Nỗ lực giữ gìn âm điệu đàn tính, hát then

NHẬT QUỲNH 05:54, 13/11/2023

Sinh ra ở bản Tày, lớn lên cùng âm điệu của đàn tính và câu hát then, tình yêu văn hóa dân tộc cứ thế không ngừng tuôn chảy trong chàng trai người Tày - Nông Văn Nghĩa (sinh năm 1985), xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Cũng từ tình yêu đó, suốt nhiều năm qua, anh luôn nỗ lực giữ gìn những âm điệu bản sắc của dân tộc mình. 

Anh Nghĩa luôn tâm huyết giữ gìn
âm điệu đàn tính, hát then
Anh Nghĩa luôn tâm huyết giữ gìn âm điệu đàn tính, hát then
TỪ ĐAM MÊ…

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng), nổi tiếng với những âm điệu đàn tính, hát then, từ nhỏ, những âm thanh mượt mà, ấm áp của âm nhạc dân tộc đã sớm gieo vào anh niềm đam mê mãnh liệt. Anh Nghĩa tâm sự, mỗi lần nghe tiếng đàn tính trầm bổng, mượt mà hòa cùng làn điệu hát then ngọt ngào, sâu lắng, anh lại đắm chìm trong không gian yên bình, êm đềm của núi rừng Tây Bắc. 

Từ niềm yêu thích đó, dù điều kiện còn khó khăn, khi còn nhỏ, anh đã tìm cho mình một cây đàn tính và luyện tập đàn, hát. Tập luyện bằng sự say mê và kiên trì, năm 12 tuổi, anh đã biết đánh đàn tính và hát những bài hát then quen thuộc. Đến năm 2011, khi phải rời quê hương vào Đồng Nai lập nghiệp, anh vẫn luôn mang theo cây đàn bên mình. Anh tâm sự: “Ban đầu, tôi học đàn vì sở thích, nhưng càng đàn, càng hát lại càng mê. Những âm điệu mượt mà của đàn tính, hát then không chỉ hay mà còn có sự cuốn hút lạ kỳ”. Làm công nhân xa quê, công việc vất vả, tiếng đàn tính, hát then như người bạn đồng hành. “Tôi chơi đàn mọi lúc, mọi nơi, những lúc mệt mỏi hay rảnh rỗi, tôi đều lấy đàn ra ca hát. Âm thanh của đàn tính và làn điệu hát then giúp xoa dịu những mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống”, anh nói. 

Dù cuộc sống vất vả, nhưng niềm say mê với đàn tính, hát then vẫn luôn âm ỉ trong anh. Để sống với đam mê của mình, anh Nghĩa tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) Đàn tính, hát then của Hội Tày, Nùng khu vực phía Nam. Tham gia CLB, anh cùng với những người chung sở thích đi biểu diễn ở nhiều nơi, được thỏa sức sống với đam mê của mình. Nói về đàn tính, hát then, anh cho biết, theo quan niệm dân gian, then có nghĩa là thiên (tức là “trời”). Hát then là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như múa, đàn, hát... Còn đàn tính là loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày, có âm thanh mượt mà, ấm áp. Với người Tày, Nùng, đàn tính, hát then có mặt trong mọi hoạt động đời sống hằng ngày, từ lễ, tết, cưới hỏi, hội làng, trai gái tìm hiểu nhau, đến lao động sản xuất, gia đình có chuyện buồn phiền... Chính vì vậy, với người Tày, đàn tính, hát then như một “món ăn tinh thần” không thể thiếu. 

...ĐẾN NỖ LỰC GIỮ GÌN  

Từ niềm đam mê, yêu thích với đàn tính, hát then, anh Nghĩa luôn trăn trở với việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Năm 2018, anh rời Đồng Nai đến Thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm lập nghiệp. Là thôn có đa số người Tày, Nùng sinh sống, thế nhưng, trong hoàn cảnh xa quê với bộn bề lo toan, những âm điệu của đàn tính, hát then không còn mấy hiện diện trong đời sống của người Tày, Nùng nơi đây. “Đàn tính, hát then không chỉ đơn thuần là âm nhạc cổ truyền mà còn gắn với tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng. Do vậy, càng không được để đàn tính, hát then bị mai một”, anh nói. Để vực dậy tình yêu và trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa ở địa phương, anh Nghĩa chủ động tham gia vào CLB Đàn tính, hát then của xã Lộc Ngãi và nhiệt tình truyền dạy, chia sẻ những kỹ thuật, kinh nghiệm của mình cho các thành viên trong CLB. Nhờ sự tâm huyết và nhiệt tình của anh, đến nay, 24 thành viên của CLB Đàn tính, hát then xã Lộc Ngãi đều biết hát và đánh đàn tính thành thạo. 

Để những làn điệu then Tày luôn vang vọng, ngoài việc tự tập luyện với nhau, CLB Đàn tính, hát then xã Lộc Ngãi còn tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các thành viên và với các CLB khác. Anh Nghĩa cho biết, từ khi thành lập đến nay, CLB đã giao lưu biểu diễn ở huyện Lâm Hà, TP Đà Lạt, một số xã của huyện Bảo Lâm cũng như tham gia biểu diễn tại nhiều hội thi, lễ hội trong huyện và tỉnh. Quyết tâm khơi dậy tinh thần tự hào văn hóa dân tộc, ý thức giữ gìn âm nhạc cổ truyền của người Tày, anh Nghĩa thường xuyên sưu tầm, tìm kiếm các điệu hát then cổ của dân tộc mình và truyền dạy lại những lời then và cách đánh đàn cho thế hệ trẻ và những người có chung niềm đam mê với đàn tính, hát then ở thôn, xã. Từ những nỗ lực của anh, phong trào biểu diễn đàn tính, hát then ở Lộc Ngãi dần trở nên sôi nổi hơn, những làn điệu dân ca của người Tày, Nùng cũng nhờ đó mà tiếp tục vang vọng, không bị mai một trên vùng đất mới.