(LĐ online) - Trên mảnh đất anh hùng Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm), chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi nhà dài duy nhất còn lại được phục dựng để trải nghiệm những nét đẹp truyền thống của nền văn hóa Châu Mạ đặc sắc một thời.
Đồ vật bên trong căn nhà dài cuối cùng ở Lộc Bắc |
Bước vào căn nhà dài cuối cùng được ngành văn hóa Lâm Đồng phục dựng với mục đích giữ lại một hình ảnh kiến trúc truyền thống của cư dân Mạ ở buôn Bơ Đăng (Thôn 2), chúng tôi được chủ nhà - bà Ka Dít chào đón bằng lối đi dành cho khách chính giữa ngôi nhà. Mộc mạc, đơn sơ nhưng ấm áp, đó là cảm nhận của chúng tôi. Ánh lửa từ chiếc bếp đặt bên trái ngôi nhà như sưởi ấm lòng người trong những ngày mùa mưa Tây Nguyên kéo dài.
Sau một hồi chuẩn bị, bà Ka Dít mang ra một chóe rượu cần, cắt và lấy huyết con vật hiến tế bôi lên cây nêu, bôi lên trán những vị khách trước sự chứng kiến của thần linh, với ước nguyện để xua đuổi tà ma, bệnh tật nhằm mang lại sức khỏe, sự bình yên, hạnh phúc.
Người Mạ cẩn thận thực hiện từng nghi thức cổ, vật tế để báo cáo với thần linh khi có khách đến nhà |
Khách được mời uống rượu cần, một loại thức uống quen thuộc của người Châu Mạ |
Chị Ka Hương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc giải thích, bởi trong đời sống tâm linh của người Châu Mạ, phong tục tập quán có ý nghĩa rất quan trọng nên đến bây giờ, gần như vẫn giữ được trọn vẹn. Đến nay, một số phong tục tốt đẹp trong các ngày đầy tháng, đám hỏi, đám cưới, ma chay… vẫn được bà con thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ có một số ít những người lớn tuổi là còn nắm tường tận những phong tục này.
Theo trí nhớ của anh em bà Ka Dít, căn nhà dài được gia đình dựng từ năm 1983. Nơi đây được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên hiện nay vẫn giữ được nguyên vẹn. Khung nhà làm bằng gỗ, sàn lát tre, mái trong bằng lá mây rừng, ngoài lợp tranh. Hiện nay, căn nhà là nơi sinh sống của bà Ka Dít cùng với 3 người con.
Những vật dụng dùng trong gia đình từ xưa được bà Ka Dít cất giữ cẩn thận |
Trong nhà vẫn còn gần 100 vật dụng cổ, chủ yếu là chum, chóe, nồi niêu… và 2 bộ chiêng. Căn nhà dài cuối cùng của buôn làng giờ đây ngoài là nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống thì còn là địa điểm tham quan được chính quyền địa phương giới thiệu đến du khách mỗi khi tìm về văn hóa người Châu Mạ.
Xã Lộc Bắc hiện nay gồm 4 thôn với 11 buôn, nơi 12 dân tộc cùng sinh sống (gồm: Kinh, Mạ, Tày, Nùng, Mường, Dao, Hoa, Cil, Khmer, K'Ho, Nụp, Lạch); trong đó, người Mạ chiếm gần 70%. Tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc được ổn định. Các chương trình, chính sách đầu tư trong địa phương đối với DTTS được quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ như: Chương trình giảm nghèo, chương trình nông thôn mới, chương trình trợ giá, chương trình tái canh, đầu tư mô hình…
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với những thay đổi từ suy nghĩ của người dân mà hiện nay, cuộc sống của người Châu Mạ đã dần được đủ đầy. Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, đến nay, việc giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng; cũng như một số phong tục, lễ hội truyền thống vẫn còn được giữ gìn.
Bà Ka Dít, chủ nhân của ngôi nhà năm nay 70 tuổi. Dù không nói được tiếng Việt nhưng bà luôn luôn niềm nở với những vị khách phương xa |
“Riêng việc bảo tồn các giá trị của người Mạ hiện nay còn rất ít. Hầu như hiện nay, đặc biệt là chỉ ở độ tuổi từ trung niên trở lên thôi, còn đối với giới trẻ từ 40 tuổi trở xuống hầu như không nắm, rất là ít anh em thanh niên nắm về các phong tục truyền thống của người Mạ. Đây dường như là thực trạng chung và cũng là khó khăn trong những năm gần đây” - chị Ka Hương nói.
Trong căn nhà dài, chúng tôi may mắn được gặp nhiều vị già làng và được nghe những câu chuyện từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, về sự đổi thay của buôn làng và cả ánh mắt lo lắng, giọng trầm buồn khi thế hệ kế cận không còn mặn mà với văn hóa truyền thống. Đó là ông K’ Téo với chiếc kèn bầu, già làng K’ Diệp với câu chuyện từ những ngày chiến tranh… Họ là “những cánh chim đầu đàn” giống như những bảo tàng sống của một nền văn hóa Châu Mạ đặc sắc.
Ông K’ Téo bảo mình say mê những âm sắc của kèn bầu |
Ông K’ Téo là một trong số ít vị già làng ở Lộc Bắc còn biết làm và thổi kèn bầu |
“Thế hệ trẻ bây giờ có mấy người biết thổi kèn bầu đâu. Người Mạ trước đây thuộc rất nhiều bài tương ứng với các lễ hội như mừng lúa mới, đâm trâu, vào nhà mới hay tiếng kèn thổi vào lúc sáng sớm để đánh thức mọi người… Thanh niên bây giờ bảo khó, nhưng khó mới càng phải học” - ông K’Téo (Thôn 4, xã Lộc Bắc) bày tỏ nỗi niềm của mình.
Đặt mục tiêu gìn giữ, giới thiệu và quảng bá giá trị di sản văn hóa cồng chiêng xã Lộc Bắc đến với bạn bè trong nước và quốc tế, UBND xã Lộc Bắc đã triển khai công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023 - 2026 và tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, tập trung khôi phục 4 đội cồng chiêng cho 4 thôn; cấp trang phục và hỗ trợ kinh phí cho 4 đội chiêng, đội văn nghệ; hoàn thành nội dung về thống kê, sưu tầm các bài chiêng cổ, số lượng nghệ nhân truyền dạy, số lượng cồng chiêng; tổ chức các lớp truyền dạy về cách đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng cho cả 4 thôn…
Bếp lửa - nơi giữ hơi ấm của căn nhà dài |
Chị Ka Hương và những người nặng lòng lưu giữ văn hóa Châu Mạ chụp ảnh lưu niệm cùng phóng viên bên căn nhà dài |
Theo chị Ka Hương, không chỉ cồng chiêng, địa phương cũng mong muốn có thể giữ lại toàn bộ những gì tốt đẹp nhất trong văn hóa truyền thống của người Châu Mạ xưa, nhưng hiện đang vấp phải nhiều khó khăn. Đó là kinh phí, đó là con người và cả thời gian. Nếu không có lớp người trẻ kế cận, thế hệ già làng cũng không còn nhiều thời gian để chỉ dạy.
Tất cả đều là những trăn trở mà không phải cho ngày một ngày hai và cũng không phải một cá nhân nào có thể giải quyết được.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin