Tháng Bảy đang trôi dần về cuối hạ, phút giao mùa trời đất sắp sang thu, đường về quê thênh thang nắng gió. Tôi đi từ nơi đồi núi trập trùng qua những xóm nhà đông đúc bên sông, mấy cánh đồng mênh mông xanh mướt đến phố phường sầm uất khang trang, đâu đâu cũng thấy những miền quê thanh bình, tươi đẹp. Điều khiến tôi chạnh lòng là quãng đường chỉ 60 km mà có đến 4 đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ tôn nghiêm, lặng lẽ. Đó như những nốt trầm trong khúc tráng ca về lịch sử hào hùng của dân tộc, mãi lay động lòng người và nhắc nhở chúng ta phải luôn ghi nhớ...
Thế hệ chúng tôi sinh ra sau 1975, khi quê hương không còn tiếng súng, non sông đã thống nhất vẹn toàn, được sống trong hòa bình chính là niềm hạnh phúc lớn lao. Trẻ thơ tung tăng cắp sách đến trường, cha mẹ an tâm ra đồng cày cấy, lúa lên xanh và cây trái trĩu cành, tiếng ru à ơi cũng ngọt ngào bình yên quá đỗi. Chúng tôi chỉ cảm nhận chiến tranh tàn khốc qua lời kể của người lớn, qua phim ảnh hoặc sử sách, thơ ca... Những bản nhạc, bài thơ xúc động về sự hi sinh anh dũng của người lính, về tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, về nỗi đau âm thầm sau bao cuộc chiến tranh vệ quốc vẫn đi cùng năm tháng. Với lí tưởng và lẽ sống cao đẹp: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” hoặc “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, những người lính oai hùng năm xưa đã lên đường chiến đấu, sẵn sàng ngã xuống cho “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”!
Giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất phải đánh đổi bằng xương máu, bằng nỗi đau thương, mất mát khôn cùng. Bản thân tôi cũng thấm thía nỗi đau chung khi ông bà nội có 5 người con tham gia cách mạng. Trong số đó, 2 người bác đã anh dũng hi sinh, 2 người bác còn lại cùng với cha tôi may mắn trở về sau chinh chiến. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, bà nội được truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng vì có 2 con là liệt sĩ, 2 bác là thương binh được trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Riêng cha tôi phục vụ trong quân ngũ từ 1965 - 1982 nên được hưởng chế độ theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg. Bây giờ, tóc nhuốm đầy sương gió, cha tôi và các bác đều cảm thấy thật ấm lòng với sự ghi nhận ấy!
Thấm nhuần lời dạy của Bác “sự hi sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”, phát huy truyền thống đạo lí tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” nên công tác đền ơn, đáp nghĩa luôn được Đảng, Nhà nước và các cơ quan, ban, ngành đặc biệt quan tâm. Hằng năm, vào các dịp lễ, tết và nhất là ngày 27/7, những thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đều được chăm lo chu đáo. Hiện cả nước có khoảng hơn 9 triệu người có công với cách mạng, đa số đều được xác định, được đền đáp. Nhưng vẫn còn bao người lính mãi nằm lại nơi núi cao rừng thẳm, nơi biển rộng, sông sâu chưa tìm thấy; hàng nghìn mộ chí chưa xác định danh tính ở các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp đất nước; biết bao người mẹ “ba lần tiễn con đi/ hai lần khóc thầm lặng lẽ/ các anh không về/ mình mẹ lặng im”... là những nỗi đau không đo đếm được, còn mãi dày vò khiến chúng ta ngậm ngùi, xót xa!
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước thái bình, Nhân dân no ấm nhưng nỗi đau vẫn chưa nguôi trong lòng người. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: cái giá của độc lập, hòa bình phải đánh đổi bằng xương máu, bằng mất mát, đau thương không kể xiết. Vì thế, mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ cần hiểu để ghi nhớ, thiết tha yêu quê hương đất nước như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nhắc: “Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời”.
Tháng Bảy là dịp để chúng ta thành kính bày tỏ niềm tưởng nhớ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ và chăm lo cho những người có công với cách mạng. Tháng Bảy, nhìn sắc màu tươi thắm của ruộng đồng, cây trái, thấy nhịp đời ngày mới an vui, bất chợt trong tôi nhớ thơ Giang Nam: “Nay yêu quê hương vì trong từng nấm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin