Là cán bộ hưu trí, niềm vui xuyên suốt của ông là sưu tầm những nông cụ xưa cũ của làng quê Việt; sử dụng khả năng hội họa để vẽ Bác Hồ kính yêu, tranh cổ động, non nước hữu tình và chắp cánh giấc mơ cho thế hệ trẻ ở huyện nhà qua cọ vẽ, qua từng gam màu. Ông là Trương Thái Anh Quốc (sinh năm 1959), nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đạ Tẻh, hiện đang sinh sống tại TDP 5B, thị trấn Đạ Tẻh.
Ông Trương Thái Anh Quốc bên những nông cụ của làng quê Việt Nam |
Ngôi nhà nhỏ, được ông Trương Thái Anh Quốc sắp xếp, bố trí như một nơi lưu giữ các nông cụ xưa cũ của làng quê Việt Nam. Từng có thời gian công tác ở ngành văn hóa - thông tin của huyện; những tháng ngày thanh xuân ông đã đau đáu niềm mơ ước lưu giữ niềm quê da diết với các nông cụ. Đi, được đi; những chuyến công tác, những lần về thăm quê ông đều bỏ công sức, thời gian, tiền bạc để sưu tầm.
Ông Quốc tâm sự: “Mỗi người trong ta đều có một quê hương, một nỗi nhớ da diết làng quê Việt Nam thanh bình, nơi cha ông ta đã bao đời mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày để những bông lúa nặng hạt, những ruộng đồng ngô, khoai xanh ngát một màu. “Ôn cố để tri ân” là suy nghĩ của cá nhân tôi, nghĩa là nhớ những cái xưa cũ để cám ơn cha ông đã dày sức gầy dựng nên ngày hôm nay; đã nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta nên người, làm việc có ích cho xã hội”.
Ngôi nhà hoài niệm của ông có rất nhiều nông cụ của ruộng đồng, làng quê Việt Nam. Tiêu biểu như cày chìa vôi, cày số 51, gàu tát nước, cái hái gặt lúa, cối xay lúa, máy dên lúa, xe đạp nước, bừa răng, nơm bắt cá, giỏ đựng cá và nhiều vật dụng liên quan đến đời sống của cư dân là nón lá, đèn măng sông, trái bầu đựng rượu...
Không chỉ sưu tầm, là một người từng làm công tác văn hóa nên ông rất am hiểu và giải thích tường tận về gốc tích, công dụng của từng loại nông cụ, sự khác biệt nông cụ giữa các vùng, miền.
Điển hình như cày số 51 dùng để cày ruộng nước, cày có lưỡi được nông dân ta làm lệch tâm để khi cày từng thớ đất của ruộng lúa nước sẽ lật ngược lại, cỏ dại bị lấp, đất mới nổi lên. Cày chìa vôi là một loại cày dùng để cày đất khô trồng khoai, sắn... cày có lưỡi thẳng nên khi cày đất sẽ dồn ra hai bên, tạo thành những luống đất dày dặn, tạo cho cây trồng có môi trường để sinh trưởng, phát triển và hình thành củ từ rễ phình to ra.
Hay, quá trình để tạo thành hạt gạo được ông Trương Thái Anh Quốc sưu tầm thành một câu chuyện qua các nông cụ ở ngôi nhà của mình. Trên ruộng đồng quê hương, nông dân ta sử dụng cày chìa vôi để lật giở từng thớ đất, dùng bừa làm cho đất tơi xốp kết hợp làm sạch cỏ dại; gieo hạt đến ngày bông lúa cúi mặt rồi dùng hái để gặt lúa. Lúa được đập lấy hạt sau đó phơi khô, dùng máy dên lúa (máy tách hạt lúa đạt chuẩn và lúa lép, lúa non chạy bằng sức gió). Hạt lúa sau đó được dùng cối xay lúa để tách vỏ và hạt, rồi nông dân sử dụng mẹt dên lúa để phân loại những hạt gạo chuẩn và hạt bị sứt mẻ. Và, những nông cụ để làm ra hạt lúa ngọc ngà đang được lưu giữ ký ức tại ngôi nhà hoài niệm của ông Trương Thái Anh Quốc.
Không chỉ sưu tầm nông cụ của làng quê, nông thôn Việt Nam; ông còn sưu tầm nhiều nông cụ của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là người Mạ sống tại mảnh đất Đạ Tẻh như tù và, máy quay sợi dệt vải, cối, chày dã gạo... Qua đó, góp phần lưu giữ nét đẹp đời sống thường ngày của đồng bào DTTS sinh sống nơi miệt Nam Tây Nguyên.
Ngoài niềm vui sưu tầm nông cụ, ông Trương Thái Anh Quốc còn có một niềm đam mê cháy bỏng với hội họa. Ngày còn là cán bộ ngành văn hóa, ông thường xuyên vẽ tranh cổ động ở huyện nhà về các đề tài phát triển kinh tế - xã hội. Những năm tháng hưu trí, ông càng có điều kiện về thời gian để vẽ tranh. Đề tài ông tâm đắc nhất đó chính là vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với những bức tranh về sự giản dị của Bác Hồ trong lối sống. Một đề tài khác mà ông hay vẽ chính là phong cảnh quê hương, nét đẹp mộc mạc của làng quê.
Là một cán bộ hưu trí, là một đảng viên nên ông Trương Thái Anh Quốc luôn lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi việc làm của mình. Qua đó, tự nhắc nhở bản thân, con cháu phải luôn luôn cố gắng, phấn đấu cả trong công tác, học tập cũng như đời sống thường ngày để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Ông Trương Thái Anh Quốc luôn chọn cho mình lối sống giản dị, gần gũi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ông làm những việc nhỏ bé để lưu giữ ký ức, nét đẹp của nông dân, nông thôn Việt Nam và tích cực tham gia các hoạt động cùng thanh niên và đồng hành cùng những học sinh địa phương có năng khiếu, đam mê về hội họa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin