Minh họa: Phan Nhân |
Mỗi lần chở tôi ngang qua ngọn kinh Tiểu Dừa, ông nội tôi đều hỏi: “Lũ, mày có nhớ cái ngọn kinh này không, chỗ hồi đó má mày đẻ mày ra nè. Lúc đó nội tưởng mày chết chứ sống gì nổi”. Tôi nhăn nhó mặt mày, ra chiều lục tìm trong đầu những vệt ký ức còn sót lại, bảo: “Nhớ gì nổi, hồi đó con mới đẻ có biết trời trăng gì đâu. Ông nội lạ thiệt!”. Nội cười hiền khô. “Ừ heng, sao mà nhớ nổi chớ, mấy chục năm rồi còn gì”. Tôi nhìn nội rồi nhìn ra con sông Tiểu Dừa đang rì rào chảy về phía biển Tây sóng trắng.
Nói thì nói vậy chứ tôi nhớ hết, nhớ rành rọt từ chuyện má tôi rặn tôi ra thế nào, tôi bị nhau quấn ra sao, tới chuyện cái đêm má trở dạ, đau quằn quại, nước lũ về, chiếc ghe bấp bênh ba chìm bảy nổi. Tôi cất tiếng khóc chào đời, ông nội thở phào, ngồi trước mũi đốt điếu thuốc kéo cái rột rồi thở ra khói bay là đà trong màn mưa xiên dọc xiên ngang trên ngọn kinh Tiểu Dừa hiu hắt. Tía tôi hỏi nội: “Đặt tên cho đứa nhỏ là gì, ba ha?”. Nội trầm tư suy nghĩ, bắt gặp con nước đang dâng lên khỏi gốc cây tràm già mọc bên bờ sông, ông nói gọn: “Kêu là Lũ đi”. Tía tôi gật gù, lẩm bẩm: “Lũ”.
Sau này lớn lên, đi học rồi đi làm xa, tôi tự nhận thấy cái tên Lũ quê một cục, huống hồ tôi lại là con gái. Sợ chúng bạn cười, tôi suy nghĩ nát nước để tìm cái tên phù hợp với mình. Tên gì cũng được, miễn bắt đầu bằng chữ “L” và không phải là “Lũ”. Giữa bao nhiêu cái tên như Lê, Liễu, Lam, Linh… không hiểu sao tôi lại chọn cho mình cái tên Lệ. Có một lần ngồi nghĩ về cái tên, tôi giật mình: “Trời đất ơi, sao mình chọn cái tên buồn quá vậy!”. Lệ nghĩa là nước mắt, mà ít khi nước mắt chảy lúc người ta vui. Nhắc tới nước mắt là nhắc tới nỗi buồn niềm đau, dường như là một cặp. Tôi vẫn để. Giấy tờ sửa tên tôi đâu vào đấy cả rồi, có muốn cũng không sửa được. Dù vậy, mỗi lần về quê, ông nội tôi vẫn gọi tôi là Lũ. Nội nói: “Quen miệng rồi, sửa không được”.
Tôi biết Lũ không đơn thuần chỉ là tên gọi mà ông nội đặt cho đứa cháu gái duy nhất của ông. Cái tên ấy còn khơi nhắc cho ông về một giai đoạn không thể nào quên của gia đình tôi, trên chiếc ghe chật hẹp lênh đênh từ sông này qua sông khác, lang thang trên dòng Tiểu Dừa những ngày nước lũ dâng cao. Tôi chào đời trong cơn lũ. Năm ba tuổi, tôi ngồi sau lái ghe vớt bông lục bình suýt hụt chân xuống dòng nước lũ, may má phát hiện kịp. Rồi má tôi cũng ra đi trong mùa mưa lũ năm nào để tôi lớn lên trong thiếu thốn đủ đường, nhất là khi tôi bắt đầu “trổ mã”. Những ký ức đó không cần ngồi nhớ lại cũng tự khắc trôi về trong tâm tưởng của tôi, nhất là khi tôi trong thấy mấy cụm lục bình trôi lơ đãng trên sông, khi đi qua dòng sông Tiểu Dừa bao nhiêu năm vẫn giữ vẹn hình ảnh con sông đổ ra biển cả…
“Hồi đó khổ quá…” - Hồi còn sống, mỗi lần nhắc lại chuyện xưa, tía tôi thường mở đầu bằng câu nói đó. Nội tôi bảo:
- Ừ thì khổ, mà cũng đã qua rồi, nhắc lại làm gì nữa, con Lũ đã lớn khôn, còn người xưa… - Giọng ông tôi trầm buồn, tưởng như phải lắng tai mới nghe được hết những gì ông nói - Còn người xưa thì cũng đã ngủ yên dưới dòng sông sâu hút.
Tôi không nhớ hết mọi chuyện, cả khuôn mặt, dáng hình, má tôi tôi cũng không nhớ nữa là. Nhưng ông nội bảo tôi giống má như đúc, giống lạ kỳ, nhất là cặp mắt lúc nào cũng trĩu xuống, như chất chứa trong đó tỷ tỷ nỗi buồn từ muôn vạn kiếp. Không có lấy một tấm hình của má, tôi chỉ biết soi gương, nhìn mặt mình rồi hình dung ra khuôn mặt của má, rồi tự nhớ, tự thương, tự vẽ ra trong đầu mình khuôn mặt của má tôi. “Chân mày má sao tía?”, “Còn môi?”, “Sóng mũi thì sao?”, “Tóc má con chắc dài dữ lắm”… - Tôi luyên thuyên hỏi, đến nỗi tía tôi phát bực:
- Hỏi hoài. Lâu quá, tía quên rồi, có còn nhớ gì nữa đâu?
Quên, mà tía tôi vẫn mô tả lại được từng được nét trên khuôn mặt của má cho tôi nghe. Tía không được đi học chứ phải đi học chắc tía làm văn miêu tả toàn chín, mười điểm chứ không vừa. Tía tôi tả giỏi lắm. Bức chân dung của má trong đầu tôi ngày một rõ hơn. Lớn lên, tôi đủ hiểu một điều rằng tía tôi chưa từng quên bóng hình, khuôn mặt, giọng nói hay những cử chỉ quen thuộc của má hồi còn sống trên ghe, lênh đênh trên những dòng sông rồi chọn kinh Tiểu Dừa làm nơi neo đậu. Tía nói quên chỉ vì mỗi lần nhớ lại, tía lại thấy buồn. Tía ra bờ sông trước nhà có cây cầu nhỏ bắc ra để lên xuống ghe xuồng, có hàng dừa nước chạy dài lúc nào cũng thoảng hương cà bắp, tía ngồi đó nhìn ra mặt sông, nhìn xuống dòng nước đục ngầu mỗi khi có chiếc ghe chạy ngang qua lại bạc đầu sóng trắng. Tía nói câu gì mà tôi nghe không rõ. Tôi hỏi tía:
- Tía nói chuyện với ai ngoài đó vậy tía?
Tía nhìn tôi sượng trân. Rồi như không thể che giấu được nữa, tía tôi nói:
- Tía nói chuyện với má mày chứ còn với ai nữa.
Tôi nói gọn bân:
- Trời, má con chết cũng lâu rồi, có còn gì nữa đâu mà chiều nào tía cũng ra sông ngồi nói chuyện.
Tía tôi nhìn ra sông. Những chiếc ghe trên sông càng về chiều càng thưa vắng. Vài chiếc ghe nhỏ lỡ đường đậu lại chỗ bụi lá dừa nước, trước mũi ghe treo ngọn đèn nhỏ lập lòe màu đỏ, ánh sáng hắt xuống dòng sông từng vệt nước đỏ ối, rung chuyển nhẹ nhàng. Tía nói:
- Tía biết chứ! Người xưa cũng đã không còn, cũng nằm lại dưới đáy sông từ hồi mưa lũ năm nào. Nhưng trong tim tía, má con vẫn còn sống. Bà ấy ở đâu đó dưới dòng sông Tiểu Dừa này. Thi thoảng tía vẫn thấy rõ rành khuôn mặt bà ấy nhìn tía, đôi mắt buồn dữ lắm!
Nghe tía nói, nước mắt tôi tự nhiên chảy ra từ đôi mắt u buồn. Tôi biết tía tôi thủy chung với má. Có lần nội tôi nói: “Má con Lũ chết hồi năm nẳm nào rồi, cũng hơn hai chục năm rồi, bây đợi hoài cũng được gì đâu? Chi bằng đi thêm bước nữa, để người ta đợi, người ta chờ”. Tôi cũng khuyên tía nên đi lấy vợ. Tía hỏi chớ tôi không sợ dì ghẻ hay sao, tôi cười bảo chuyện dì ghẻ con chồng chỉ có trong cổ tích, thời đại nào rồi mà còn tin vào chuyện đó. Tía cười ríu ran, đó là những lần hiếm hoi tôi thấy tía cười. Sáng nào cô Tám cũng chèo xuồng qua đậu ngay bến sông nhà tôi, ghé qua cho nội tôi thứ này, thứ nọ, hỏi tía tôi vài câu, nói sắc mặt tía tôi dạo này kém, bữa nào đi chợ cô Tám hốt cho mấy thang thuốc bắc về sắc uống. Tôi ở sau bếp nấu cơm, nói vọng ra:
- Tám sắc thuốc thì tía con mới chịu uống, Tám ơi!
Cô Tám ngượng nghịu đỏ mặt. Đàn bà lỡ thời cũng biết ngượng, biết e thẹn chứ nào phải gỗ đá gì đâu. Vậy mà tía tôi vẫn cho người ta đợi chờ, tôi nói tía làm vậy mang tội.
- Chứ tao có thương người ta như thương má bây đâu. Lỡ tao lấy người ta về mà tao không thương người ta trọn vẹn, hoặc sống bên người ta mà lòng tao vẫn hướng về má bây đang ngủ yên dưới đáy sông lạnh lẽo, thì càng tội lỗi hơn.
Tôi nhìn tía, rồi nhìn cô Tám, lắc đầu. Nhìn cái bóng lủi thủi đi xuống bến sông, gỡ dây xuồng, lặng lẽ chèo đi, hai mái chèo khỏa nước ràn rạt, tự dưng tôi thương cô Tám vô kể.
Ông nội tôi ngày càng già hơn. Tía tôi sức khỏe cũng không được tốt, so với ông nội, chắc tía tôi yếu hơn nhiều. Tết năm này tía tôi suy sụp hẳn. Một chiều đứng xớ rớ ngoài sân ngó lên coi chuột khoét mái lá làm thành một lỗ to tướng, mưa dột tứ giăng, tía tôi ngã xuống, tai biến. Cô Tám chở tía tôi ra trạm y tế đều đặn. Nghe xóm bên có ông thầy nọ, ông thầy kia, cô Tám cũng đưa tía tôi đi. “Còn nước còn tát” - cô Tám nói vậy. Tự dưng tôi thấy thương cô Tám quá. Tôi biết cô thương tía tôi thiệt lòng. Có người đàn bà nào sẵn sàng cưu mang, săn sóc một người đàn ông đã liệt một phần người, trừ khi mang trong tim tình yêu sâu đậm. Tôi gọi cô Tám là “má”. Cô Tám chưng hửng:
- Con này, Lũ chỉ có một người má, gọi vậy tía nghe, rầy chết!
Tôi cười mà miệng mếu xệch, rồi thì nước mắt chứa chan:
- Cô Tám có khác gì má con đâu. Tía con không gật đầu, thì để con gật đầu. Con sẽ thay tía thương cô Tám, như thương má con vậy.
Cô Tám đang ngồi đút cơm cho tía tôi, bỗng cô để cái tô cơm chan nước cá kho xuống bộ ngựa rồi chạy ra mé sông ngồi ôm mặt khóc. Tôi không chạy theo cô Tám. Tôi biết khoảnh khắc ấy mình nên để cho cô Tám được riêng tư, được khóc cho thỏa hết những cảm xúc bấy lâu nay nén chặt trong lòng. Nước mắt cô Tám rơi xuống, hòa vào sông, hòa cùng giọt nước mắt của người đàn bà năm xưa đã chìm sâu trong cơn bão lũ. Đêm ấy, lũ về ngoài dự tính. Khi chúng tôi chưa kịp ăn cơm, má chỉ mới dọn chén đũa ra trong mui ghe, tía với nội tôi đang hì hụp lội dưới dòng kinh Tiểu Dừa cột dây ghe vào cái gốc tràm mọc lên bên bờ sông thì nước lũ về bất chợt. Nước chảy xiết. Nước dâng lên ào ào. Nước dưới sông tràn lên bờ, đổ vào ruộng vườn, làng xóm. Gió thổi ngùn ngụt cuốn phăng mái nhà, chòi lá. Từ trong xóm xa, tiếng bà con í ới báo bão về, tiếng hét, tiếng khóc, tiếng la, tiếng gọi tên nhau trong vô vọng hòa vào âm thanh cuồng nộ của thiên nhiên. Tôi ngồi trong ghe khóc thét. Gió thổi bay cái mui lợp tạm trên chiếc ghe của chúng tôi.
Chiếc ghe lắc lư. Mưa xối vào trong ghe tới tấp. Chiếc ghe ngày một chìm xuống lòng sông.
Nội với tía tôi hoảng quá sán tới ôm lấy tôi, sợ nước cuốn. Chiếc ghe chưa kịp cột dây vào thân cây tràm, bị nước đẩy ra giữa lòng sông, chìm dần, chìm dần trong mênh mông biển nước. Đêm tối phủ trùm cả một miền quê.
Tôi không còn nhớ gì nữa. Chắc vì lúc ấy tôi ngất đi hoặc vì cơn bão lũ năm ấy đã trôi qua quá lâu, khi tôi còn nhỏ xíu. Ký ức đau thương đọng lại cũng không nhiều. Nhưng có một hình ảnh mà tôi nhớ hoài không quên được, đó là đôi mắt thất thần, vô hồn rồi trừng trừng nhìn vào đêm đen đặc quánh của tía tôi. Khi ấy bão đã ngưng và nước lũ thôi cuộn xiết. Tía tôi lao ra dòng sông Tiểu Dừa dềnh dàng nước, mặc cho nội tôi thét gào. Tía tôi lục tìm trong từng lớp sóng gối đầu lên nhau hình bóng má tôi. Tía tôi kêu trời. Má tôi đã bị nước lũ cuốn trôi, mất hút.
“Mình ơi…” - tiếng của tía tôi đã xé toạc tâm hồn của tôi, ám ảnh trong đầu tôi cho đến bây giờ. Những đêm chập chờn trong giấc ngủ, khuôn mặt khắc khổ và tiếng gọi đau đến xe lòng của tía trong vô thức đã đánh thức tôi. Nước mắt tôi giàn giụa. Tôi bỗng thấy má hiện về bên khung cửa, má đứng dưới gốc bưởi trổ bông trắng xóa vườn nhà, đứng bên xác chiếc ghe năm xưa gia đình tôi đã rong ruổi trên dòng kinh Tiểu Dừa. Má đứng bên mộ của tía tôi. Tía đã rời đi trong một chiều mưa giăng, dòng sông trước nhà bỗng dưng đầy hơn và con bìm bịp nỉ non kêu trên cây tra bông vàng báo mùa nước lớn. Cô Tám buồn hiu hắt. Mười năm đợi chờ mỏi mòn, rồi thì tía tôi cũng bỏ cô Tám mà đi. Thương tía má bao nhiêu, tôi thương cô Tám bấy nhiêu. Tôi nói với cô Tám:
- Tía má con không còn, cô Tám cũng sống một mình buồn thiu buồn thỉu. Thôi thì cô Tám về ở với con và nội đi, mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nghen cô Tám!
Tôi thấy cô Tám nhìn về phía nội tôi. Nội lấy đốt cây nhang thắp lên bàn thờ của tía tôi. Nội nhìn ra dòng Tiểu Dừa chảy ngang qua trước nhà, nhìn tôi rồi nhìn cô Tám tội nghiệp đang ngồi ở mép bộ ngựa bóng nước giữa nhà, như đang đợi chờ một điều gì đó.
Nội tôi gật đầu.
Tôi đi học xa. Mỗi lần về quê, thấy nội tôi vẫn khỏe và cô Tám vui vẻ hơn nhiều, tôi thấy tim mình ấm áp. Dòng Tiểu Dừa chảy ngang qua nhà tôi bao năm tháng vẫn vậy. Bây giờ, ở chỗ cửa sông Tiểu Dừa đổ ra biển đã có con đê vững chải nên lũ không còn ùa về bất chợt như ngày xưa nữa. Lần nào về quê, nội cũng chở tôi bằng chiếc ghe cũ được sửa sang lại cho chắc chắn, đi trên dòng Tiểu Dừa, ra tận cửa sông. “Mai này có đi đâu cũng nhớ tới cái dòng Tiểu Dừa này, nghen Lũ. Má bây nằm dưới đó”. Tôi gật đầu.
Gió lất phất. Vài ba sợi tóc bay ngang qua trán tôi. Tôi đưa tay vén tóc lên vành tai. Lòng xao xác như có gió. Tôi nhìn nội, nhìn sông, nhìn cái bến sông có cây cầu nhỏ nhô ra, có hàng lá dừa nước đêm đêm lại nồng nàn mùi lá, mùi cà bắp, mùi bông dừa nước nở ra muôn trùng. Trước mắt tôi bỗng dưng xuất hiện hình ảnh của tía tôi ngồi trầm ngâm trên bờ nhìn xuống dòng sông có cụm lục bình trôi ngang qua, lơ đãng. Tía nhìn tôi. Tôi mỉm cười. Bóng tía dần xa khuất…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin