Nhà văn Đinh Hằng: Xê dịch với tôi gần như là một dạng triết lý

VÕ THU HƯƠNG 01:59, 19/10/2023

Là một blogger, tác giả viết sách du kí có tiếng, được đông đảo độc giả yêu thích, Đinh Hằng là nhà văn trẻ được chọn tác phẩm vào giảng dạy trong sách giáo khoa (Bộ Chân trời sáng tạo). “Kì diệu Ma-rốc”, tác phẩm mở ra những không gian xa lạ, đẹp đẽ của thế giới mà cô đã đi qua. Tác phẩm cũng như cách Đinh Hằng đi và viết đã thực sự truyền cảm hứng tới các bạn trẻ, đặc biệt là những người đam mê dịch chuyển.

Nhà văn Đinh Hằng
Nhà văn Đinh Hằng

• ĐÃ TỪNG TRẢ GIÁ VÌ MẠO HIỂM

Từng là phóng viên, chuyên viên truyền thông, điều gì khiến bạn bước ra khỏi sự ổn định ở một cơ quan hay công ty nào đấy để đi và viết tự do khi còn rất trẻ?

Hơn 10 năm trước, nếu ai đó nói với tôi rằng, 10 năm sau, tôi sẽ sống cuộc đời không phải sáng tới văn phòng ngồi đến tối mịt, rằng sẽ xuyên Mỹ hơn sáu tháng, sống ở Cuba hai tháng, sẽ leo Machu Picchu, sẽ ngồi trực thăng lên đỉnh sông băng ở New Zealand và uống champagne với băng xúc lên từ chính sông băng ấy... thì tôi sẽ phá lên cười và lắc đầu, tin rằng chuyện đó là không thể, rằng tôi chỉ đơn giản là một cô gái ở độ tuổi hai mươi mấy, với cuộc sống an toàn nhưng nhạt nhẽo và tầm thường của mình mà thôi.

Nhưng mọi thứ thay đổi vào tháng 11/2021 giữa chuyến đi đến Ai Cập - Jordan. Tôi vô tình bị mắc kẹt giữa sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” và quyết định hủy phần cuối chuyến du lịch, quay trở lại khu vực quảng trường Tahrir (Cairo) để viết bài. Vì ở thời điểm đó, một trong những mơ ước lớn nhất đời tôi là làm phóng viên chiến trường. Sự liều lĩnh đã khiến tôi phải trả giá bằng thời điểm bị ngạt hơi cay, cổ họng tắc nghẹn, mắt đỏ quạch, kẹt trong đám đông hỗn loạn đang tháo chạy khỏi cuộc tấn công hơi cay từ phía cảnh sát.

Trải nghiệm đó khiến tôi, sau khi trở về Việt Nam, không thể ngủ ngon suốt một tuần liền. Tiếng nổ, tiếng hét, tiếng xe cấp cứu và tiếng hô khẩu hiệu của hàng ngàn người ngày ngày đổ xuống quảng trường Tahrir bám riết lấy tôi những đêm ấy. Rồi một đêm nọ, khi ngồi giữa văn phòng chuẩn bị cho bản tin sáng sớm (vào thời điểm ấy, tôi là phóng viên của một kênh truyền hình), tôi nhìn vào khoảng không trước mặt, dừng tay trên bàn phím, và quyết định rằng mình muốn đi ra để ngắm nhìn thế giới lớn rộng này. 

Có những thời điểm, khi tôi bay ngang qua những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa, uống ly champagne ngay trên đỉnh sông băng, ngửa mặt lên trời để ánh nắng chói lóa khuôn mặt, tôi mới nhận ra mình đang sống những ngày đẹp nhất cuộc đời, và làm những việc lớn lao hơn những suy nghĩ tủn mủn, tầm thường ngày trước.

Là một tác giả đầy nội lực của dòng sách du kí, bạn có thể chia sẻ những “bí kíp” để giữ lửa trong việc đi và viết? 

Xê dịch với tôi gần như là một dạng triết lý, xê dịch không chỉ trên những cung đường mà còn trong cuộc sống. Xê dịch là đam mê thấm vào trong máu, những vùng đất là nơi tôi chiêm nghiệm và khám phá không chỉ thế giới bên ngoài, mà còn là thế giới bên trong chính mình. 

Điều ý nghĩa nhất tôi học được khi ở trên những cung đường, là hạnh phúc không bao giờ là điểm đến, mà chính trên từng chặng đường đi. Nên tôi luôn giữ cho mình “tiến về phía trước” không chỉ khi du lịch, mà còn trên đường đời. 

10 năm có lẽ là một khoảng thời gian đủ dài để tôi lớn hơn chính mình ngày hôm qua. Và quá trình trưởng thành đó phần lớn diễn ra trên những hành trình mà tôi đã đi ngang dọc hành tinh này. 

Ghi lại những trải nghiệm, chiêm nghiệm của chính mình cũng là một cách để tôi nhìn lại quá trình trưởng thành, con đường mình đi. Nhưng quan trọng hơn cả, nó cho tôi cơ hội được chia sẻ niềm đam mê đi, truyền cảm hứng sống, và tìm được sự đồng cảm trong tư duy với những người khác, những người đã theo dõi tôi trên mạng xã hội suốt hơn 10 năm qua.

Viết sách du kí có cần “mẹo mực” để viết sao cho hay, lôi cuốn độc giả không? Nếu có, đó là gì?

Tôi vẫn luôn coi mình là một tác giả “tay ngang”, đi và viết bằng bản năng nhiều hơn là cố gắng rèn luyện các kỹ thuật viết. Nhưng khi tôi thực sự rung động bởi một trải nghiệm nào đó, tôi tin chắc mình cũng có thể khiến cho độc giả cảm nhận được cảm xúc vi diệu đó. 

Những người đi để chạm vào linh hồn của một nơi chốn như tôi xem việc lưu giữ khoảnh khắc là thứ vô giá nhất trong một hành trình. Có người quay phim rất sống, có người chụp ảnh rất sắc, hay như tôi, luôn muốn viết lại với những cảm xúc thật sâu. Việc tôi làm, đơn giản là để mình thật sự sống trong khoảnh khắc ấy, đắm chìm trong nó và biến mỗi nơi, mỗi chốn thành một mảnh trong tâm hồn tôi. 

Tôi là chân đi và nhiều người kỳ vọng từ tôi những cuốn sách du ký. Nhưng tôi không muốn chỉ dừng lại ở những nơi chốn trên bề mặt. Tôi muốn “lặn” sâu xuống để “chạm” vào “linh hồn” của một vùng đất và qua đó “chạm” vào “linh hồn” của những con người thuộc về vùng đất ấy và sau cùng là “chạm” vào trái tim người đọc sách của mình.

NẰM MƠ CŨNG KHÔNG NGHĨ CÓ TÁC PHẨM VÀO SÁCH GIÁO KHOA

Những cuốn sách du kí của Hằng, có lẽ có thể gọi là một thể loại cận văn chương nhưng được nhiều độc giả yêu thích, được đưa vào sách giáo khoa để dạy học sinh. Cảm nhận của bạn về điều này?

“Tuổi nghề" trong làng sách của tôi mới chỉ có bảy năm, nhưng tôi đã làm blogger du lịch được hơn 10 năm rồi. Đây chính là bệ phóng rất tốt khi tôi quyết định trở thành tác giả sách. 

Những người theo dõi tôi trên dưới một thập kỷ không chỉ sẵn sàng ủng hộ những trang viết của tôi, họ còn là những người đánh giá chúng bằng những bình luận trực tiếp, đóng góp ý giúp tôi chọn bìa sách, và giúp tôi quảng bá sách trên mạng xã hội bằng những lượt chia sẻ. 

Hơn hết, họ là lí do tôi vẫn kiên trì với việc chia sẻ các trang viết và cố gắng hoàn thành các bản thảo. Họ kiên nhẫn chờ đợi các tác phẩm của tôi nhiều năm trời. Họ luôn nói tôi là người truyền cảm hứng cho họ trong cuộc sống, nhưng tôi muốn nói rằng họ cũng đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều động lực để sống và đam mê cùng các trang viết của mình. 

Riêng với việc các trang viết du ký của mình được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho các em học sinh tiểu học, nói thật là có mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ sẽ có ngày này. 

Gia đình tôi, cả hai họ nội ngoại đều có truyền thống sư phạm. Khi nghe tin bài viết của tôi được sử dụng làm ngữ liệu sách giáo khoa lớp 4, cả gia đình đều rất tự hào. Mẹ tôi vốn là một giáo viên tiểu học đã về hưu, khi nghe tin liền chạy ngay ra nhà sách, để nhìn thấy câu chữ của con gái mình trong cuốn sách mà cả triệu triệu trẻ em Việt Nam nhiều thế hệ sẽ học. 

Riêng với tôi, việc đó còn hơn là một sự kiện. Hồi bé tôi luôn mê mẩn những đoạn văn viết giàu hình ảnh, sống động và gợi mở thế giới tưởng tượng trong các cuốn sách. Không ngờ đến một ngày, chính những con chữ tôi từng viết từ trải nghiệm ngao du khắp nơi trên thế giới sẽ lại làm được điều tương tự với các em nhỏ.

“Kì diệu Ma-rốc” - Ma-rốc có phải một hành trình ấn tượng của bạn?

Ma Rốc là một trong những vùng đất ấn tượng mà tôi đã từng đặt chân đến. Vùng đất xa xôi mãi tận trời Phi này có ngàn lẻ một điều ma mị, huyền bí; mà tôi tin có thể khiến bất cứ ai phải lòng cũng mê mẩn. Những sa mạc cát bỏng rẫy, những ngày nắng chói chang và dải trời xanh ngắt này là thế giới bước ra từ những câu truyện cổ tích “Ngàn lẻ một đêm” mà tôi có thể hít thở, lắng nghe và thực sự sống trong nó.

Trải nghiệm băng ngang một phần rất nhỏ của sa mạc Sahara ở Ma-rốc khá siêu thực. Cả một sa mạc khổng lồ ở trước mắt, dưới chân, khắp nơi quanh tôi. Như thể cả thế giới lúc ấy không còn gì khác nữa ngoài cát cháy bỏng da và trời xanh ngắt cao vời vợi. Như thể với tay là chạm ngay tới trời, nhảy xuống là chạm ngay vào cát, và những luồng ánh sáng mặt trời nóng nảy đang nhuộm lấy cánh tay tôi. 

Hành trình kéo dài gần hai tiếng đồng hồ ngất ngưởng trên lưng lạc đà, và kết thúc ngay trước lúc mặt trời kịp lặn xuống chân trời phía xa xa. Dừng chân bên một đồi cát, tôi nhảy xuống khỏi chú lạc đà đã đưa mình đi đoạn đường dài rồi vội vàng leo lên đỉnh đồi cát. Cát chảy xuống liên tiếp khiến quãng đường leo lên không ít nhọc nhằn. Khi đứng trên đỉnh đồi, phóng mắt nhìn ra phía chân trời đang nhuộm màu trời đỏ ối, tôi hít lấy một hơi sa mạc cho đầy cuống phổi, cố ngăn cơn xúc cảm mạnh đến choáng váng vừa đổ ập xuống. 

Vào giờ phút ấy, tôi bỗng dưng muốn hát gì đó cho chú lạc đà cần mẫn miệt mài đưa tôi qua sa mạc. Tôi cảm ơn bác quản lạc đà băng Sahara với tôi trên đôi dép nhựa và ngủ dưới trời sao lạnh lẽo. Tôi bật cười thành tiếng khi cuộc đời quá đẹp, còn tôi thì quá may mắn được tận hưởng cuộc sống này.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ.