Có một Đà Lạt trong thơ Triệu Kim Loan

NGUYỄN THÁNH NGÃ 06:21, 09/11/2023

Tôi lớn lên ở Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt là một phần đời không thể thiếu của tôi. Cho nên khi đọc "Đối thoại đêm" của nhà thơ Triệu Kim Loan, những kỷ niệm của chị về Đà Lạt đã chạm vào tôi. 'Đối thoại đêm" như ngọn lửa thức, soi rọi trong tôi bóng hình về một thành phố cao nguyên nổi tiếng, là nguồn cảm hứng cho nhiều tao nhân mặc khách, họ đến và đi đã để lại biết bao dấu ấn thi ca nhạc họa. Nhà thơ Triệu Kim Loan cũng thế, chị đã bị thành phố sương mù "thôi miên" bởi nét đẹp hút hồn của nó: "Ngày em đến/ Đà Lạt lòng như đợi/ Phố núi bồng bềnh, phố núi thôi miên..." (Ngày em đến).

 

Dĩ nhiên, tôi đã đọc rất nhiều những sáng tác của các thi nhân viết về Đà Lạt. Mỗi người một phong cách, một nỗi niềm. Riêng thơ Triệu Kim Loan đã khiến tôi bất ngờ, khi chính tôi mang hồn người Đà Lạt mà chưa viết được câu thơ nào sâu và thật như thế này: "Con đường mưa gặp lại thân quen/ Con dốc nhỏ uốn mình trong lòng phố" (Ngày em đến). Đọc thơ Triệu Kim Loan mà tôi ngỡ chị viết cho tôi, cho những người xa Đà Lạt. Có phải thơ hay là thế chăng? Là chạm vào lòng người và ở lại như kỷ niệm khó phai trong đời. Quả thật, những cảm xúc chị dành cho Đà Lạt thật giản dị, thân gần mà vẫn sang trọng, trữ tình: "Đêm mỏng dần Đà Lạt cài khuy áo/ Nhớ đã rêu đầy ắp phía không người/ Lật tung gió em tìm mình trong chữ/ Trải buồn lên từng trang viết đầy vơi" (Nguyên mùa). Đúng là Triệu Kim Loan đến Đà Lạt để "tìm mình trong chữ". Chữ của chị long lanh đến mong manh. 

Và những nỗi buồn trong veo được viết trên nền thổ cẩm nguyên bản của xứ thơ: "Dã quỳ nhớ ai mà vàng đến thế/ Mùi đất trời nồng nã đến bâng quơ" (Ngày em đến). Có lẽ nhắc đến Đà Lạt, thì hoa quỳ được chọn làm biểu tượng. Còn cái "mùi nồng nã đến bâng quơ", thì trở thành biểu tượng riêng của Kim Loan. Bởi ai có thả hồn mình cùng Đà Lạt, mới hiểu nó "bâng quơ" đến nhường nào! Ôi cái mùi kỳ hoa dị thảo của một "vương quốc" hòa quyện cùng mùi phấn thông, mùi của suối, thác rượu cần sẽ làm cho hồn ta đê mê, choáng ngợp. Từ đấy, cảm hứng nghệ thuật sẽ dâng trào. Chúng ta hãy nghe cuộc dâng trào cảm xúc thần thiêng của nhà thơ: "Nghe cuộn chảy trong từng tế bào háo hức/ Đà Lạt một ngày/ Em thương nắng ngẩn ngơ..." (Hoa nắng). Ai biết trong từng ngón tay ta cũng có dòng sông, nó "cuộn chảy" xuyên qua dãy tế bào ngôn ngữ. Và chỉ cần một ngày uống cái năng lượng của ngôn ngữ "háo hức" ấy, thì khách sẽ biết thế nào là "từ bi bất ngờ" trong nhạc Trịnh. Đó là chợt thương từng giọt nắng... vàng đến mong manh.Tôi cho đây là câu thơ đẹp, ra ngoài mọi cái đẹp của sự hoa mỹ, mà chỉ có thi ca mới có công năng làm cho hồn người cảm thấu mà thôi. Ai yêu Đà Lạt chắc sẽ đồng cảm với tôi về cái đẹp âm thầm, khó diễn tả được bằng lời của vùng đất vốn mang tên "thành phố buồn" này...

Thơ Triệu Kim Loan làm tôi chợt nhớ nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng đến Đà Lạt, và để lại câu thơ thật ấn tượng: "Tiếng chim trong/ ngân thành vòng thành chuỗi/ như một loài hoa của trời/ thả từng chùm xuống thành phố đầy vơi"... Lâm Thị Mỹ Dạ yêu tiếng chim trong vắt. Triệu Kim Loan thương màu nắng vàng ngẩn ngơ. Đó là tình yêu mà các thi nhân đã viết về Đà Lạt thật hay, cái hay thấm đẫm tình yêu thiên nhiên và con người. Rồi cũng bằng cảm hứng vút cao, Kim Loan lại mong đợi: "Em vẫn đợi một phép màu cổ tích/ Chuyện tình yêu kết trái giữa ngàn thông" (Chiều phố núi). Đọc hai câu thơ này khiến chúng ta nhớ đến "Đồi thông hai mộ", một chuyện tình đau thương. Rồi huyền thoại tình LangBiang, cũng kết thúc bằng hai ngọn núi đâm toạc trời xanh. Nhưng lạ nhất là "chuyện tình yêu kết trái giữa ngàn thông". Đó là sự "kết trái" đầy duyên nợ với Đà Lạt mộng mơ, câu thơ liền bật ra tiếng reo vi vút như từng cung bậc trên lá thông kim, đưa người đọc bước vào cảnh giới của tầng âm thanh kỳ ảo nhất. Dù không đợi tới cổ tích, phép màu vẫn xảy ra: "Mây bồng bềnh dắt nắng/ Đỉnh LangBiang gió bỗng dịu dàng/ Kìa rừng thông dưới lòng thung lũng/ Phiến đá chúng mình từng khắc tên nhau" (Nhẫn cỏ). Tôi đã gặp những phiến đá đó ở Thung lũng Tình yêu. Và câu chuyện của họ bắt đầu bằng việc khắc tên nhau, để khi xa thì khắc vào nỗi nhớ: "Em lang thang dưới vòm thạch thảo/ Muốn kết tình bằng trang nhớ ngàn chương". Hay là: "Em gặp lại mình trên con dốc chiều nay/ Biết còn nợ chiếc khăn len ngày cũ" (Giấc mơ em). 

Những câu thơ trên đây cho thấy, đối với nhà thơ, ngoài cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp ra, Đà Lạt còn là pho tình sử, là những kỷ niệm một thời không thể nào quên. Vì thế, chùm thơ về Đà Lạt đi đến cái kết thật đắc: "Đà Lạt đêm nay/ Đà Lạt thật hiền/ Da em ngọc cứ bừng lên lửa thức" (Đà Lạt đêm). Và ngọn "lửa thức" này đã sưởi ấm chúng ta, những đứa con của núi mẹ rời xa đại ngàn...

Nếu "Đà Lạt thật hiền" mang vẻ đẹp thiên đường của vùng ôn đới, thì thơ của Triệu Kim Loan mang vẻ đẹp của một tâm hồn thiện lương, nhạy cảm và lãng mạn mà tập thơ "Đối thoại đêm" của chị đã mang lại. Trong đó, câu slogan đặc biệt hay là: "Em - đàn bà - ký thác nhớ lên môi".

Trang viết gọi tên Đà Lạt, là tất cả những yêu thương mà một nhà thơ nữ đã viết lên trang thơ đời mình...