Khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số lần thứ VI

QUỲNH UYỂN 08:59, 27/10/2023

(LĐ online) - Đêm 26/10, Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng lần VI - năm 2023 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Lâm Hà tổ chức đã khai mạc tại thị trấn Đinh Văn.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa và biểu trưng lưu niệm chúc mừng các đoàn nghệ nhân
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa và biểu trưng lưu niệm chúc mừng các đoàn nghệ nhân
Tham dự lễ có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện Lâm Hà và lãnh đạo các huyện, thành cùng hơn 400 nghệ nhân người dân tộc thiểu số K’Ho, Mạ, Churu, M’Nông của 12 đoàn nghệ nhân đại diện 12 huyện, thành trong tỉnh. 

Với chủ đề Sức sống Đại ngàn, Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI nhằm tôn vinh di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào K’Ho, Churu, Mạ - một bộ phận không thể thiếu của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời, tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian. Qua đó giới thiệu đến đồng bào các dân tộc trong tỉnh, du khách trong và ngoài nước một Nam Tây Nguyên hiện đại nhưng giàu bản sắc văn hóa riêng có.

Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc Ngày hội
Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc Ngày hội

Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng khẳng định: Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên nói chung và của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên nói riêng; là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người để diễn tả niềm vui, nỗi buồn của họ trong cuộc sống, quan hệ giữa người với người, giữa người với thần linh, với thiên nhiên. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, mức độ quan tâm đối với di sản cũng vì thế cần được tăng cường. Chúng ta cùng hội tụ về mảnh đất Lâm Hà hiền hòa, hiếu khách để tôn vinh di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Mạ, K’Ho, Churu - một bộ phận không thể thiếu của-Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác văn hóa truyền khẩu của nhân loại.

Già làng KThế gọi Yàng trong lễ cúng chiêng
Già làng KThế gọi Yàng trong lễ cúng chiêng
Tái hiện lễ cúng thần chiêng diễn ra trang nghiêm
Tái hiện lễ cúng thần chiêng diễn ra trang nghiêm
Nghi thức hiến tế
Nghi thức hiến tế

Ở Lâm Đồng trong thời gian qua, công tác gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc bản địa đã gặt hái được nhiều thành công. Đó là kết quả cuộc việc kết hợp chính sách về phát triển văn hóa kịp thời của Đảng và Nhà nước và sự nỗ lực chung tay của các cơ quan chuyên ngành bằng nhiều phương thức khác nhau.

Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa văn hóa dân tộc gốc Tây Nguyên là nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục được chú trọng. Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và tình yêu lớn lao của các chủ thể văn hóa trên địa bàn tỉnh đối với sự gìn giữ tinh hoa di sản văn hóa cồng chiêng, văn hóa dân gian truyền thống của lớp lớp nghệ nhân, những người đã và đang góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống.

Đám rước vật thiêng cùng các di sản vật thể
Đám rước vật thiêng cùng các di sản vật thể

Đây là dịp để các cơ quan chuyên môn phát hiện tài năng, năng khiếu văn hóa, văn nghệ thể thao, có kế hoạch bồi dưỡng thành hạt nhân phát triển phong trào cơ sở; tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tập trung, nâng cao trình độ chuyên môn, bổ sung lực lượng nòng cốt của tỉnh tham gia biểu diễn, thi đấu tại khu vực quốc gia, quốc tế trong thời gian tới. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian cũng cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Vũ điệu Arya của đồng bào Churu
Vũ điệu Arya của đồng bào Churu
Những bông hoa rừng ở buôn Bồ Liêng hòa tấu cồng chiêng cùng các thế hệ nghệ nhân
Những bông hoa rừng ở buôn Bồ Liêng hòa tấu cồng chiêng cùng các thế hệ nghệ nhân

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng kỳ vọng trong thời gian diễn ra Ngày hội, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung, các nghệ nhân nói riêng sẽ cố gắng hết mình để văn hóa cồng chiêng thực sự trở thành một điểm nhấn gắn liền với niềm tự hào của mỗi chúng ta về vùng đất Nam Tây Nguyên.

Đêm hội Sức sống đại ngàn đã diễn ra với đám rước vật thiêng, giai âm cồng chiêng, vũ điệu xoang và rượu cần. Màn đại hòa tấu cồng chiêng và múa xoang của gần 300 nghệ nhân tạo nên không gian nồng nàn giai âm trầm hùng của ngày hội. Các nghệ nhân đến từ buôn Bồ Liêng - thị trấn Đinh Văn đã tái hiện lễ cúng chiêng của người K’Ho Srê đã để cho tiếng chiêng vang xa trong ngày hội.

Nghệ nhân Churu trình diễn chiêng 3
Nghệ nhân Churu trình diễn chiêng 3

Ngày hội này là một minh chứng cho sức sống bền bỉ của Không gian văn hóa cồng chiêng cùng những giá trị văn hóa vật thể vẫn luôn hiện diện giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên. Sức sống đại ngàn cùng di sản văn hóa của các bản địa sẽ trường tồn với thời gian. Ngọn lửa thiêng được đốt lên, rượu cần khai ché, những vòng xoang và âm điệu cồng chiêng hòa quện không dứt trong tình đoàn kết ấm áp.

Ngày hội diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/10, sau khai mạc, nhiều hoạt động thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc anh em như: hội thi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hội thi thể thao trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống, hội thi diễn tấu cồng chiêng và hát dân ca, diễu hành xe cổ. 

Vũ điệu xoang của các cô gái KHo
Vũ điệu xoang của các cô gái KHo
Các thế hệ nghệ nhân cùng hòa tấu cồng chiêng
Các thế hệ nghệ nhân cùng hòa tấu cồng chiêng
Ngày hội diễn ra trong ấm áp tình đoàn kết các dân tộc anh em
Ngày hội diễn ra trong ấm áp tình đoàn kết các dân tộc anh em