Lâm Hà: Miền đất đa sắc màu văn hóa

THÂN HIỀN - HƯƠNG LY 06:18, 03/11/2023

Trải qua 36 năm hình thành và phát triển, huyện Lâm Hà được biết đến là vùng đất hiền hòa và tràn đầy nhựa sống. Với hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống, người dân nơi đây không chỉ đoàn kết phát triển kinh tế, mà họ còn đồng hành cùng nhau lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam.

Bao đời nay, các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho tại huyện Lâm Hà luôn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống
Bao đời nay, các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho tại huyện Lâm Hà luôn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống

• VANG MÃI TIẾNG CỒNG CHIÊNG

Cồng chiêng - được ví như linh hồn của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Bao đời nay, những nghệ nhân, già làng vẫn luôn miệt mài, tâm huyết để truyền dạy cho con cháu kế thừa, phát huy.

Nghệ nhân K’Thế nói với chúng tôi: Thay vì lời nói, cồng chiêng mang âm hưởng của người Tây Nguyên với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hoà, cầu mong sức khoẻ cho mọi người... Cụ thể, cồng chiêng xuất hiện trong sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là trong những dịp quan trọng như đám cưới, mừng lúa mới, mừng nhà mới, đặt tên cho con, xỏ tai cho con...

Nhưng để cồng chiêng đi cùng năm tháng với bà con và vang mãi nơi núi rừng cao nguyên, nghệ nhân K’Thế tâm tình: “Bởi lẽ, các thế hệ trước đã về với ông bà, tổ tiên nên các già làng, nghệ nhân muốn lưu truyền để gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Tuy nhiên, cồng chiêng đang dần mai một bởi thế hệ trẻ về sau này không còn mặn mà. Để tụi nhỏ thấu hiểu và cùng các già làng, nghệ nhân lưu giữ, chúng tôi đã trao truyền cho thế hệ kế cận bằng cả tâm huyết và sức lực. Thời gian tới, chúng tôi cũng mong Đảng, Nhà nước, chính quyền tạo điều kiện tổ chức các đợt giao lưu văn hóa văn nghệ, thành lập nhiều câu lạc bộ hơn nữa để bà con tìm lại cội nguồn và gìn giữ các bản sắc văn hóa dân tộc mình”. 

Để minh chứng cho điều đó, những năm qua, UBND huyện Lâm Hà đã xây dựng kế hoạch, thành lập nên một số câu lạc bộ nhằm phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam tại địa phương. Bà Chế Phương Nam - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Hà cho biết: “Trên vùng đất mới Lâm Hà hôm nay, ngoài phát triển kinh tế tại địa phương, thì các thể loại văn hóa của các vùng, miền được hội tụ về đây từ khi huyện được thành lập như văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa (tiêu biểu là dân tộc K’Ho), nhóm dân tộc phía Bắc (tiêu biểu là Thái, Tày), và nhóm dân tộc Kinh (đại diện là đồng bằng Bắc Bộ). Tại các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã thành lập nhiều Câu lạc bộ Dân ca quan họ, Hát then - đàn tính cũng như các Câu lạc bộ Cồng chiêng thường xuyên hoạt động và tổ chức giao lưu trong và ngoài huyện với nhau. 

CÓ MỘT HÀ NỘI TRÊN CAO NGUYÊN

Ở Lâm Hà, người dân không chỉ nghe được âm vang cồng chiêng mỗi khi có ngày lễ lớn, dịp Tết hay ngày đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho, mà nét văn hóa truyền thống của đất Bắc vẫn đang từng ngày, từng giờ hiện hữu, trên cao nguyên vẫn nồng nàn hơi thở của Thủ đô Hà Nội. Đó là các giá trị văn hóa qua những lời ca, tiếng hát được những người con xa quê “gói ghém” và xem như một phần ký ức, tài sản vô giá của người xưa để lại. 

 Trong chuyến công tác của đoàn Thành ủy Hà Nội vào thăm và làm việc với huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đã khẳng định, vùng đất Lâm Hà trước đây, bây giờ và mãi về sau được xem là một quận, huyện thứ 31 của Hà Nội. Chính vì lẽ đó mà Hà Nội sẽ sát cánh, đồng hành và có những chính sách hỗ trợ để Lâm Hà ngày càng phát triển. 

Trên phương diện hợp tác ấy, đồng chí nhắc tới câu chuyện để lưu giữ và phát huy những giá trị cốt lõi của người Hà Nội trên vùng đất Nam Tây Nguyên; trong đó gắn liền với những ca khúc, làn điệu dân ca... Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, sẽ cần phải có Ngày Hà Nội tại Lâm Đồng và Ngày Hà Nội tại Lâm Hà. Và sẽ thống nhất một năm, có tính toán cụ thể để đưa những đoàn nghệ thuật vào Lâm Hà biểu diễn. Vì nhiều năm nay, bà con tại Lâm Hà chưa được nghe những làn điệu quê hương như hát chèo Đông Thanh, Gia Lâm... Gọi Ngày Hà Nội ở đây là phải gắn với văn hoá và xúc tiến đầu tư cho Lâm Hà.

Mang âm hưởng quê hương miền Bắc vào Lâm Đồng, cô Trịnh Thị Quynh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Lâm Hà chia sẻ: “Mục đích các cô thành lập Câu lạc bộ Dân ca là để thoả mãn lòng đam mê được nghe và hát dân ca từ các làn điệu khác nhau, từ đó lan toả đến mọi người, đặc biệt là lớp thế hệ trẻ nhằm gìn giữ các giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc. Câu lạc bộ của chúng tôi có rất nhiều màu sắc về dân ca. Ví dụ như ngoài việc tập luyện các bài dân ca cổ, tôi còn hay đặt lời, bẻ chữ để ca ngợi quê hương Lâm Hà và quê hương đất nước trong mỗi dịp trọng đại. Qua đó, những thành viên trong câu lạc bộ mong muốn lan toả đến mọi người, đặc biệt là lớp trẻ cần phải hiểu và yêu thích để lưu truyền cho sau này”.

Bà Chế Phương Nam cho biết: “Hằng năm, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá và bảo tồn văn hoá các dân tộc như Liên hoan dân ca huyện Lâm Hà, Liên hoan cồng chiêng và các buổi giao lưu giữa các câu lạc bộ trong toàn huyện... Vừa qua, UBND huyện cũng đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đăng cai Ngày hội Văn hoá các dân tộc được tổ chức định kỳ 5 năm 1 lần. Mặc dù có hai nền văn hóa truyền thống khác nhau, tuy nhiên khi họ sinh sống, cùng chung một “dòng chảy”, tất cả đã hòa quyện để hình thành một Lâm Hà với nền văn hóa đậm đà bản sắc nơi vùng đất Nam Tây Nguyên”.