Minh họa: Phan Nhân |
1. - Chia tay đi - Anh lạnh lùng.
- Ừ thì chia tay, tôi đâu có sợ - Cô cũng dứt khoát không kém!
Đêm ấy cũng như đêm nay, sương mờ giăng đầy trên phố núi. Sương lạnh quá đến nỗi không còn cảm giác tê buốt ở đôi tay nữa, bởi cái lạnh trong lòng mới thật đáng sợ nhất với cô lúc này. Cô cứ thế lái xe một mạch thẳng về nhà mà không hề nhớ mình đã đi qua bao nhiêu con dốc cho đến khi đâm sầm vào cánh cổng sắt.
Cô định rời phố núi để về quê. Nhưng đi làm sao giữa những ngày đại dịch đang trầm trọng như thế này. Cô đành chôn chân bó gối trong phòng với một vết thương đau nhói. Vết thương của một nhát rìu bập vào gốc cây thông đang căng tràn nhựa sống là cô. Ngay cả trong tiềm thức, cô cũng chưa bao giờ có ý niệm rằng: Một người con trai nào dám nói lời chia tay trước khi cô thốt ra. Niềm kiêu hãnh bao năm qua của cô ở đó. Niềm sung sướng và hân hoan trong tim cô ở đó. Đôi khi cô nghĩ mình thật bất nhẫn, nhưng nhìn lại, cô thấy tự hào về bản thân. Niềm tự hào mãnh liệt như cơn gió hoang giữa đại ngàn, thích lang thang đến nơi nào thì đi, không ai có thể cản bước. Vậy mà người đàn ông đó. Anh ta có quyền gì cơ chứ, anh ta là ai cơ chứ? Tại sao anh ta dám làm như thế? Tại sao? Tại sao? Càng nghĩ, cô càng bế tắc. Càng cố quên, cô càng không thể. Cảm giác đau nhói đến nghẹn ngào, uất hận. Trong đầu cô luẩn quẩn câu nói ông thầy dạy đại học năm nào: “Nhớ một ai là một lần yêu mến, nhưng muốn quên người đó phải cố gắng gấp hai lần”. Vậy mà cô đã cố gắng gấp mười lần rồi vẫn không thể. Bất bực, đớn đau và tuyệt vọng tràn trong đêm dài mộng mị, cô chỉ biết làm bạn với men rượu và cây thông già cạnh phòng. Những chiều lạnh, cô lại nhìn ra cây thông đợi lá rơi theo từng cơn gió. Bình thường, đó là khoảnh khắc an lành nhất của cô trong ngày, nhưng nay hàng ngàn câu hỏi như những chiếc lá thông lao sầm xuống đầu cô. Mỗi chiếc lá là một mũi kim đâm vào tâm não của cô đau nhói, buốt đến tận xương…
2. Trong căn phòng tĩnh mịch đầy hơi sương, người đàn bà tuổi ngoại tứ tuần vẫn ngồi đó. Cô thẫn thờ nhìn những bông hoa thạch thảo khô đang nhạt nhòa sắc tím. Bó hoa ấy là của một người vừa quá cố tặng cô hai tuần trước khi ông ra đi vĩnh viễn. Đó là một người đàn ông già với trái tim nhân hậu. Ông là chỗ dựa duy nhất về tinh thần cho cô bao năm qua. Với cô, ông còn hơn cả một người yêu dấu. Đôi khi cô chợt nghĩ ông là một người cha vĩ đại thì đúng hơn. Ông cho cô tất cả. Họ đã có bên nhau những phút giây thăng hoa đến tận cùng. Nhờ ông, cô cảm nhận được cuộc đời của mình có ý nghĩa ra sao, rằng sứ mệnh của cô sinh ra là để làm gì? Điều gì làm cô vui? Chỉ thế thôi! Đêm nay, người ấy đã đi thật rồi. Cuộc sinh ly được báo trước như kiếp nhân sinh vốn phải thế. Không thể khác được! Nhưng lòng cô vẫn chưa thể quen được cảm giác mất mát ấy. Cô sực nhớ ra còn một bức thư cuối cùng ông gửi vào hộp mail mà cô chưa đọc.
Sinh thời, ông có thói quen viết thư cho cô hằng năm. Mỗi bức thư ông viết vào đúng ngày 30 Tết. Đó là ngày tẩy trần của thế gian. Ông bảo, ngày đó là ngày trời và đất giao thoa, thiên thần và ác quỷ gặp nhau. Khi đó là dịp chúng ta cần tự giết những con quỷ trong lòng mình dễ dàng nhất. Đó là lúc ông sẽ viết những điều gan ruột nhất cho cô. Hai mươi năm qua, mỗi một giao thừa là mỗi một hân hoan. Cô thích đắm mình hàng giờ trong cảm giác run rẩy nằm trong chăn đọc từng con chữ của ông gửi. Bức thư nào cũng là một câu chuyện: Câu chuyện không đầu không cuối nhưng đẫm nước mắt, buồn thương và thường để lại một tia sáng lấp lánh cùng một bài học diệu kỳ về cuộc sống - những điều mà ông mất cả đời người để chiêm nghiệm. Ví như bức thư thứ nhất ông viết cho cô như thế này:
“...Đêm ấy trăng mờ hư ảnh. Yêu quái nói với chàng trai trẻ: - Ta sẽ giúp anh có được cô gái trẻ đẹp, quyến rũ nhất thành phố mà anh đang nhọc lòng theo đuổi bao năm qua, nhưng với điều kiện anh phải cho ta một trong những thứ quý nhất của mình. Chàng trai: - Dù có mất gì tôi cũng xin đánh đổi. Hãy để tôi có được nàng dù chỉ một đêm… Một đêm khác, trăng không còn sáng nữa, người ta thấy có một chàng trai mù lòa giữa phố, tay ôm tấm hình của một cô gái trẻ đi lang thang. Cô gái mà anh đã một lần chiếm hữu trong đời theo thỏa thuận của yêu quái. Và đổi lại anh phải trao cho nó đôi mắt tinh anh của mình”. Đoạn tái bút ông viết: “Tình yêu như cá tôm bơi giữa lòng sông mát lạnh; còn sự chiếm đoạt chỉ để thỏa mãn thú tính của loài săn mồi. Và điều này giống như dòng sông chảy vào sa mạc khô cằn. Quy luật của vũ trụ là: không có cá tôm nào sống được ở sa mạc cả”. Cô đã khóc một đêm khi đọc những lời tái bút ấy. Đó là năm cô tròn 20 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời sinh viên. Cô tưởng như có thể chết được ngay đi khi chàng trai mà cô hằng đêm mơ ước thẳng thừng khước từ lời tỏ tình của cô.
3. Tối qua, trong niềm nhớ thương ông vô hạn, cô đã dịch toàn bộ câu chuyện thứ nhất ấy ra tiếng Anh và đăng lên trang cá nhân của mình. Sở dĩ cô làm cái việc kỳ công ấy vì cô rất muốn chia sẻ, nhưng cô lại sợ người ta có thể đọc được hết ý nghĩ của mình. Vậy nên cô chọn cách ấy để che giấu đi phần nào xúc cảm khi đưa nó lên mạng. Hơn nữa khi nó được viết bằng ngôn ngữ khác thì tỷ lệ người biết sẽ ít đi rất nhiều. Bằng chứng là số likes và bình luận dường như bằng không. Với cô, đôi khi nhu cầu chia sẻ chỉ để chia sẻ thôi, không cần ai đọc cũng không sao. Nhưng cô phải đăng bức thư ấy dù dưới dạng thức nào đi nữa. Câu chuyện đăng lên, cô không để phần tái bút. Ấy thế mà có một con bé đọc được, và nó comment bằng tiếng Anh lại thế này: “I’m going to suicide. I need to see you one time in my life as soon as possible! (Em sẽ đi tự tử, em cần gặp chị một lần trong đời, ngay khi có thể)!” - Có chuyện gì với con bé đó thế nhỉ? Gặp ngay khi có thể cơ à! - Cô tự nhủ. Cô có thoáng biết sơ qua về con bé này trong một lần giao lưu. Hình như nó ở cùng thành phố, chưa từng gặp mặt. Nhưng dạo gần đây timeline của nó hay xuất hiện những bài thơ đẫm nước mắt. Cô tò mò bấm vào trang của cô gái. Hai câu thơ mới đăng gần đây nhất: - Kiếp này nếu phải lưu ly/ Giết mình. Tàn mộng. Ta đi về trời… Cô giật thót mình: - Mới hôm trước thấy nó còn phơi phới khoe ảnh người yêu giấu mặt cơ mà. Sao nay đã lụy tình đến vậy… Một linh cảm gì đó chẳng lành. Cô vào inbox nhắn địa chỉ cuộc hẹn cho nó.
4. Cà phê Phố Vàng chiều sau mưa, quán vắng tanh. Tiếng nhạc Mozart vang lên dìu dặt. Cô thích quán này bởi cô thường cùng ông đến vào mỗi chiều cuối tuần. Đôi khi cũng chỉ để ngồi bên nhau nghe những thanh âm của tiếng nhạc giao hưởng và nhìn xuống dòng người chầm chậm trôi đi. Ông bảo: “Một người bạn tri âm đôi khi còn quý hơn cả một người tình tri kỷ. Bởi tiếng lòng của nhau không cần phải nói mà chỉ để cảm thôi…”.
Con bé dễ dàng để nhận ra cô trong một góc vắng. Nó có một điều gì đó rất gần gũi đến thân quen ngay từ lần đầu gặp mặt. Cô cũng không cần nói gì nhiều, chỉ ngồi lặng yên và nghe nó nói. Nó cứ nói và cô cứ nghe. Rồi cô ôm nó vào lòng cho nó khóc thỏa thích. Khi tiếng khóc chỉ còn là tiếng nấc khan thì cô ôn tồn kể cho nó nghe đoạn tái bút trong bức thư thứ nhất ông gửi cho cô. Nó chăm chú nghe và như có điều gì đó bừng tỉnh. Nó lại ôm cô và khóc. Cô cũng khóc.
Trở về nhà thì đã gần quá nửa đêm. Dù mệt nhoài sau những thổn thức của cô gái trẻ, nhưng trong lòng cô lại thấy vui vui. Ít nhất là nó đã từ bỏ ý định dại dột của sự lụy tình và nhận ra chỉ vì nó quá nhạy cảm do sống phụ thuộc vào cảm xúc của người khác thôi. Cô thả mình xuống giường toan chìm vào giấc mộng như mọi lần. Nhưng cô sực nhớ đến ông và bức thư tình cuối cùng chưa mở. Cô với tay lấy chiếc Ipad. Trong màn hình sáng xanh dịu nhẹ và đêm sương êm đềm tĩnh mịch, cô nhấn nút open: Những con chữ hiện lên như ngàn tia sáng lấp lánh, ông gửi kèm bức thư ấy là một bông dã quỳ vàng rộm vừa bung nở sau cơn mưa do chính tay ông chụp: “Hãy giúp anh gửi đi mười chín bức thư ấy đến những cô gái trẻ như em một thời”. Cô chợt nhận ra sứ mệnh mới trong cuộc đời mình và thấy lòng nhẹ nhõm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin