Đặc xá

Truyện ngắn: VŨ THỊ HUYỀN TRANG 07:18, 01/09/2023
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Mới sáng sớm mà khu vực cổng trại giam đã có nhiều người thân của phạm nhân đến đứng chờ. Mắt họ nhìn xa xăm vào con đường hun hút bên trong trại, những mong được nhìn thấy bóng dáng người thân xuất hiện. Có người đàn bà dắt theo đứa cháu nhỏ tay run run níu cậu thanh niên bên cạnh hỏi:

- Không biết bao giờ họ mới cho ra cháu nhỉ?

- Cháu cũng không biết nữa. Chắc là sớm thôi. Cô hôm nay đi đón ai vậy ạ?

- Cô đi đón con gái. Nó vào trại từ khi con bé này mới hơn ba tuổi. Thấm thoát cũng bảy năm rồi. Thế còn cháu đón ai?

- Cháu đi đón bố ạ. 

- Cháu đi có một mình thôi à? Thế mẹ cháu đâu?

- Mẹ cháu say xe lắm. Mới cả hôm nay mẹ cháu còn bận ở nhà làm mâm cơm thắp hương cho ông bà tổ tiên báo cáo bố cháu được hưởng đặc xá ra trại, làm lại cuộc đời mới bà ạ. Tí nữa hai bố con về là cơm canh tươm tất cả rồi.

Người đàn bà đã ngoài sáu mươi nhoẻn nụ cười nhàu nhĩ nhìn cậu thanh niên. Phía sau bà, người thân phạm nhân đến mỗi lúc mỗi đông hơn, đứng chen chúc nhau bàn tán. Có đôi mắt ngây thơ của trẻ nhỏ nép vào mẹ hỏi “bao giờ bố ra?”. Có người vợ trẻ đưa tay chỉnh lại vạt áo, vuốt mớ tóc mai xõa xuống đôi gò má ửng hồng, lòng bồn chồn sau bao tháng ngày xa cách. Cửa cổng trại vẫn im ỉm đóng. Thuần đứng trong trạm gác nhìn ra chẳng hiểu sao lòng bồi hồi khó tả. Như thể trong số những phạm nhân được tại ngoại hôm nay có người thân của chính anh. Như thể những ánh mắt ngóng đợi ngoài kia là cô bác, họ hàng, người quen thân thiết của anh. Hôm nay, tại trại giam diễn ra buổi lễ trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân dịp Quốc khánh. Họ đều là những phạm nhân có quá trình học tập, lao động, cải tạo tốt. Thêm một người ra trại là thêm một người lương thiện trở về hòa nhập với cộng đồng. Chẳng riêng gì Thuần mà tất cả cán bộ trại giam đều vui chung với họ. Bước ra khỏi nơi này họ sẽ sống một cuộc đời hoàn toàn mới. 

Suốt đêm qua, Xuyên không tài nào chợp mắt được. Một đêm dài đằng đẵng với biết bao cảm xúc, lo toan lẫn lộn. Ngày mai. Chỉ ngày mai thôi, khi mặt trời lên, Xuyên sẽ nhận quyết định đặc xá và rời khỏi trại giam này. Kí ức lại ùa về, chuyện cũ như thể đang diễn ra trước mắt. Bảy năm trước, Xuyên bị kết án 10 năm tù vì tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ngày mới vào trại, giống như những phạm nhân khác, nỗi ân hận, giày vò lẫn hoang mang lo sợ bủa vây Xuyên. Thương mẹ già, nhớ nhung con nhỏ khóc đến rạc người. Đã có lúc không dám nghĩ về chặng đường phía trước. Cũng may, các giám thị trại giam, trong đó có chị Hạnh đã luôn động viên Xuyên cố gắng cải tạo, chăm chỉ học nghề. Từng xuân, hạ, thu, đông thấm thoát trôi qua. Xuyên vịn vào nụ cười thơ ngây của con mà cố gắng. Nhà xa trại cả trăm cây số, mẹ già con thơ cả năm mới bắt xe lên thăm Xuyên được một lần. Mỗi lần gặp người thân xong, chị đều không thể nào chợp mắt. Đêm nằm nghe nỗi ân hận, xót xa trào lên buốt ngực. Chị tự nhủ phải cải tạo thật tốt để được hưởng khoan hồng sớm trở về làm lại cuộc đời trước khi mẹ già yếu. Trước khi đứa con gái bé bỏng bước vào lứa tuổi vị thành niên cần có mẹ ở bên. 

Xuyên mặc bộ quần áo được mẹ gửi vào cho, tô thêm chút son môi. Chải đi chải lại nhiều lần mái tóc đã có vài sợi bạc. Lúc mới vào đây, tóc chị dày và mượt lắm, nhưng cũng dần xác xơ sau nhiều đêm mất ngủ. Hôm nay, chị muốn thật tươm tất để gặp lại mẹ và con gái. Khi cầm tờ quyết định đặc xá trên tay, Xuyên rưng rưng nước mắt. Chị ngậm ngùi trong giây phút chia tay với những người ở lại. Những lời dặn dò mong cho nhau mạnh khỏe, cải tạo tốt, hẹn một ngày gặp lại ở bên ngoài cánh cửa nhà tù. Cán bộ Hạnh dúi vào tay Xuyên mấy cuốn sách thiếu nhi dặn: 

- Quà cho con bé. Ra ngoài nhớ bù đắp cho con bé nhé. Mà em có dự định gì chưa?

- Nhà em ở gần nhiều trường học. Ở trong này được học nghề may nên em tính mở hiệu may, may thuê đồng phục cho học sinh. Trước mắt cứ làm túc tắc thôi chị ạ. Sau mà làm ăn tốt em mở cái xưởng nho nhỏ. Chị thấy em tính thế có ổn không?

- Từ lúc nghĩ đến lúc bắt tay vào làm nó khác nhau nhiều lắm. Nhưng tay nghề em tốt, lại siêng năng, tháo vát. Nên chị tin là em chỉ cần cố gắng là sẽ làm được thôi. Chị chúc em toại nguyện. 

Trước lúc bước qua cánh cổng trại giam, Xuyên cúi đầu chào Thuần. Nụ cười hiền hậu của Thuần như thay lời tạm biệt với tất cả mọi người trong ngày vui đặc biệt này. Khoảnh khắc đoàn tụ dù ở bất cứ đâu vẫn luôn khiến người ta xúc động. Khi cánh cổng trại giam mở ra, có đứa trẻ ùa vào ôm mẹ. Có người cha nhấc bổng con lên hít hà mùi da thịt thơm tho bé bỏng. Có người vợ nép vào ngực chồng nức nở. Có cha già lặng lẽ nắm lấy bàn tay người con trai trên đầu cũng lơ thơ sợi bạc. Xuyên kiễng chân, ngó nghiêng tìm mẹ và con gái giữa đám đông xôn xao, nhốn nháo. “Mẹ! Mẹ ơi!”, một bàn tay giơ lên vẫy gọi. Chao ôi! Con lớn quá. Gần một năm không gặp mà Bống đã phổng phao lên trông thấy. Mái tóc con dài đen mượt hệt như Xuyên ngày trẻ vậy. Mẹ bị đám đông đẩy dạt ra một góc, đứng lặng lẽ quan sát đứa con gái của mình. Mẹ gầy gò, đôi bàn tay đen đúa nhựa cây, bùn đất đang nắm chặt chiếc nón mới trong tay. Mẹ vừa đội lên đầu Xuyên vừa bảo: “Đội vào không nắng, ốm đấy con”. Xuyên òa khóc như một đứa trẻ, bao nhiêu cảm xúc dồn nén bấy lâu cứ thế trào ra. Có ai đó giục nhau: “Nhanh lên, không chuyến xe sáng chạy mất. Muốn về lại phải chờ đến tận đầu giờ chiều. Vạ vật ở đây đâu có hàng quán gì, vất lắm”.

Trên đường về, Xuyên không rời mắt khỏi cửa kính xe. Mất bao năm để chị thấm thía ra một điều, trên đời này không có gì tuyệt vời bằng bầu trời của tự do, hơi thở của tự do. Đôi khi người ta phải trả giá đắt cho những sai lầm, tội lỗi của mình để biết trân trọng những ngày bình thường nhất. Xe trôi trên con đường hun hút những tán xanh rồi rẽ vào đường lớn, phố xá nhộn nhịp, cờ đỏ rợp trời mừng Quốc khánh. Tiếng nhạc rộn rã lọt vào xe, Xuyên thấy lòng mình nôn nao đến lạ. Đường xa là thế mà chẳng mấy chốc trước mắt Xuyên đã là hình bóng quê nhà. Bảy năm, nhiều thứ đã đổi thay. Thị xã bé nhỏ nằm bên cạnh dòng sông hiền hòa giờ đã phát triển hơn nhiều. Đồi cây bạch đàn bên cạnh thị đội không còn nữa. Một khu đô thị mới đang dần được hình thành. Đường sá đã đổi thay đến mức nếu mẹ không nói, Xuyên cứ nghĩ lái xe đi lạc. Bống chỉ tay luôn miệng khoe: “Đây là trường con này, đang sơn sửa lại sắp vào năm học mới”. “Đây là ngõ rẽ vào nhà đứa bạn thân của con. Nó hát hay và học giỏi lắm mẹ ạ”. “Mẹ nhìn kìa, chợ mới đấy. Bà vẫn thường đạp xe ra chợ bán rau”. Lời con chưa kịp dứt, xe đã ngoặt vào con ngõ nhỏ thân thuộc. Vài khuôn mặt người thấp thoáng hiện ra. Bảy năm, mọi thứ đã đổi thay chỉ căn nhà của mẹ vẫn nằm yên ắng đó. Màu tường xám xịt, dưới nền sân rêu lún phún xanh. Mẹ bảo:

- Con đi rửa chân tay, mặt mũi đi cho tỉnh táo. Mẹ chạy ù vào bếp nấu cơm. Bống ra vườn hái giúp bà nắm rau đay nhé.

- Dạ! Rau đay nấu tép khô là ngon nhất. 

Xuyên soi bóng mình trong thau nước, những nếp nhăn sóng sánh nơi khóe mắt. Ngoài vườn lũ chim ríu rít trong vòm lá, những quả na mở to mắt ngó nhìn. Xuyên nhón tay hái chùm nhãn cuối mùa, vị ngọt không chỉ trên đầu lưỡi mà len cả vào tim. Cảm giác bình yên này lợn cợn những xót xa. Tiếng Bống gọi đâu đó ngoài vườn cắt đứt dòng suy nghĩ của Xuyên. Con bé níu tay mẹ dắt đến trước cây bồ kết thủ thỉ:

- Mẹ biết cái cây này bao nhiêu tuổi không ạ?

- Mẹ nhớ là trước đây vườn nhà mình đâu có cây bồ kết.

- Bà đã trồng nó sau khi mẹ vắng nhà. Tròn bảy năm mẹ ạ. Bà bảo mẹ rất thích gội đầu bằng bồ kết. Nên trồng đợi mẹ về. 

Xuyên quờ tay ôm lấy vai con. Bảy năm qua đối với Xuyên mà nói là một màu xám xịt. Nhưng nhờ mẹ mà bảy năm mang hình hài tươi xanh căng tràn sự sống. Hít một hơi thật dài Xuyên bước vào căn bếp nhỏ. Nơi dáng mẹ lúi húi, cặm cụi suốt một đời người mờ cay khói bếp. Xuyên ôm lấy lưng mẹ, hít hà mùi khói lẫn trong tấm áo cũ sờn, trong mái tóc hoa râm, trong làn da nhăn nheo khô héo. “Để con nấu cho. Đi đường xa mệt rồi, mẹ nghỉ ngơi đi”. Mẹ không nói gì, chỉ thấy lấy vạt áo lau lên mắt. Có thể là vì vui. Có thể là vì khói. 

Bỗng ngoài cổng có tiếng ai ới gọi. Xuyên thò đầu ra đã thấy mấy cô bác hàng xóm sang chơi. Họ nắm lấy tay Xuyên hỏi han đủ chuyện, thân tình như chưa hề cách xa. Như người đứng trước mắt họ vẫn là con bé Xuyên ngày nào hay đứng ở bờ rào gặp ai đi qua cũng chuyện trò vui vẻ. Bỗng không khí chùng xuống khi cô Sáu hỏi:

- Thế bây giờ cháu tính làm gì chưa? Giờ tuổi cũng không còn trẻ nữa, muốn xin việc vào công ty tử tế như ngày xưa cũng khó. 

Thím Hà bảo:

- Cô thấy bảo trong đó cháu được học nghề may đúng không? Tiếc là gần đây chẳng có xưởng may nào cả. 

- Cháu tính mở hiệu may, các cô, các bác thấy có được không ạ?

- Hiệu may à? Cũng được đấy. Mặc dù quần áo bây giờ bán sẵn lại rẻ, đẹp thế nhưng tụi cô lại cứ thích may đo vừa vặn. Hơn nữa cháu mở hiệu may các cô lại có chỗ mà sửa quần áo. 

- Phải đấy! Nhiều khi cái quần, cái áo hỏng séc cũng chẳng biết sửa đâu. 

Mẹ lặng lẽ ngồi rót nước mời hàng xóm. Giữa cuộc chuyện trò rôm rả chẳng ai biết được rằng trong lòng người mẹ từng héo hon ấy giờ vui biết chừng nào. Niềm vui của một người mẹ nhìn thấy con mình đứng dậy sau vấp ngã...