thông qua hoạt động của con người, trở thành nguồn lực nhân văn vô cùng to lớn của quốc gia - dân tộc, một nguồn lực nội sinh đặc biệt. Điểm đặc biệt của nguồn lực nội sinh so với các nguồn lực vật chất khác là quá trình sử dụng không bị hao mòn, cạn kiện, mà càng nảy nở, phát triển, phát sinh thêm gấp bội. Ngược lại, không được khai thác, sử dụng thì sẽ bị mai một, suy giảm, lu mờ, thậm chí sẽ lụi tàn. Điều này đòi hỏi trong chương trình giáo dục, đào tạo các cấp học, nhất là chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao không thể không chú trọng nội dung giáo dục, trao truyền, khơi dậy, phát huy, phát triển các hệ giá trị Việt Nam. Làm sao để các thế hệ hôm nay và mai sau cần biết trân trọng, bảo tồn, khơi dậy, khai thác, phát huy và phát triển nguồn lực nội sinh đặc biệt, vô giá này.