Để giữ gìn và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, những nghệ nhân người Mạ ở huyện Cát Tiên đã chuyển sang dùng các loại sợi màu tổng hợp công nghiệp; đồng thời, nghiên cứu kết hợp các dải họa tiết, hoa văn thổ cẩm với những chất liệu vải thông thường để cho ra đời các mẫu trang phục vừa truyền thống vừa hiện đại, có thể mặc hàng ngày.
Chị em phụ nữ xã Đồng Nai Thượng tham gia các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm |
Bao đời nay, cùng với các lễ hội truyền thống, dệt thổ cẩm cũng là niềm tự hào đồng bào dân tộc Mạ sinh sống trên địa bàn huyện Cát Tiên. Tại Thôn 6, xã Tiên Hoàng - là thôn chủ yếu có bà con đồng bào dân tộc Mạ sinh sống với 52 hộ, 187 nhân khẩu được các cấp và các cơ quan, đơn vị trong huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống nói riêng và văn hóa truyền thống của dân tộc Mạ nói chung. Đặc biệt, năm 2023, Thường trực HĐND xã Tiên Hoàng đã xây dựng mô hình dân vận khéo, vận động, khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho bà con dân tộc Mạ ở Thôn 6, xã Tiên Hoàng.
Là người trực tiếp tham gia truyền nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ trong thôn, bà Điểu Thị Cha rất phấn khởi khi văn hóa dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc được chính quyền địa phương quan tâm khôi phục, lưu giữ, bảo tồn. Bà chia sẻ, từ những đôi bàn tay tỉ mẩn, khéo léo của phụ nữ người Mạ, không chỉ khố, váy, mà nhiều sản phẩm thổ cẩm với mẫu mã đa dạng, đẹp mắt cùng nhiều công dụng khác như tấm đắp, túi xách, đồ dùng trang trí,... lần lượt được ra đời. Thổ cẩm không chỉ là những sản phẩm thô sơ, mà còn là sự kết hợp khéo léo về màu sắc, hoa văn và còn là bức tranh thật sống động về nét văn hóa của người Mạ. Và, người Mạ cũng chỉ trình diện trong những ngày lễ, tết và sự kiện trọng đại của địa phương, đất nước. “Ngày hôm nay thấy những phụ nữ trẻ trong thôn đã biết dệt và yêu mến nghề hơn, mình thấy rất vui” - bà Điểu Thị Cha nói.
Với sự chỉ dạy tận tình, nhiệt huyết của các bà, các mẹ trong thôn, từ cách chọn chỉ, phối chỉ, se chỉ đến các bước để dệt hoàn thành một số sản phẩm truyền thống, chị Điểu Thị Mai, một phụ nữ trẻ ở Thôn 6, xã Tiên Hoàng đã biết dệt. Các sản phẩm thổ cẩm do chính tay chị dệt là cả trái tim và tình yêu nghề, tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số họa tiết, hoa văn chưa ưng ý, nhưng chị rất vui, tự hào vì mình đã đóng góp một phần công sức vào việc khôi phục và duy trì nghề dệt truyền thống.
Ông Đào Văn Đại - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Hoàng cho biết, để triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo, Thường trực HĐND xã Tiên Hoàng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con khôi phục, lưu giữ nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt, vận động các bà, các mẹ biết nghề tích cực truyền lại cho con, cháu. Đồng thời, địa phương đã trích kinh phí hỗ trợ sợi dệt, khung se chỉ, khung dệt... để cho bà con có đủ điều kiện duy trì và khôi phục nghề dệt truyền thống. Mặt khác, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm để bà con có thu nhập từ chính nghề truyền thống của mình. Từ đó, bà con sẽ có thêm động lực gắn bó với nghề và giữ gìn những giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần khôi phục, lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mạ tại địa phương.
Trong khi đó, tại xã Đồng Nai Thượng, một trong những địa phương có đông đồng bào người Mạ sinh sống, từ lâu, người dân cũng đã có truyền thống tự nhuộm vải và dệt thổ cẩm. Chị Điểu Thị Prợt - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng chia sẻ: Tại xã Đồng Nai Thượng, hầu hết những người phụ nữ lớn tuổi người Mạ nào trong xã cũng đều biết nghề dệt thổ cẩm và tự bao giờ đã trở thành một nét riêng của dân tộc, tồn tại qua bao thế hệ. Để bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương, UBND xã Đồng Nai Thượng đã đứng ra thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm, vừa tạo điều kiện cho chị em làm, vừa là giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch trong và ngoài nước, vừa lưu giữ và truyền nghề cho lớp trẻ.
Bên cạnh đó, nhằm phát triển nghề dệt thổ cẩm tại xã Đồng Nai Thượng, những năm qua, Huyện Đoàn Cát Tiên cũng đã phối hợp với các phòng, ban chức năng và chính quyền địa phương tổ chức 6 lớp đào tạo kỹ thuật đan dệt thổ cẩm cho 155 phụ nữ tham gia. Tham gia các lớp học này, giúp cho học viên các kỹ thuật đan, nâng cao kỹ năng đan, dệt, may trình bày hoa văn và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, Huyện Đoàn Cát Tiên cũng phối hợp với Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thổ cẩm Cát Tiên mua 5 mẫu sản phẩm mới để cung cấp cho bà con nghiên cứu, ứng dụng và sáng tạo thêm các sản phẩm khác; mua thêm các dụng cụ đan dệt thổ cẩm; trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm tại các trung tâm thương mại, hội chợ, sự kiện của tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận.
Theo chị Điểu Thị Prợt, để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, cần phải có sự cải tiến sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng phải bảo đảm lưu giữ được giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo động lực khuyến khích, hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường tại các điểm du lịch, thiết lập các địa điểm hay gian hàng bán lẻ thổ cẩm…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin