100 năm Văn Cao - Còn mãi tinh anh

KHÔI NGUYÊN THẢO 09:17, 10/11/2023

(LĐ online) - 15/11/2023, tròn 100 năm ngày sinh nhạc sĩ tài hoa Văn Cao, nhiều hoạt động, hội thảo, đêm nhạc tưởng nhớ ông được tổ chức từ Bắc vào Nam. Với Văn Cao, tác giả của Tiến quân ca, Mùa xuân đầu tiên, Đàn chim Việt, Buồn tàn thu, Suối mơ... có thể thấy ông luôn có một vị trí trường tồn sống mãi trong lịch sử âm nhạc Việt. 

 PGS.TS Đỗ Hồng Quân phát biểu tại hội thảo “Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao”
PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tại hội thảo “Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao”

• NHIỀU HOẠT ĐỘNG Ý NGHĨA TƯỞNG NHỚ VĂN CAO

“Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao” là hội thảo khoa học được tổ chức tại Hà Nội vào 8/11/2023. Các đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng  Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo khoa học này.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhiều ca sĩ nổi tiếng sẽ có mặt trong đêm nhạc "Bến Xuân" nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao vào ngày 13/11/2023. Chương trình gồm 2 chương: Chương 1 - Bến Xuân là những sáng tác đầu tiên với các nhạc phẩm trữ tình mang âm hưởng phương Đông nhưng vô cùng lãng mạn như: Buồn tàn thu, Suối mơ, Cung đàn xưa, Thiên thai… Chương 2 - Đàn chim Việt cho khán giả thấy chân dung một Văn Cao có khi đầy hào hùng trong Trường ca sông Lô, có khi lại nhẹ nhàng, sâu lắng và đầy thấu hiểu nỗi yêu đời, yêu người trong Mùa xuân đầu tiên. Nhiều ca sĩ đã thành công với âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao sẽ có mặt trong đêm nhạc đặc biệt này: Ánh Tuyết, Quốc Hưng, Mai Hoa, Việt Hoàn, Đức Tuấn, Phạm Thu Hà…

Vào cuối tuần này, 10/11, ca sĩ Đức Tuấn cũng tổ chức đêm nhạc Văn Cao tại TP Hồ Chí Minh. Những tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ tài hoa này sẽ được ca sĩ 8X thể hiện đầy cảm xúc sau nhiều năm theo đuổi dòng nhạc xưa, mà trong đó, Văn Cao là một trong những nhạc sĩ anh yêu thích, chọn làm điểm nhấn trên con đường âm nhạc của mình.

• CHÂN DUNG MỘT NGHỆ SĨ BẬC THẦY

Tại hội thảo “Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao”, PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đánh giá cao tài năng nhạc sĩ của Tiến quân ca: Văn Cao là một nhạc sĩ lớn, một nghệ sĩ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật: âm nhạc, thơ ca, hội họa…

Nhiều chương trình
Nhiều chương trình, hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao

Nói về thể loại âm nhạc trong ca khúc của Văn Cao, chúng ta thường nói tới 2 loại hình: các bài hát trữ tình mang âm hưởng dân ca hoặc tiết tấu nhịp nhàng, uyển chuyển như Cung đàn xưa, Mùa xuân đầu tiên, Làng tôi, Ngày mùa... Thể loại thứ hai là hành khúc như các bài Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Tiến về Hà Nội... và thể loại thứ ba là trường ca, khi nhắc tới trường ca của Văn Cao ta chỉ nhắc tới một tác phẩm, đó là Trường ca Sông Lô... nhưng trên thực tế, tư duy trường ca không chỉ có trong tác phẩm Trường ca Sông Lô mà trước đó, trong các sáng tác thời kỳ đầu như Thiên thai (1941), Trương Chi (1942), Đàn chim Việt (1948)... đã xuất hiện những yếu tố trường ca biểu hiện cụ thể là bố cục những tác phẩm trên gồm nhiều đoạn, nhiều phần được phát triển và chuyển điệu để tạo thành những mảng ghép tương phản nhau, khắc họa nhiều nội dung của một câu chuyện hoặc một nhân vật. Đây cũng là một đặc điểm trong tư duy sáng tạo thanh nhạc của Văn Cao mà trong những bài hát thông thường (hai đoạn) không thể hiện hết được. Trong thể loại trường ca thì tác phẩm đỉnh cao của Văn Cao chính là Trường ca Sông Lô. Cùng với Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, Bộ đội về làng của Lê Yên (thơ Hoàng Trung Thông), nhạc sĩ Văn Cao đã vượt lên những hình thức âm nhạc thông thường, ghi vào biên niên sử bằng âm thanh những tác phẩm thể loại lớn in đậm dấu ấn sáng tạo, được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian.

Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Văn Cao trở thành tác giả của quốc ca đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc, một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất trong nền âm nhạc Việt Nam thời kỳ này. Trong cuộc biểu tình cướp chính quyền của Việt Minh ngày 19/8/1945 tại Hà Nội, Văn Cao đánh nhịp cho Đoàn Thanh niên Xung phong hát bài Tiến quân ca của ông trước Nhà hát Lớn. Văn Cao trở thành nhạc sĩ tiêu biểu của hành khúc kháng chiến.

GS. Phong Lê cũng dành sự trân trọng tới nhạc sĩ Văn Cao khi cho rằng: Nói Văn Cao, không chỉ ở thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh của ông, mà ngay từ 1945, đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, nhân dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến, và chịu ơn. Bởi ông là tác giả của Tiến quân ca, rồi trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ tháng Tám 1944, ở Tân Trào, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Kể từ ấy, Quốc ca đã vang lên trong ngày 17/9/1945 ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi sáng 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.

Kể từ bấy đến nay, biết bao nhiêu thế hệ công dân Việt, thuộc tất cả các lứa tuổi, không ai không thuộc nằm lòng Tiến quân ca, như tiếng gọi của non sông Việt, và cũng là của chính tấm lòng mình, bởi nó là một sức mạnh tinh thần không gì đo đếm được, không có bút mực nào tả xiết được, nói lên sức mạnh vô biên, bất tận của dân tộc Việt Nam trước mọi thử thách trong hàng nghìn năm lịch sử.

• THƠ VĂN CAO - MỘT DẤU ẤN LẠ

Nói về một mảng quan trọng trong cuộc đời nghệ thuật của Văn Cao, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: Nói đến Văn Cao, bên cạnh âm nhạc, ông còn là nhà thơ tạo được dấu ấn riêng mình trong lĩnh vực thi ca. Văn Cao viết không nhiều. Sinh thời, ông chỉ cho xuất bản duy nhất tập Lá gồm 28 bài, và sau ngày ông mất, Tuyển tập Văn Cao Thơ cũng chỉ có 59 bài.

Nhưng di sản nghệ thuật Văn Cao có khả năng tồn tại lâu dài bởi đó là sự kết tinh về chất chứ không phải áp đảo về lượng. Tài năng Văn Cao hiện rõ trong thơ, nhạc, họa nhưng so với nhạc và họa, thơ là lãnh địa thể hiện rõ nhất bản ngã Văn Cao. Tại đó, ông trực diện lựa chọn thái độ: Giữa sự sống và sự chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn sự chết (Chọn, 1957), nhận thấy mặt trái của những tấm huân chương: Người ta đôi khi bị giết/ bằng những bó hoa (Những bó hoa, 1974) và cô đơn, rạn vỡ: Có lúc/ một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ/ Có lúc/ ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt/ Có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được (Có lúc, 1963). Thơ cũng là nơi Văn Cao tự tri nhận về số phận mình trong các mối tương quan:

Tôi không được làm trái đầu mùa

Những trái cây

cao giá

Tôi

Một trái cây muộn

còn sót lại cành

Vị cuối cùng Mùa cuối cùng Rớt xuống… Mới thật hiểu

Sự sống thật của mình

(Sự sống thật, 1970)

Thơ Văn Cao độc đáo ngay từ khởi đầu bởi đó là sản phẩm của những chiêm nghiệm sâu sắc đậm chất triết luận. Sâu đến mức lặng lẽ, sự lặng lẽ xoáy xiết của sóng ngầm: Như viên đá rơi vào im lặng.

Và với hội họa, ông là một trong những họa sĩ vẽ tranh minh họa sách nổi tiếng lúc đương thời. Sự pha trộn giữa âm nhạc - hội họa - văn chương đã làm nên một Văn Cao rất riêng biệt trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam mà chúng ta có thể cảm rõ điều này qua nhiều tác phẩm ông để lại tới bây giờ và mai sau.

Không phải tới bây giờ Văn Cao mới được tôn vinh như một tượng đài lừng lững trong âm nhạc Việt Nam nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung. Một nhạc sĩ sáng tác nên Quốc ca Việt Nam - ca khúc của toàn dân mà không ai có thể thay thế, một nghệ sĩ trải qua bao dập vùi vẫn giữ những yêu thương, ấm áp trong tâm hồn, trong lòng mình để dành những trái ngọt cho thi ca, nhạc họa… Tất cả những điều ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho cốt cách, chân dung một nghệ sĩ bậc thầy.

Cuối những năm 30 của thế kỷ XX, tân nhạc Việt Nam đã ra đời, cùng với các nhạc sĩ như Lê Thương, Tô Vũ, Canh Thân, Hoàng Quý… Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý. Bài hát đầu tiên  của ông là Buồn tàn  thu (1939), lúc đó Văn Cao mới 16 tuổi. Ông được tiếp xúc với âm nhạc phương Tây từ nhỏ, khi học tại Trường Bonnal, sau học tại Trường dòng Saint-Joseph (Hải Phòng). Điều đặc biệt là tuy học nhạc phương Tây nhưng Văn Cao ít chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Pháp mà hướng giai điệu các bài hát của mình gần với âm nhạc dân tộc, màu sắc ngũ cung (khác với bảy âm trưởng - thứ (major - minor) của phương Tây), lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù… để sáng tác những ca khúc đầu đời như: Thu cô liêu, Suối mơ, Trương Chi, Thiên Thai (1941)…