Viết văn, viết báo, viết kịch bản phim... Ở lĩnh vực nào, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) cũng đạt nhiều thành công trên chặng đường sáng tạo. Điều đáng trân trọng nhất ở chị là thái độ chuyên nghiệp và sự bền bỉ bao năm mà ngòi bút chị dành tình yêu với đề tài chiến tranh, cách mạng.
• THẬT KHÔNG DỄ KHI PHẤN ĐẤU CHO SỰ GIẢN DỊ...
Là nhà văn đạt nhiều giải thưởng văn chương, giải thưởng có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
Nó mang tính khích lệ. Đặc biệt với những tác phẩm viết về một đề tài nào đó, nhân vật nào đó. Tôi thấy vui vì không chỉ tác phẩm được vinh danh mà những con người tôi thể hiện trong tác phẩm không bị quên lãng...
Có được giải thưởng, tất nhiên rất vui, rất hạnh phúc nhưng phần thưởng lớn nhất của tôi là lòng yêu mến của bạn đọc. Khi ngòi bút mang lại công bằng, an ủi cho những số phận bị lãng quên, tôi thấy mình hạnh phúc hơn mọi giải thưởng văn học được trao tặng. Thực tế cho tôi bài học rằng, nếu như khởi đầu trang viết bằng tấm lòng trong sáng, nồng nhiệt; nhà văn được cuộc đời đền bù xứng đáng. Tôi nói điều này là cũng cảnh giác mình với "cái bẫy" của giải thưởng. Hãy viết vì không thể không viết chứ không phải vì những đóa hoa và những lời chúc mừng khi tên mình được xướng danh. Hoa rồi sẽ tàn, lời chúc mừng rồi sẽ lắng, còn lại chỉ có nhà văn và nỗi cô đơn bên trang viết...
Văn chương đứng ở vị trí nào trong cuộc sống của chị?
Văn chương với tôi là sứ mạng nói thay cho những điều thầm lặng. Có những thứ trong cuộc sống này không giải quyết được bằng pháp luật, chính sách, những quy tắc thông thường của xã hội, những chuẩn mực đạo đức mặc định... nên cần tới văn chương để giãy bày. "Tình và lý". Văn chương là cầu nối để cái "lý" được người hơn và "tình" có ánh sáng của lý trí. Con đường văn chương của tôi bắt đầu từ trái tim đa cảm. Tôi thi vào y khoa vì thương người nghèo, mong làm bác sĩ để người nghèo bớt khổ. Nhưng tôi bị đưa qua học trồng trọt. Tôi học khá, không đến nỗi tệ. Niềm rung cảm từ thực tế cuộc sống thôi thúc tôi cầm bút. Thân phận người nông dân khiến tôi rung cảm, đứng về phía họ, nói thay họ những ước mơ... Hơn lúc nào hết, đất nước cần ngòi bút của những người có tâm. Viết văn, kịch bản, viết báo... hay viết gì đi chăng nữa cũng cần điều đó.
Nhà văn, triết gia Ý Umberto Eco từng nói từ rất lâu: "Dưới ánh mặt trời không có gì mới". Chị nghĩ sao về lao động sáng tạo và hành trình tìm cái mới trong văn chương?
Khi tôi bắt đầu tiếp cận với thiền, tôi thú vị với "thiền đi", "thiền nằm", "thiền rửa chén", "thiền hơi thở", "thiền..."; có vô số điều trong đời sống cần phải thiền để thấu đáo, làm đến nơi đến chốn một điều gì đó thì lao động sáng tạo với tôi cũng là thiền. Với người cầm bút là "thiền viết". Thật vậy, để viết một cái gì đó là chúng ta phải tìm hiểu, học hỏi, lắng nghe, suy xét, cầu thị, thấu hiểu nội tâm, đắm mình vào những gì chúng ta cần thể hiện. Tôi cũng thường nghĩ nhiều về "cái mới" trong văn chương, rồi ngộ ra chẳng có gì là mới cả. Sẽ có người phản bác tôi vì điều đó. Tôi nghĩ nhà văn có nhiều cách nói, mới hay cũ, truyền thống hay hiện đại, mô-típ quen thuộc hay cách tân thì cốt lõi văn chương vẫn là sự trong sáng, giản dị, truyền cảm. Một tác phẩm làm lay động trái tim con người, làm người ta thức tỉnh, thay đổi hành vi, hướng thiện để thế giới được chữa lành, được tốt đẹp hơn thì tôi nghĩ đó là tác phẩm đích thực. Tôi suốt đời chỉ phấn đấu cho sự giản dị, trong sáng trên trang viết mà thật không dễ...
• “CHẲNG CÓ AI TẺ NHẠT Ở TRÊN ĐỜI”
Trong hành trình đi và viết của mình, nhân vật nào để lại trong chị nhiều ấn tượng nhất?
Dường như nhân vật nào tôi gặp, bước ra từ cuộc chiến tranh hay đã ngã xuống đều để lại trong tôi ấn tượng mãnh liệt. Tôi chợt nhớ nhà thơ Evtushenko đã từng viết: "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ/ Chẳng tinh cầu nào có thể sánh đâu". Tôi đã từng gặp những đại phu nhân và những con người bé nhỏ thầm lặng nhưng đau của họ đều rất lớn. Một phu nhân nguyên tổng bí thư cứu rỗi rất nhiều người nhưng không cứu được đứa con trai yêu quý của mình. Nỗi đau đó quá lớn, dai dẳng suốt cuộc đời bà. Hay một người chị sống trong cánh đồng bưng lác ven đô ở Đức Hòa đã để lại ba đứa con mình dưới hầm giữa bom đạn tơi bời, trong lúc đang mang thai 4 tháng bì bõm vượt đồng hàng chục cây số, đưa cả trung đoàn thoát khỏi tọa độ chết. Hòa bình, chị sống trong cảnh bị chồng bạo hành, một nách nuôi đàn con trong đói nghèo. Không một ai trong đoàn quân ấy trở về thăm chị. Hay các anh đã hy sinh hết trong Mậu Thân? Lúc tôi tìm đến hỏi chuyện, chị bị bệnh không tiền uống thuốc. Tôi đi vòng sau bếp, thấy trong nồi cơm chỉ có một củ khoai lang. Nhìn căn nhà trống hoác, tôi không ngăn được nước mắt, dốc hết tiền gởi chị mua gạo và thuốc uống, quyết tìm cách giúp chị xây lại ngôi nhà...
Tác phẩm mới của chị đang ấp ủ là...?
Là "Khoảng lặng nước mắt" ba tập Bắc, Trung, Nam về những bà mẹ có con hy sinh cho Tổ quốc khắp miền đất nước, là "Sâu thẳm áo dài" - những câu chuyện về phụ nữ Việt Nam gắn với tà áo dài, về "Những bông hoa bất tử" – những cô gái hy sinh khi còn rất trẻ để lại những ước mơ, về "Giá của hoà bình" - những cựu binh Mỹ mà tôi được gặp đã nỗ lực làm nhiều điều để hàn hắn mối quan hệ Việt - Mỹ, để hai dân tộc hiểu nhau sau mất mát, tang thương; về những bộ tiểu thuyết mà tôi còn mắc nợ... Nhiều quá mà sức người có hạn, thời gian bị cắt vụn bởi những công việc mưu sinh đời thường. Tôi vùng vẫy, vượt qua chính mình để từng bước hiện thực hóa giấc mơ. Nói ra nhiều mà không làm được cũng thẹn lắm nhưng tôi tự nhủ nói ra để tự hứa với chính mình.
Điều gì khiến chị theo đuổi bền bỉ mảng đề tài văn học chiến tranh, viết về những anh hùng, thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng...?
Thời thơ bé tôi được mẹ kể về những người thân bên nội, ngoại hy sinh. Ông ngoại tôi tham gia chống Pháp, bị bắt vào tù, bị đánh đập tra tấn đến chết. Chuyện kể của mẹ về những người đã ngã xuống cứ ám ảnh tôi. Khi bắt đầu viết văn, thời còn là sinh viên Khoa Trồng trọt Đại học Cần Thơ, một lần được ra thăm Côn Đảo, từ năm 1983, tôi thật xúc động. Giữa trùng trùng mộ chí, có những nấm mồ chưa biết tên, tôi tự hỏi ai cũng có một cuộc đời, sao có những người anh hùng, dũng cảm đến vậy, đã dám chết cho Tổ quốc. Khi trở thành một nhà văn, nhiều người hỏi vì sao tôi viết nhiều về hy sinh mất mát, về những anh hùng liệt sĩ. Thật giản dị để nói rằng những con người hy sinh cho dân cho nước quá cao đẹp. Lịch sử có quá nhiều những con người lạ lùng kỳ diệu làm nên những điều phi thường, những tấm gương anh hùng, bất khuất. Mình được sống trong hòa bình, chỉ viết lại những câu chuyện ấy mà còn không làm được thì thật có lỗi. Và vì vậy, cho đến khi không còn thở được, tôi vẫn còn miệt mài với những trang viết về những người đã ngã xuống cho đất nước...
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin