Bâng khuâng dã quỳ

THÀNH NAM 06:20, 09/11/2023

Có người bảo với tôi rằng, Đà Lạt đẹp là nhờ có hoa và có rừng thông. Ừ nhỉ, nhận xét này dù chưa đủ đầy nhưng cũng có phần đúng. Phố núi có cả một “bảo tàng hoa” đa sắc, đa hương cơ mà. Vậy nên Đà Lạt mới có biệt danh thành phố ngàn hoa. Ở vùng đất này, hoa đồng cỏ nội cũng có, hoa ngoại cũng không thiếu. Mỗi cánh hoa, mỗi loài hoa đều mang một vẻ đẹp khác nhau. Mùa nào sắc đó, du khách bốn phương cứ vịn vào sắc, vào hương của hoa mà đến vãn cảnh. Năm nay, một mùa hoa quỳ nữa lại về, sắc vàng của màu hoa ấy đã gợi lên trong lòng lữ khách bao thương nhớ, bâng khuâng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không có không gian "cuối tầm nhìn trời nước gặp nhau" như ở Nha Trang, Ninh Thuận, Phan Thiết... Đà Lạt - thành phố cao nguyên níu chân người bằng những mùa hoa đặc trưng nơi phố núi. Mùa này, khi thành phố vừa chia tay những cơn mưa thì màu vàng rực rỡ của loài hoa dã quỳ đã để lại bao dư âm và hoài niệm cho du khách khi đến với xứ sở ngàn hoa. 

Nếu như mai anh đào "hớp hồn" du khách vào những ngày cuối năm rộn ràng thì màu vàng của dã quỳ báo hiệu Đà Lạt bắt đầu một mùa khô với những sợi nắng hanh hao gọi mời. Dã quỳ nở thường là dấu chấm hết cho mùa mưa Đà Lạt, du khách đến đây không chỉ để thả hồn vào những thắng cảnh thơ mộng mà còn để tìm lại chút hương xưa với màu vàng hoang dại mang tên dã quỳ. Có nguồn gốc từ châu Mỹ, dã quỳ được người Pháp đưa sang trồng ở Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên từ nhiều thập kỷ trước. Giờ đây, hoa quỳ không còn là "đứa con ra ở riêng" nữa mà loài hoa này dần dần trở thành loài hoa được chờ đợi của phố phường, niềm cảm hứng cho các văn nhân, thi sĩ. Chính màu vàng của loài hoa quỳ đã gợi thêm chút háo hức, chút buồn man mác xen lẫn trăn trở, tiếc nuối khi độ đông về.

Dã quỳ còn được gọi bằng những danh xưng khác như: hoa quỳ, cúc quỳ, sơn quỳ... Ngoài Đà Lạt, loài hoa này còn được hiện hữu ở một số tỉnh. Tuy nhiên, có lẽ Đà Lạt - Lâm Đồng là nơi "neo đậu" nhiều của loài hoa này và dường như nó đã trở thành một loài hoa "thương hiệu" của phố núi. Vào thời điểm khoảng tháng 10 và 11 dương lịch, thành phố Đà Lạt được khoác lên mình một màu vàng rực rỡ của loài hoa dã quỳ hoang dại. Không lớn như hoa hướng dương nhưng dã quỳ thường có nhiều cánh, màu vàng rực rỡ, nhụy hoa căng tròn biểu tượng cho một sự sống mãnh liệt, không khuất phục trước nghịch cảnh, khó khăn. Dạo quanh một vòng nơi thành phố mù sương, ta nhẹ nhàng nhận ra đâu đó quỳ hoa mọc thành từng bụi trên các ngọn đồi, lúc lại thả mình chênh vênh tại các sườn dốc uốn lượn. Màu vàng ấy, có khi chỉ là một khóm hoa vừa đủ khoe sắc, e ấp, ngại ngùng như mối tình đầu của thiếu nữ miền sơn cước. Có khi ta lại bắt gặp cúc quỳ trải dài trên các cung đường uốn lượn ở đèo Tà Nung, Prenn, D’ran và các khu vực nội thành, ngoại thành Đà Lạt. Nơi đây, dã quỳ bung nở, bao phủ một màu vàng tràn đầy sức sống, vươn lên mãnh liệt, đẹp như một bức tranh.
 
Vậy là giữa ngút ngàn thông xanh, mùa này, Đà Lạt đã có thêm một sắc hoa hiện hữu, có một mùa hoa vàng để yêu thương và hoài niệm. Dã quỳ không chỉ biểu tượng cho một sức sống, mà nó còn được chọn làm biểu tượng cho những công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Từ trên cao nhìn xuống, sân bay Liên Khương như những cánh hoa quỳ rực rỡ, công trình này như lời mời gọi du khách đến với thành phố Đà Lạt xinh đẹp. Vậy là từ một nhà ga với bê tông cốt thép, nhưng với ý tưởng độc đáo, các kiến trúc sư đã “mềm hóa” công trình này bằng sắc vàng của những cánh hoa cúc quỳ. Cũng từ nguồn cảm hứng của loài hoa này, một bông hoa quỳ được thiết kế tinh tế ở quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt. Đây được xem là nơi thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và thưởng lãm trong những ngày dừng chân ở phố núi.

Chẳng người chăm sóc, ít người hái tặng nhau vậy mà quỳ hoa vẫn nở nồng nàn. Chính màu vàng rực rỡ ấy đã làm cho Đà Lạt thêm phần lãng mạn khi trời bắt đầu lập đông. Đến hẹn lại lên, sắc hoa dã quỳ một lần nữa đã làm cho ta bâng khuâng thương nhớ, đôi lúc vì mê, vì yêu loài hoa này mà ai đó cứ mãi miên man quên cả lối về.