Khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của người đồng bào dân tộc K’Ho để trình diễn một tiết mục trong Hội thi Bí thư chi bộ giỏi huyện Đam Rông vừa qua, những chàng trai, cô gái mới mười tám, đôi mươi ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông say mê đánh lên từng tiếng chiêng và điệu xoang truyền thống của buôn làng.
Thế hệ trẻ Đạ Tông tham gia trình diễn cùng già làng tại các đợt diễn văn nghệ |
Là những người con của núi rừng Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng dường như đã in sâu vào tiềm thức của mỗi một người dân nơi đây. Và có lẽ với họ, cồng chiêng không chỉ là âm nhạc truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là sự gắn kết cộng đồng, buôn làng, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. Bởi đó cũng là lí do cho sự ra đời của Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Đạ Tông.
Duy trì đều đặn gần 2 năm nay với 35 thành viên tham gia câu lạc bộ, trong đó số lượng đoàn viên, thanh niên chiếm trên 90%. Vào mỗi tối, ai nấy đều tự sắp xếp được thời gian tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng để tập luyện đánh cồng chiêng, múa xoang.
Là thành viên của lớp học, em Đa Cát Ha Huynh phấn khởi: “Em còn nhớ buổi đầu làm quen với điệu chiêng em không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng được sự truyền dạy tận tình của già làng, em cùng các bạn đã làm quen và biểu diễn được một số bài đơn giản. Tiếp xúc với chiêng, được trực tiếp sử dụng, chúng em càng cảm nhận được rõ hơn nét đẹp của văn hóa truyền thống, cũng như nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Em mong những tiếng chiêng của bản thân dần thuần thục hơn để khi kết hợp với những điệu múa của các bà, các mẹ hay các bạn sẽ trở nên tròn trịa hơn”.
Song song với lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, câu lạc bộ còn tổ chức dạy múa xoang cho các thành viên, đặc biệt là các bạn đoàn viên, thanh niên. Em Phi Srõn K’Ngân tâm sự: “Ngày xưa, em chỉ đứng bên ngoài xem các cô múa và thấy mê lắm. Dần sau này, khi được tiếp cận và học nên em hiểu rằng, khi múa xoang thì phải chuyển động thân hình theo nhịp cồng chiêng, di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng trong đội hình đồng điệu. Nếu nắm những bước cơ bản này sẽ rất dễ để học múa xoang”.
Anh Liêng Hót Ha Ngát - Bí thư Đoàn xã Đạ Tông cho hay: Cùng với sự đam mê, chăm chỉ luyện tập, từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng hay những động tác cơ bản để hoàn thiện một bài múa xoang, đến nay các bạn đoàn viên, thanh niên đã nắm được kỹ thuật, biết đánh thuần thục một số bài chiêng cơ bản và tham gia biểu diễn cho địa phương.
“Mặc dù thời gian thành lập câu lạc bộ chưa lâu, song trước đó, già làng cùng các bà, các mẹ đã cùng nhau lưu giữ bằng cách gặp gỡ và tập luyện vào các dịp cuối tuần hoặc thời điểm chưa bước vào mùa hái cà phê. Cũng bởi lo sợ văn hóa của dân tộc mình bị mai một theo thời gian nên bản thân những người uy tín, già làng hay những người trẻ như tôi đều thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, đoàn viên, thanh niên trong thôn phải cố gắng giữ gìn tiếng chiêng, nhịp xoang. Và điều có lẽ mà tôi hay bất cứ người con Tây Nguyên nào cũng đều vui mừng là bên cạnh mình luôn có các ông, các bà, các mẹ luôn tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ” - anh Ngát bộc bạch.
Để phục hồi, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Đảng ủy xã Đạ Tông đã xây dựng nghị quyết về xây dựng cảnh quan thôn, buôn, đón đầu phát triển du lịch từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu cụ thể của địa phương là phục hồi văn hóa truyền thống tốt đẹp, nghệ thuật trình diễn dân gian; phấn đấu đến 2025 mỗi thôn ít nhất có 2 bộ chiêng và 2 đội biết chơi cồng chiêng thuần thục, 1 đội văn nghệ dân ca. Phục hồi, bảo tồn văn hóa phi vật thể đại diện hình ảnh của dân tộc, của thôn, buôn. Đến năm 2025, xây dựng được bộ sưu tập hiện vật và sưu tầm hình ảnh, tư liệu văn hóa nơi đồng bào Cil, M’Nông cư trú thành cộng đồng phục vụ công tác trưng bày chuyên đề đón đầu cho phát triển du lịch tại địa phương.
Xây dựng được ít nhất 3 cơ sở, hộ kinh doanh đăng ký giấy phép, thương hiệu các sản phẩm nông sản, ẩm thực đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc như gạo nếp đen, rượu cần, măng le, cơm lam, heo địa phương, cá suối Đạ Tông, tạo tiền đề đón đầu cho việc phát triển du lịch khi thông tuyến đường 722 đi Đà Lạt và Khu du lịch suối nóng Hoàng Trang đi vào hoạt động. Quy hoạch các khu, điểm du lịch, đặc biệt khu du lịch sinh thái lòng hồ, sông gắn với trải nghiệm văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc, đến năm 2030, trên địa bàn xã có ít nhất 4 điểm du lịch. Đến năm 2025, đầu tư xây dựng 1 nhà rông truyền thống để trưng bày, giới thiệu văn hóa và dụng cụ, lưu giữ bảo tồn kiến trúc nhà ở dân cư đặc trưng, truyền thống đồng bào dân tộc Cil, M’nông.
Ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông khẳng định: Trong những năm qua, công tác phục hồi, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc luôn được Đảng ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân nên đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc được sưu tầm, phục dựng, truyền dạy. Các giá trị văn hóa truyền thống về trang phục, dân ca, sử dụng nhạc cụ, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực được bảo tồn và phát huy.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông cũng cho rằng: “Phục hồi, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc, đồng thời, xây dựng cảnh quan thôn, buôn xanh, sạch, đẹp là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết của xã. Thông qua đó nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các phong tục không phù hợp. Đồng thời, phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, nếp sống mới, cùng với xây dựng môi trường sống không chỉ sạch, đẹp mà còn mang tính thẩm mỹ để Đạ Tông khoác lên mình bộ mặt của nông thôn mới phát triển bền vững với tương lai”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin