Thương lắm miền Trung ơi…

THÀNH NAM 05:37, 12/10/2023

Cuối tuần, phố núi ngày không mây. Trời Đà Lạt trong xanh đến lạ. Bật ti vi xem chương trình buổi sáng đúng bản tin dự báo thời tiết về miền Trung. Giọng cô phát thanh viên điểm tin áp thấp nhiệt đới mạnh, gây ra bão, lũ lớn. Những dự báo, cảnh báo cho người dân được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần khiến người nghe phập phồng lo sợ, nhất là những người xa quê. Vậy là mùa bão, lũ ở miền Trung đã bắt đầu. Một cảm giác âu lo, chồng chềnh lại ùa về. Mùa này, miền Trung đang oằn mình chống bão, lũ. Mùa này, những đứa con xa quê, xa gia đình có thêm một mối bận tâm ở quê nhà với bao thương cảm đến ngậm ngùi... 

Sinh ra ở Quảng Trị, nơi được xem là "rốn lũ" của miền Trung. Ngay sau rằm tháng Tám, khi vụ lúa hè thu đã kết thúc, người dân quê tôi lại có thêm bao nỗi bận tâm, lo lắng. Bởi đây là thời điểm những cơn mưa sấp ngửa, mưa không rõ mặt người ập đến. Mưa thành "đặc sản", thành nỗi ám ảnh đối với người miền Trung. Mưa to, mưa như trút nước, chỉ cần vài tiếng đồng hồ là nước đã lênh láng. Cũng chính vì chứng kiến cảnh này mà mưa ở miền Trung đã từng đi vào thơ của Tố Hữu một cách rất hình tượng: "Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên".

Mưa, bão “hò hẹn” với người miền Trung quê tôi, không năm nào bỏ sót. Bão gây mưa lớn và kéo theo những trận lũ, lụt. Ai đã từng sinh ra ở khúc ruột miền Trung chắc có lẽ không quên được cái cảm giác lo sợ và đối phó với bão, lũ. Mưa lớn, lũ nhanh, người dân không kịp trở tay. Ngoài vườn, ngoài ruộng mênh mông toàn nước là nước. Những luống rau, luống cà của bà mẹ tần tảo bao ngày vun xới, cây đang hẹn mùa bội thu thì bỗng dưng bị nước ngâm mấy ngày liền. Kết quả sau những ngày bị ngâm nước ấy là cây bị úng và chuyển màu rồi chết đi trước sự nuối tiếc của người nông dân. Chẳng biết trách ai, chỉ trách ông trời, bởi như người dân miền Trung thường nói với nhau: không ai hại bằng trời hại. 

Lũ về mang theo cả tiếng thở dài ngao ngán của những ông bố, bà mẹ quê quanh năm tần tảo. Đó là tiếng lội nước bì bõm trong đêm của đấng sinh thành để kê dọn những bao lúa vừa thu hoạch, là tiếng gom soong nồi, cuốc xẻng, là thúng mủng, sàng dần với sự khẩn trương và tất bật. Lẫn trong tiếng nước đổ, tiếng bì bõm là tiếng mẹ thở dài và lẩm nhẩm: Lạy trời đừng mưa nữa!

Nước lớn cuốn trôi bao ước mơ, khát vọng cùng tương lai của người nhà quê. Bao nhiêu sự cố gắng, tích góp chẳng mấy chốc bị dòng nước cuốn trôi không chút do dự. Có nhiều nhà, sau cơn lũ, lụt đã trở thành trắng tay. Sau hiện tượng thời tiết cực đoan ấy chỉ còn lại nỗi đau và sự thẫn thờ của những ông bố, bà mẹ.

Không năm nào miền Trung quê tôi không có lũ, lụt. Con nước ùa về không chỉ gây khốn khó cho người dân quê mà còn mang theo nỗi niềm của đứa con xa nhà. Mùa nước lũ trong ký ức của những đứa con xa quê cứ lớn dần theo năm tháng. Mùa nước lũ của thời trẻ thơ là những khoảnh khắc vô tư, hồn nhiên, vui nhiều hơn buồn. Vui bởi một lý do đơn giản vì những đứa trẻ như chúng tôi được nghỉ học dài ngày, một “lí do chính đáng” để không bận tâm gì đến chuyện chữ nghĩa, học hành. Lũ về, những đứa trẻ chúng tôi tụ tập thành nhóm, kết những cây chuối làm bè và chèo ra ở những ruộng nước để thỏa sức đùa nghịch. Vậy nhưng, niềm vui ấy không tồn tại được lâu bởi ai cũng phải trưởng thành và khôn lớn. Đi qua những mùa mưa lũ, niềm vui ấy hẹp dần và nhường chỗ cho nỗi buồn, sự âu lo và đồng cảm. Những đêm Tây Nguyên trời quang mây tạnh nhưng lòng ta vẫn thổn thức, chất chứa bao nỗi niềm. Đó là sự đồng cảm, là sự thao thức, đau với nỗi đau của mẹ, buồn với sự tiếc nuối của ba.

Chẳng ai có thể chống lại thiên nhiên nên người miền Trung phải sẵn sàng đón nhận những trận lũ, lụt kinh hoàng. Vậy nhưng sau mất mát, tang thương do lũ, lụt gây ra, người miền Trung có đau, có buồn, có trĩu nặng ưu tư nhưng tuyệt nhiên không gục ngã."Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây", đó là tinh thần mà người dân quê tôi được tôi luyện qua bao ngày mưa gió, lũ, lụt. Sau mưa lũ, người miền Trung lại đứng lên từ tổn thương, mất mát. Thiên nhiên khắc nghiệt thì tạo nên con người khác biệt và can trường. Tình người sau mưa lũ được sống lại một cách chân tình và nồng nàn khôn tả. Đó là hũ mắm cho qua, hũ cà cho lại, là vài con cá đồng vừa giăng được khi mùa nước lên, là chút lương khô, là thùng mì tôm... được người dân quê tôi sẻ chia cho nhau trong thời đói cơm, lạt nước. Tình người trong mưa lũ vẫn cứ đượm, cứ nồng, được ấp ủ và nuôi dưỡng, đó là nguồn sức mạnh nội sinh giúp người miền Trung đi qua ngày khốn khó.



Liên kết hữu ích