Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Nàng thơ nhân hậu về nơi hóa buồn thành vui

KHÔI NGUYÊN THẢO 19:25, 06/07/2023

(LĐ online) - “Ước gì cầm được cô đơn/ Ném thia lia để hóa buồn thành vui”, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết về ước muốn của mình như thế. Như một dự báo xót xa về số phận, nhiều năm sau khi viết hai câu thơ này, chị mắc bệnh Alzheimer, không nhận ra được người thân, quen. Và bây giờ, mong rằng bà đã hết cô đơn, về nơi “hóa buồn thành vui”.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

TUỔI THƠ “BIẾT KHI NÀO NỞ HOA”

Cuộc đời Lâm Thị Mỹ Dạ đi qua những nỗi đau, nỗi buồn: Từ tuổi thơ bất hạnh của một cô bé lỡ sinh ra trong gia đình có lí lịch bất ổn, bị bè bạn ghẻ lạnh khi bố bỏ vào Nam sinh sống, ông nội là đại địa chủ: “Mẹ sinh em ngày này/ Mưa dột bầm mái tóc/ Gió tê buốt hai tay/ Mẹ không có cửa nhà/ Em - đứa trẻ vắng cha/ Như mầm cây trên đá/ Biết khi nào nở hoa...”, đến nỗi đau hoang lạnh thời thiếu nữ: “Em có nỗi buồn như tro/ Hoang lạnh cả một thời thiếu nữ” (Anh đã nhìn thấy em)... Ở tuổi xế bóng, bà chăm sóc chồng (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) bị bệnh tai biến nhiều năm ròng ở Huế. Cho đến khi về già, sống trong cảnh nhớ nhớ quên quên vì chứng bệnh Alzheimer ngày càng trở nặng, bà ở bên chồng và con, sinh sống và qua đời tại TP Hồ Chí Minh.

Vượt qua những lạnh lẽo, buồn tủi đường đời, có một Lâm Thị Mỹ Dạ nhân hậu và ấm áp vô cùng trong thơ ca Việt Nam. Năm 1971, ở tuổi 20, Lâm Thị Mỹ Dạ đoạt giải nhất báo Văn nghệ với chùm thơ trong đó có bài "Khoảng trời, hố bom", được giảng dạy hàng chục năm qua trong chương trình phổ thông. Cũng được giảng dạy hàng chục năm trong nhà trường, ở bậc tiểu học là tác phẩm “Truyện cổ nước tôi” - Đây cũng là những tác phẩm ghi dấu ấn để nhớ đến nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trên văn đàn Việt Nam.

Với "Khoảng trời, hố bom", bà đã dựng nên tượng đài cô gái mở đường trong thi ca và trong lòng người với những hình ảnh không thể nào đẹp hơn: “Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em”. Nhưng, độc đáo hơn nữa, bằng trái tim đa cảm, độ lượng, khi viết về cái chết của người lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam, bà vẫn có ánh nhìn đầy nhân văn: “Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã/ Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy/ Xin hãy giở dưới làn da chó sói/ Trái tim nai đỏ thắm thơ ngây!” (Khuôn mặt ẩn kín). Hay, trước bức tường đen - nơi khắc tên 58.000 lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam ở Washington D.C, điều bà nhìn thấy là: “Tôi đưa tay/ Sờ lên từng cái tên/ Sao nghe lòng nhói buốt!/ Có phải/ Tôi đã đến đây bằng trái tim người mẹ/ Khóc cùng người mẹ Mỹ mất con” (Bức tường đen). Chỉ khi thơ được cất lời từ trái tim đập bởi những nhịp thương yêu, trái tim biết đau với những nỗi đau thân phận con người mới có những góc nhìn đẹp đến vậy.

Nói về thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, không chỉ dừng ở những tâm tình, dịu dàng, sự sâu sắc, ấn tượng đến từ thơ bà còn bởi tính khái quát cao và những chiều sâu suy ngẫm tác giả gửi gắm vào đó. Vẫn là bài thơ “Khoảng trời, hố bom” – một bài trong chùm thơ chị đoạt giải Nhất báo văn nghệ năm 1972 - 1973, đã được đưa vào giảng dạy trong trường phố thông hàng chục năm qua, sức khái quát, chiều sâu được viết hết sức tự nhiên qua những hình ảnh, hình tượng:  

"Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em

Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ

Đất nước mình nhân hậu

Có nước trời xoa dịu vết thương đau"

Hay trong “Truyện cổ nước mình” – một trong những bài thơ hàng chục năm nay được học sinh tiểu học học thuộc lòng, luôn có mặt trong tuyển tập thơ hay dành thiếu nhi thì sức khái quát vẫn nhẹ nhàng ẩn dụ trong từng câu chữ:

“Đời cha ông với đời tôi

Như con sông với chân trời đã xa

Chỉ còn truyện cổ thiết tha

Cho tôi nhận mặt ông cha của mình”…

Bài thơ Truyện cổ nước mình - một tác phẩm đi vào lòng nhiều thế hệ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
Bài thơ Truyện cổ nước mình - một tác phẩm đi vào lòng nhiều thế hệ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐẸP, DỊU DÀNG, YÊU THƠ

Trong kí ức của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, tác giả “Hương thầm” là những kỷ niệm thân tình, vui tươi với người bạn thân Lâm Thị Mỹ Dạ. Ngày chưa có chồng, học ở trường Viết văn Nguyễn Du, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có nhiều anh theo. Trong số đó có nhà thơ Thanh Tùng - tác giả của Mùa hoa đỏ. Một lần, đèo xe đạp Mỹ Dạ ngồi phía sau, qua đường Thanh Niên, Thanh Tùng dừng lại mời Mỹ Dạ ngồi trên ghế đá rồi hỏi: “Em có yêu anh không?”. Lắc đầu: “Anh nói chi lạ, mình đã hiểu gì về nhau đâu”. Thế là chàng cởi áo, lội ngay xuống nước, cứ từ từ lội ra xa và liên tục hỏi: “Có yêu không - nước ngập đầu gối anh rồi”/ “nước ngập đến thắt lưng rồi”/ “nước ngập ướt cả áo rồi”… Dạ vẫn lắc đầu, nhưng lúc nước ngập  gần tới ngực mà anh vẫn đi giật lùi ra xa thì nàng hốt hoảng: “Anh lên đi. Có, có yêu mà”…

Nhưng khi chàng lội tới gần bờ thì nàng bỏ chạy về nhà bạn – nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn - ở ngay gần đường Thanh Niên và kể chuyện, mặt còn tái mét: “Anh nớ ướt hết rồi - còn lâu mới đuổi theo em được nhá”…

Hoặc như câu chuyện nhà thơ Khánh Chi hay kể đùa với bạn bè về một nữ sĩ, lặng người ngắm cảnh làng quê Nga qua cửa xe ô tô, rồi chợt thốt lên mơ màng, giọng Huế: "Trời ơi, cảnh đẹp quá chừng, Dạ muốn làm thơ quá chừng", làm cả xe cười ồ trêu chị… Những câu chuyện, giai thoại về Lâm Thị Mỹ Dạ, một nàng thơ đẹp, trong sáng, yêu thơ đến vô cùng khiến cả những người chưa từng gặp cũng có thể cảm nhận sự trong lành, dễ thương của chị.

Đọc thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhìn lại cuộc đời chị đã đi qua, chúng ta càng tin rằng, chỉ có thể là con người ấy, tâm hồn ấy mới viết nên những dòng thơ hồn hậu đến vậy. Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam sáng nay chia sẻ trên FB của mình: “Từ mấy chục năm trước, tôi đã gọi chị là một Thiên thần bay xuống trần gian bởi gương mặt chị đẹp và thánh thiện, bởi tâm hồn chị trong sáng vô ngần và bởi những câu thơ của chị luôn vang lên như những khúc ca của yêu thương, dịu dàng và mang một đẹp mong manh nhưng đầy lan toả.

Hình như chị xuống thế gian này chỉ để hiển hiện một gương mặt đẹp, một tâm hồn trong sáng và để vang lên những câu thơ của yêu thương và che chở”.

“Nếu được lạc cùng sông/ Xin lạc mãi/ Để hồn trôi êm ái khúc du ca” - trong tác phẩm “Đi cùng sông Hương”, nhà thơ đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình với thành phố bên dòng sông thơ này đã từng gửi ước muốn của mình được “hồn trôi êm ái khúc du ca”. Cuộc đời người đàn bà đẹp nén những đau thương buồn tủi để tiếng thơ cất lời ngọt lành bên những đắng cay ấy dừng lại ở tuổi 74, giờ hồn người hẳn đã về đến sông Hương, hòa cùng sóng nước, nhưng những hình tượng thi ca mà chị để lại, sẽ còn mãi trong lòng người yêu thơ.  

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978. Chị học Trường viết văn Nguyễn Du những năm 1978 đến 1983. Chị từng làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Sông Hương, là ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V. Chị được trao giải thưởng Nhà nước năm 2007. Chị mất ngày 6/7/2023 tại TP Hồ Chí Minh.

Các tác phẩm chính của nhà thơ đã xuất bản gồm: "Trái tim sinh nở" (thơ, 1974), "Bài thơ không năm tháng" (thơ, 1983), "Danh ca của đất" (truyện thiếu nhi, 1984), "Nai con và dòng suối" (truyện thiếu nhi, 1987), "Phần thưởng muôn đời" (truyện thiếu nhi, 1987), "Hái tuổi em đầy tay" (thơ, 1989), "Mẹ và con" (thơ, 1994), "Đề tặng một giấc mơ" (thơ, 1998), "Hồn đầy hoa cúc dại" (thơ, 2007)…