Một số ý kiến cho rằng, thiết kế và trưng bày triển lãm là một công việc thuần túy kỹ thuật, chỉ cần có tác phẩm nghệ thuật thị giác (mỹ thuật, nhiếp ảnh, điêu khắc...), cộng thêm không gian, rồi treo, đặt, bày chúng ở những vị trí cố định nữa là... xong.
Triển lãm văn hóa Chăm tại Bảo tàng Lâm Đồng |
Tuy nhiên, theo họa sĩ Lương Nguyên Minh - Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật, Hội VHNT Lâm Đồng, cách hiểu như vừa nêu ở trên xuất phát từ thực tế xưa nay chúng ta vẫn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thị giác bằng một cách giản đơn và sơ sài nhất. Chính vì thế, đã có những nhìn nhận chưa đúng về công việc thiết kế mỹ thuật trong các cuộc triển lãm những tác phẩm nghệ thuật thị giác. Thậm chí, nhiều người còn bảo, đó là công việc vặt. Thế nhưng, ở các nước có nền nghệ thuật thị giác phát triển, thiết kế và trưng bày trong các triển lãm là một nghề thực thụ. Người thiết kế giữ một vai trò không hề nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công, hoặc dẫn tới việc không như ý muốn của cuộc triển lãm. “Bởi họ chính là người định hướng khẩu vị thẩm mỹ cho công chúng, bằng việc tối ưu hóa những trải nghiệm thị giác, bên cạnh giúp tác phẩm nghệ thuật “khoe” ra hết vẻ đẹp trước mắt công chúng”, họa sĩ Lương Nguyên Minh nhấn mạnh.
Muốn tạo được tính hấp dẫn về mặt thị giác, người thiết kế và trưng bày trước hết phải căn cứ vào ý tưởng của người giám tuyển, sau nữa căn cứ trên kích thước của tác phẩm nghệ thuật, dựa theo không gian sắp triển lãm, rồi thảo ra chi tiết các quy tắc thiết kế, từ cách sử dụng kích thước logo, kiểu chữ và màu chữ của nhãn tác phẩm cho đến việc lựa chọn chất liệu in ấn, cách dùng hình ảnh quảng bá ở catalog... để đảm bảo những quy chuẩn về sự nhất quán.
“Mỗi chất liệu có một cách thiết bày riêng. Mỗi kích thước tác phẩm có một cách treo, đặt riêng. Mỗi phong cách tác giả lại có một ngôn ngữ trưng bày riêng. Do vậy, ngôn ngữ thiết kế và trưng bày cũng phải trở nên biến hóa để phù hợp với từng chất liệu, từng kích thước, từng phong cách tác giả. Bởi tác phẩm nghệ thuật thị giác chỉ thật sự “tỏa” hết năng lượng thẩm mỹ khi được đặt đúng vị trí trong một không gian phù hợp, đầy đủ hệ thống chiếu sáng, giá đỡ, kệ nâng, điểm treo và tường vách chuyên nghiệp”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Nhân, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cho biết. Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Nhân, ứng với mỗi loại ánh sáng (ánh sáng tự nhiên và ánh sáng đèn chiếu), cách thức trưng bày tác phẩm nghệ thuật cũng khác nhau. Tương tự, ánh sáng xiên treo khác, ánh sáng thẳng treo khác, chỗ thiếu sáng treo khác, chỗ thừa sáng treo khác. Ngoài ra, người thiết kế và trưng bày còn phải tính cả những điểm nghỉ, khoảng thở giữa các tác phẩm, tránh đem đến cảm giác rối mắt cho người xem.
Họa sĩ Lương Nguyên Minh nói thêm: “Tiêu chuẩn quốc tế quy định, giới hạn của đường đai dưới khi treo tranh hoặc ảnh là 85 - 90 cm (tính từ mặt sàn tính lên), còn điểm ngắm lý tưởng chính là độ dài từ mắt đến bức tranh hoặc ảnh bằng độ dài đường chéo của bức tranh hoặc ảnh được người xem quan sát. Với khoảng cách đó, người xem vừa ngắm bao quát bức tranh hoặc ảnh, nhất là độ nét luôn đảm bảo để nghiên cứu về mặt bút pháp của tác giả”.
Ông Nguyễn Hiền, người sáng lập Phố Bên Đồi, tâm sự: “Tôi nghĩ rằng, chất lượng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thị giác sẽ sớm cải thiện, nếu có một hệ thống các địa chỉ trưng bày, triển lãm nghệ thuật chuyên nghiệp, cạnh đó là kiến thức khoa học chuyên ngành của những người thiết kế và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thị giác. Tất nhiên, một yếu tố nữa, chính là nguồn kinh phí cho hoạt động thiết kế mỹ thuật trong các cuộc triển lãm”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin