Yêu thêm văn hóa dân tộc qua trang phục truyền thống

VIỆT QUỲNH 05:51, 13/11/2023

Mang lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc, những chàng trai, cô gái K’Ho, Churu, Mạ, Tày, Nùng,... lại bừng lên nét đẹp kiêu hãnh, tự hào. Yêu tấm thổ cẩm bà dệt, yêu tấm áo mẹ may để yêu cả dặm dài truyền thống quý báu của dân tộc.

Các bạn trẻ với vẻ đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình
Các bạn trẻ với vẻ đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình

Với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, vùng đất Lâm Đồng thấm đẫm văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú. Việc kế thừa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đó đang được tuổi trẻ các địa phương thực hiện qua nhiều hành động cụ thể.

Tháng 10 vừa qua, trang phục của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có dịp khoe sắc cùng nhau tại Hội thi Thanh niên với trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam, do Tỉnh Đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức. Tại Vòng chung kết, 14 cặp thí sinh đã biểu diễn trang phục truyền thống của mình trên sân khấu, đồng thời, thuyết trình về những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, ý nghĩa của trang phục truyền thống và truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa. Những bộ trang phục được biểu diễn lồng ghép vào các hoạt cảnh tái hiện các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, sinh hoạt hàng ngày, kết hợp với thổi khèn, thổi sáo, đánh chiêng, đánh đàn... tạo nên một bức tranh sống động, tươi vui và nhiều màu sắc. Mỗi bạn trẻ đều bừng lên sự kiêu hãnh, tự hào và tình yêu của mình khi khoác lên bộ trang phục truyền thống của dân tộc.

Với phần thể hiện xuất sắc, lôi cuốn, hai thí sinh Dư Trung Tính - Thào Thị Hoàng Trinh đến từ xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm đã giành giải Nhất của Hội thi. Các em không chỉ mang đến những bộ trang phục đầy màu sắc của người H’Mông, mà còn giới thiệu cảnh đẹp thiên nhiên của huyện Bảo Lâm trong đoạn video giới thiệu, và cả những điệu múa vui tươi trong ngày hội xuân. Hoàng Trinh nói rằng, hàng năm, vào ngày mồng 6 Tết âm lịch, cộng đồng người H’Mông nơi các em sống đều tổ chức lễ hội mùa xuân với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng màu sắc như văn hóa, văn nghệ, ném coòng, múa khèn,... Nhờ đó, các em không chỉ được mặc những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, mà còn được tìm hiểu văn hóa truyền thống. Những bộ trang phục không chỉ thể hiện văn hóa, mà còn thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, cần cù, sáng tạo và trí tưởng tượng của người phụ nữ. Cô gái H’Mông chia sẻ: “Chúng em ý thức rằng một trong những cách để giữ gìn văn hóa là cần truyền bá rộng rãi để mọi người biết đến. Do đó, thanh niên H’Mông thời nay không chỉ trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn biết tận dụng công nghệ 4.0 để chia sẻ, quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp trong văn hóa truyền thống đến bạn bè bốn phương thông qua các nền tảng mạng xã hội”.

Cũng trong khuôn khổ Hội thi Thanh niên với trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam là triển lãm trang phục, dụng cụ sinh hoạt, sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc. Xinh đẹp trong bộ váy áo của dân tộc Thái, cô giáo Vì Thị Thúy đến từ huyện Lâm Hà tự hào giới thiệu đến các bạn trẻ những nét đặc trưng trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Vẫn có màu đen chủ đạo và điểm nhấn là hàng cúc bạc trên áo, vẫn kèm dây thắt lưng khác màu, nhưng kiểu dáng đã có sự cách tân để phù hợp và tiện dụng hơn. Cô Thúy thường xuyên mặc khi đi dạy hay tham gia các ngày lễ ở trường, ở thôn. Cô cho hay: “Thái là dân tộc đặc trưng của Tây Bắc. Cộng đồng người Thái ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà,... khá đông. Tôi rất vui khi vào Lâm Đồng, đến nay, không chỉ trang phục truyền thống mà các điệu múa xòe, làn điệu dân ca vẫn được chúng tôi giữ gìn và biểu diễn”.

Hội thi Thanh niên với trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ, đồng thời tôn vinh, giúp đoàn viên, thanh niên hiểu biết hơn, trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa nói chung cũng như trang phục, phong tục truyền thống nói riêng. 

Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Du lịch tỉnh cho biết: “Lâm Đồng là một địa phương đa dân tộc, đa văn hóa. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống riêng có trên vùng đất Nam Tây Nguyên không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành văn hóa, mà còn có vai trò rất quan trọng của thế hệ trẻ. Vì chính các bạn sẽ là thế hệ kế thừa, tiếp nối, trao truyền các giá trị văn hóa Nam Tây Nguyên. Vấn đề ở đây không chỉ là giữ gìn, mà các bạn trẻ hiện nay còn đang tiếp nối một cách rất linh hoạt, sáng tạo, đi đúng với dòng chảy của văn hóa Nam Tây Nguyên. Từ đó tạo sự đột phá, sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung để tìm hiểu nhiều hơn các giá trị văn hóa”.

Nhận thức được điều này, các bạn trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực liên kết thành lập các tổ hợp tác để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình như nghề dệt thổ cẩm, nghề nấu rượu cần, đan lát... Ngoài gìn giữ những nét đẹp truyền thống, các bạn trẻ còn không ngừng sáng tạo để sản phẩm làm ra thêm đẹp mắt và chất lượng sản phẩm ngày càng nâng lên. Anh Ndu Ha Biên - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho rằng, các bạn trẻ sẽ là những người kế thừa, duy trì và phát triển các trang phục truyền thống cũng như văn hóa của dân tộc nói chung, tạo nền tảng để phát huy tính đa dạng bản sắc văn hóa. “Để tuổi trẻ phát huy được vai trò của mình, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn - Hội trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời gian tới, Tỉnh Đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sân chơi hơn nữa cho tuổi trẻ các dân tộc tỉnh nhà có môi trường, sân chơi lành mạnh để tìm hiểu, giao lưu. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, cơ quan trong toàn tỉnh đồng hành trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp” - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn khẳng định.