5 năm lan tỏa dân ca quan họ ở Lâm Đồng

QUỲNH UYỂN 05:33, 12/10/2023

Vào mỗi cuối tuần, trên trang facebook CLB Dân ca Quan họ Kinh Bắc lại rộn ràng lời ca tiếng hát. 63 hội viên ở Nam Ban, Đan Phượng (Lâm Hà), Đức Trọng, Đà Lạt vì xa xôi cách trở mà họp thành từng nhóm sinh hoạt livestream cùng nhau tập hát. 

CLB Dân ca Quan họ Kinh Bắc biểu diễn trong nhiều sự kiện, liên hoan nghệ thuật quần chúng của tỉnh
CLB Dân ca Quan họ Kinh Bắc biểu diễn trong nhiều sự kiện, liên hoan nghệ thuật quần chúng của tỉnh

Ra đời cách đây 5 năm, từ một CLB trực thuộc Hội đồng hương trở thành một CLB trực thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã nâng tầm cho CLB, tạo nên động lực để CLB ngày càng hoạt động hiệu quả, phát triển cả chiều rộng và đi vào chiều sâu chất lượng. Là CLB văn nghệ dân gian quần chúng trực thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng, CLB Dân ca Quan họ Kinh Bắc trở thành một trong những CLB đầu tiên có quy mô tổ chức cấp tỉnh với mô hình hoạt động “CLB trong CLB”. Hiện nay, CLB tổ chức thành 4 nhóm ở 4 địa bàn Đà Lạt, Đức Trọng, Nam Ban, Đan Phượng (Lâm Hà) có thể coi là 4 CLB thành viên, với 63 hội viên chính thức, quê quán từ 9 tỉnh, thành trong cả nước.

Không bó hẹp trong phạm vi những người con từ quê hương Kinh Bắc, trong 5 năm qua, CLB luôn theo đuổi mục đích tập hợp những người yêu thích đam mê văn hóa quan họ Bắc Ninh. Ông Phạm Văn Mạnh - Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB xác định mọi công dân Việt Nam sinh sống ở Lâm Đồng, không phân biệt tuổi tác, từ các cháu thiếu niên được sự đồng ý của gia đình, không phân biệt quê quán, vùng, miền, yêu dân ca quan họ, có đam mê văn hóa quan họ, có đạo đức, lối sống lành mạnh, tự nguyện tham gia đều có thể trở thành hội viên CLB. CLB sẵn sàng chào đón mọi người, kể cả những người chưa biết hát quan họ, đến để thưởng thức, để học hát”.

Mỗi quý, CLB tập trung sinh hoạt đông đủ 1 - 2 lần, luân phiên tổ chức ở các huyện đã tạo nên một cuộc “chơi” quan họ rộng lớn, như một canh hát quan họ thật sự. Các liền anh, liền chị gặp gỡ, cùng diễn xướng những làn điệu, bài hát lời cổ vừa mới tập được, hát từ lúc biểu diễn, đối đáp giao duy-ên, hát trong lúc nghỉ, lúc liên hoan, ăn uống, hát đến khi ra về… Để tạo ra không khí thi đua, tại các buổi giao lưu dã ngoại, CLB tổ chức thi hát giữa các nhóm, có giải thưởng. Thời gian còn lại, CLB sinh hoạt theo nhóm 1 - 2 buổi/tuần, livestream kết nối với nhau trên nền tảng facebook để cùng học hỏi và cùng tiến bộ. Tích cực tập hát, truyền dạy các làn điệu quan họ, CLB đã tổ chức hơn 25 cuộc giao lưu biểu diễn, tham gia liên hoan, hội diễn như: Giao lưu với CLB Quan họ Mười Nhớ (TP Hồ Chí Minh), CLB Bài Chòi (Khánh Hòa), CLB Dân ca ba miền Đinh Lạc (Di Linh)… Hàng năm, tham gia biểu diễn chương trình nghệ thuật chào năm mới, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, hát chào mừng các sự kiện của tỉnh...

Để CLB đi vào hoạt động chất lượng, hiệu quả, truyền tải nguyên gốc kiệt tác phi vật thể dân ca quan họ đã được UNESCO vinh danh đến với công chúng, CLB đã nhận được sự quan tâm từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp từ quê hương Kinh Bắc như NSƯT Quý Tráng (nguyên là Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh), nghệ sĩ Quý Thăng (người dành tâm huyết gần một đời mang dân ca quan họ truyền bá, lan tỏa vào Phương Nam) đã hướng dẫn, tập huấn trực tiếp cho các thành viên trong CLB. Sự tận tụy chỉ dạy uốn nắn kỹ thuật hát, kỹ năng trình diễn trên sân khấu, cách biên đạo, dàn dựng các tiết mục, các hoạt cảnh, trường đoạn của các nghệ sĩ đã từng bước nâng tầm chất lượng chuyên môn cho CLB.

Tự hào về di sản văn hóa của quê hương, của dân tộc, các liền anh, liền chị không ngừng say mê luyện tập để đưa đến công chúng hình ảnh một CLB hoạt động có bài bản, chuyên nghiệp qua từng tiết mục, phô diễn hết cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc của dân ca quan họ. Đồng hành cùng CLB, Hội đồng hương Kinh Bắc đã trở thành điểm tựa, mỗi buổi biểu diễn, liên hoan, bà con đồng hương đều đến xem, cổ vũ mang theo sự hỗ trợ to lớn cả tinh thần lẫn vật chất. Sự nhiệt tình giúp đỡ của các nhà hảo tâm là các tổ chức, cá nhân yêu thích quan họ Bắc Ninh cùng nhiều gia đình đồng hương đang sinh sống tại Lâm Đồng, Bắc Ninh, Bắc Giang từng ngày dõi theo sự lớn mạnh của CLB. 

Ông Phạm Văn Mạnh bày tỏ: Vẫn còn nhiều dự định ấp ủ, trong thời gian tới, CLB tiếp tục phát triển ra các huyện, thành trong toàn tỉnh; nâng cao chất lượng chương trình, tiết mục giao lưu biểu diễn, tổ chức hát quan họ tại một số điểm du lịch, hát quan họ trên thuyền ở hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm; tiếp tục vận động người trẻ tuổi tham gia vào CLB đảm bảo sự kế thừa. Duy trì sinh hoạt CLB hàng tuần, hàng tháng, sinh hoạt chuyên đề; tăng cường giao lưu với các CLB khác ở các huyện, các tỉnh, thành trong nước. Nâng cao chất lượng sinh hoạt nhóm, sinh hoạt CLB, trọng tâm là việc tập hát cho thuộc nhiều bài, hát cho đúng các làn điệu quan họ tiến tới hát hay hơn; thu hút nhiều người đến với CLB hơn nữa...

Ông Trần Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng khẳng định: Qua 5 năm hoạt động, CLB Dân ca Quan họ Kinh Bắc không chỉ thiết thực gìn giữ, bảo tồn, phát huy và lan tỏa quan họ Bắc Ninh trên đất Lâm Đồng mà còn góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.