Cảm xúc và niềm trắc ẩn của thi nhân

UÔNG THÁI BIỂU 06:24, 02/11/2023

(Đọc lại bài thơ Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử)

Đà Lạt trăng mờ

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ…

 

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu…

 

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá im như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm...

 

Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...

HÀN MẶC TỬ

Ảnh: Võ Trang
Ảnh: Võ Trang

Huyền thoại xưa đã là tên cho đỉnh núi, biểu tượng Lang Bian như dòng sữa nuôi sống tinh thần những buôn làng xứ Thượng cao nguyên. Chuyện kể rằng: Ngày xưa ở bộ tộc Lát có chàng tù trưởng trẻ tên là Ha Bian yêu say đắm nàng Ka Lang, con gái của tù trưởng bộ tộc Srê ở miền Djrềnh. Bi kịch tình yêu, hậu quả của mối thù truyền kiếp của người Thượng cổ xưa đã ngấm vào lòng Trí, một Hàn Mặc Tử - thi sĩ, tình nhân. Sau những tháng ngày chìm đắm giữa rừng sâu, đến một ngày Lang và Bian đã gặp lại nhau và họ cùng ngồi lặng yên trên đỉnh núi. Mặc đêm xuống, trăng lên, sương tan, nắng xế... Họ cùng ngồi bên nhau và chết bên nhau. Mưa gió não nùng, núi rừng sùi sụt khóc thương cho đôi bạn tình. Còn anh - Hàn Mặc Tử - mối tình đầu của anh không thể vượt qua những trói buộc của lễ giáo và tín ngưỡng, anh ôm nỗi khổ đau đi tìm miền giải thoát...

Trong trò chơi trốn tìm định mệnh, anh đã tìm đến với Đà Lạt cùng người bạn thân Quách Tấn, mong bỏ xa tất cả, mong nguôi ngoai những sầu thương, bi nản của mối tình đầu. Lang thang trong cõi mộng du và cảm nhận, Hàn Mặc Tử nhận ra một Đà Lạt và Đà Lạt buổi đầu ấy đã ngập ngừng giao cảm với thi nhân. Một nỗi ám ảnh không hình khối, ám ảnh giữa tâm trạng người thơ với đất trời:

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ… 

Đọc thơ, thơ nói cảnh như là không nói cảnh mà thấp thoáng trong thơ dáng hình một con người. Hàn Mặc Tử đó ư? Có gì đổi khác trong anh mà những vần thơ đã tách lìa thể đối ngẫu trói buộc, nhịp địệu như mở ra. Có lẽ trong đêm trăng ấy, chàng thi sĩ đã lặng yên đếm nhịp lòng mình theo tiếng lóc cóc của chuyến xe thổ mộ. Ngôn từ ngập ngừng gõ lên tâm trạng. Một Hàn Mặc Tử “trời mơ trong cảnh thực”. Không gian thơ gợi lên dáng hình một trích tiên Lý Bạch gặp trăng chùa Hàn Sơn, một Từ Thức tìm tới chốn bồng lai. Ý thơ đã mở ra, gợi ra một cõi linh thiêng. Đà Lạt trong đêm ảo mờ nửa thực nửa hư nép mình giữa thung lũng u huyền...

Có lẽ hôm nay đọc lại bài thơ “Đà Lạt trăng mờ”, Đà Lạt của Hàn và Đà Lạt trong ta đã có chút gì đổi khác trong cảm nhận. Nhưng một điều, Hàn Mặc Tử đã lắng lòng mình với những hoang vu, với những đồi dốc mấp mô uốn lượn của những năm tháng ấy mà chắt lọc và gặp ngay nhịp điệu mỹ cảm và mô thức biểu hiện kiểu Baudelaire (thi sĩ người Pháp) trong bài thơ “Ca tụng sắc đẹp”. Bởi lẽ, nhà thơ lãng mạn Pháp thế kỷ XIX này có ảnh hưởng hết sức sâu đậm đối với Hàn. Chính vì vậy, có đôi lúc đọc đi đọc lại bài thơ cảm xúc gây run lên dậy lòng mà không thể phẩm bình. Mà đúng thôi, thi sĩ Xuân Diệu cũng đã từng cảnh giác “Ai đem phân chất một mùi hương”. Còn Hàn:

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo 
Để nghe tơ liễu run trong gió 
Và để xem trời giải nghĩa yêu…

Hàn Mặc Tử đã có phần thoát ly khối cấu trúc vững bền của Đường thi. Trong hình thức biểu hiện của bài thơ này anh đã cho những câu thơ chạy thoát ra khỏi bàn tay ngàn năm của những đại gia chủ soái thơ Đường. Trong không gian ấy, một không gian lan tỏa, sương khói như ảo mờ phủ lên tâm trạng. Không gian mênh mang, huyền diệu và u buồn của “nước hồ reo”, của “tơ liễu run trong gió”, của “trời giải nghĩa yêu” không cho phép người làm thơ dừng lại trong lối niêm luật gò bó, ý tứ sắp đặt khuôn mẫu.

Đọc Hàn, gặp một Đà Lạt của “hồ reo”, “tơ liễu” chợt gợi chút cảm quan về mô thức thẩm mỹ của trường phái Ao hồ trong thi ca phương Tây cuối thế kỷ XIX. Trong thơ Hàn, bút pháp tượng trưng của cổ thi chưa tan hết nhưng cảm xúc thì lại thực sự muốn thoát ra với gió núi, mây ngàn. Đọc câu “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều”, tôi cảm nhận, thi sĩ đã gói trọn mọi điều trong đó, ngôn từ hay mọi lời phẩm bình đều không thể nói hết được cái đẹp của không gian đêm rất thực và rất hư Đà Lạt. Và có thể, đó cũng chính là tâm ngôn thơ của Hàn thi sĩ.

Cảnh thật nhập vào vẻ hư, trần thế hòa trong tiên giới:

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá im như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm...

Đà Lạt hiện lên trong thơ Hàn qua sự nhạy cảm của những sợi dây thính giác và thị giác và qua cả nhịp tim riêng chàng đang đập những nhịp đập lãng du. Cái thực “để nghe”, “để xem” nhưng cái hư lại len vào bằng những ngóc nghách riêng của nó.

Phải chăng ở khổ thơ cuối, khi đã tưởng như trốn mình vào cảnh, thoát ly trong cảnh, Hàn lại trở về với chính tâm trạng không thể nào dấu nổi của mình:

Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng…

Lại vầng trăng ấy, vầng trăng ám ảnh của một định mệnh. Nhưng ở đây, khi Hàn mới chập chững bước vào duyên đầu, khi căn bệnh nan y chưa đến, vầng trăng còn mang một dáng vẻ u huyền nhưng thơ mộng, vẫn đẹp như một vẻ đẹp thuần khiết chưa vướng bụi thiên trần. Trăng trong “Đà Lạt trăng mờ” chưa phải là vầng trăng chết đuối, chưa nhảy múa loạn cuồng, chưa mang những tấm áo màu huyết thường thấy trong thơ Hàn. Nhưng ở đây, mối liên tưởng “đắm đuối trong sương nhạt” cùng với ý thức “chẳng nói rằng” như đã dự cảm rõ dần về một Hàn Mặc Tử sẽ mang định mệnh đau thương trong cuộc trần ai ngắn ngủi. Bốn câu thơ cuối đọc lên như chết lặng, không phải chỉ vì không khí của đoạn thơ, mà ta như cảm nhận được cõi trầm tư mà thi sĩ đang trải qua. Nỗi ám ảnh ấy vẫn là nỗi ám ảnh mà sự giao hòa của cảnh sắc tự nhiên và tâm trạng con người như kết làm một và gợi sâu hơn vết thương lòng của mối tình đầu mà Hàn đang mang theo...

Cảm ơn nỗi trắc ẩn riêng và những phút giây đột hiện mỹ cảm ngắn ngủi của Hàn Mặc Tử đã để lại cho đô thị cao nguyên và cho đời một thi phẩm tráng lệ.