Đà Lạt thành phố ngàn hoa, nơi hòa quyện giữa cảnh sắc tươi đẹp và con người hiền hòa, mến khách. Với những ưu ái được thiên nhiên ban tặng, Đà Lạt không chỉ là điểm đến du lịch nổi tiếng mà còn là miền đất khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, một phim trường độc đáo của điện ảnh Việt Nam.
Phim truyện Ván bài lật ngửa bối cảnh quay tại Đà Lạt |
Trong lịch sử 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, Đà Lạt như một phim trường rộng lớn mang vẻ đẹp riêng biệt của một miền đất mộng mơ, hoang dã, tươi đẹp. Chưa ai thống kê được có bao nhiêu bộ phim lấy bối cảnh quay ở Đà Lạt, nhưng người xem phim luôn ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của miền đất này mỗi khi hiện lên màn hình khung cảnh rừng thông bạt ngàn, biệt thự cổ bên đồi, hồ nước với cỏ cây mướt mát, trập trùng núi đồi, hoa trái... không thể lẫn vào đâu được.
Với độ cao 1.500 m so với mực nước biển, Đà Lạt - thành phố ôn đới giữa miền nhiệt đới có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, hệ động thực vật phong phú, địa hình, địa chất khí hậu với núi, đồi, hồ, thác đã níu chân bao du khách. Đà Lạt chứa trong mình 3 di sản thế giới (Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang) cùng 37 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kho tàng di sản kiến trúc với hơn 3.000 biệt thự Pháp, 116 khu du lịch điểm tham quan tiêu biểu. Văn hóa, con người, khí hậu, cảnh quan đã làm nên một Đà Lạt có sức hấp dẫn đặc biệt.
Đà Lạt trong phim Chuyến đi của thanh xuân |
Một phim trường rộng lớn ở từng góc phố, mái hiên nhà, bờ cỏ, tường hoa, ta luy đá, những rừng thông, hồ, thác... lia máy góc nào cũng tạo nên hình ảnh không góc chết, mang dấu ấn vẻ đẹp hoang sơ, di sản, danh thắng, kiến trúc, bản sắc văn hóa dân tộc bản địa.
Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã tiếp nhận và tạo điều kiện cho hàng trăm đoàn làm phim chọn bối cảnh của Lâm Đồng để thực hiện các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, ca nhạc tạo nên nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Tháng năm rực rỡ, 100 ngày bên em, Dốc tình, Mùi oải hương năm ấy, Ống kính sát nhân, Em và Trịnh, Chuyến đi của thanh xuân...
Xem phim, khán giả sẽ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp hoang sơ của rừng thông cao vút ẩn hiện những ngôi biệt thự cổ và những đồi hoa dại trải rộng ra mênh mông trong phim Gió thiên đường (đạo diễn Lâm Lê Dũng - 2005). Khán giả cũng không khỏi xao xuyến trước cảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nắm tay người mình yêu nhảy trên những bậc thang trên con dốc hướng ra hồ Xuân Hương ở đường Trần Hưng Đạo như nhảy một điệu valse trên những phím đàn trong buổi chiều tà trong phim Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - 2022). Càng không thể không ám ảnh bởi những mùa phượng tím trải đầy trên đất, những mùa bồ công anh nhuộm vàng rực bờ cỏ xanh, rực rỡ cẩm tú cầu trong những bộ phim 100 ngày bên em (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng - 2018), Khi yêu đừng quay đầu lại (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh - 2009), Vali tình yêu (đạo diễn Lê Quang Thanh Tâm, Hoàng Bùi - 2017)...
Các tác phẩm điện ảnh ghi lại sống động thời khắc trong ngày, những mùa trong năm, mùa hoa tươi đẹp, vạt đồi, rừng thông, hình ảnh đỏ - vàng của bầu trời buổi hoàng hôn, ô cửa sổ biệt thự tĩnh lặng bên giàn hoa, làn khói tỏa ra từ bánh trứng nướng, bánh căn bên vỉa hè... đã mang Đà Lạt đi xa, quảng bá vẻ đẹp của mảnh đất, con người nơi này đến bè bạn khắp thế giới. Có quá nhiều du khách đã tìm đến Đà Lạt chỉ để được đi qua những rừng thông, những đồi hoa, ngồi dưới khung cửa sổ ngôi biệt thự cổ mà nhân vật trong phim đã từng đi qua, đã từng ngồi.
Với khẳng định điện ảnh góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển du lịch; UBND tỉnh cùng ngành Văn hóa đã dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Đà Lạt - Lâm Đồng xây dựng các phim trường lớn, ưu đãi các nhà làm phim đến ghi hình, lấy bối cảnh. Theo thống kê, chỉ trong năm 2022, Đà Lạt - Lâm Đồng đón 130 đoàn làm phim.
Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIII, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành tiêu chí trao giải thưởng “Lâm Đồng - Cao nguyên hùng vĩ” cho bộ phim xuất sắc có bối cảnh quay tại Lâm Đồng - Đà Lạt đã thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt đối với sự phát triển điện ảnh nước nhà. Qua hoạt động này, tỉnh mong muốn các nhà làm phim tiếp tục xây dựng ý tưởng nội dung, không ngừng sản xuất những bộ phim hay về miền đất tươi đẹp này góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của đất và người Lâm Đồng đến với công chúng.
Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng bày tỏ: “Lâm Đồng không giàu có xa hoa tráng lệ về kinh tế, nhưng giàu có về văn hóa. Chúng tôi coi những đoàn làm phim như những du khách đến Đà Lạt, đã là khách thì được tiếp đón tử tế, được tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ để các nhà làm phim hoàn thành những cảnh quay. Người ta thường gọi các đoàn làm phim là “đoàn làm phiền” như cách nói của đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh, nhưng chúng tôi mong được... làm phiền. Chúng tôi tự hào vì được các đoàn làm phim làm phiền. Rất mong các đoàn làm phim về với Đà Lạt để làm phiền chúng tôi nhiều hơn nữa”.
Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn chia sẻ: “Tôi rất cảm động trước tình cảm chính quyền, nhà quản lý văn hóa và Nhân dân Lâm Đồng dành cho các đoàn làm phim, cho các nhà sáng tạo điện ảnh. Lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được những hành động ấm áp, nghĩa tình đối với những người làm phim. Sắp tới có những dự án phim, tôi sẽ trở lại Đà Lạt trong nhiều cảnh quay”.
Cùng với cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, mảnh đất, con người Đà Lạt mãi là phim trường lớn, là nơi khơi nguồn cảm hứng bất tận cho nền điện ảnh Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin