“Đội chiêng nhí” bên dòng Đạ Đờng

LÊ TRỌNG 06:30, 25/12/2023

Ở Lâm Đồng, hàng trăm đội cồng chiêng đã và đang đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tại địa phương. “Đội chiêng nhí” ở huyện Lâm Hà vừa ra đời và đi vào hoạt động được xem như những “cánh tay nối dài” để tiếng chiêng mãi ngân vang, góp thêm những sắc màu trẻ trung và tươi mới trên mảnh đất giàu bản sắc Nam Tây Nguyên. 

Đội chiêng nhí cùng tác giả tại không gian nhà sàn của gia đình Nghệ nhân Ưu tú K’Bes
"Đội chiêng nhí" cùng tác giả tại không gian nhà sàn của gia đình Nghệ nhân Ưu tú K’Bes

RẰM TRUNG THU… RỘN RÀNG TIẾNG CHIÊNG!

Đúng 15 giờ ngày Rằm Trung thu 2023, chúng tôi đã có mặt tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà theo như lịch hẹn. Nghệ nhân Ưu tú K’Bes - Lái xe của Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện đưa chúng tôi đến thăm “Đại bản doanh” của “Đội chiêng nhí” tại nhà riêng của Nghệ nhân Ưu tú K’Chung ở thôn Tân Lin, xã Tân Văn. Trước mắt chúng tôi là một khoảng sân rộng của gia đình Nghệ nhân Ưu tú K’Chung rộn ràng những thanh âm. Đây là nơi mà suốt gần 2 tháng qua, các nghệ nhân ưu tú đồng bào K’Ho Srê của buôn làng đã dành thời gian truyền dạy những bài chiêng “vỡ lòng” cho các thế hệ con cháu nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc trưng của đồng bào mình, để tiếng chiêng mãi reo vui và ngân vang bên dòng sông Đạ Đờng huyền thoại.

Qua tìm hiểu, được biết lớp truyền dạy cồng chiêng này do Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng chủ trì phối hợp cùng với UBND huyện Lâm Hà, Phòng Văn hoá - Thông tin huyện và xã Tân Văn chính thức triển khai từ đầu tháng 8/2023. Lớp truyền dạy cồng chiêng do Nghệ nhân Ưu tú K’Chung, Nghệ nhân Ưu tú K’Bes và nghệ nhân K’Ken đảm trách được biên chế thành 2 đội chiêng: 1 “Đội chiêng nhí” nam và 1 “Đội chiêng nhí” nữ với 14 thành viên là con em đồng bào K’Ho Srê đang theo học, trong đó thành viên nhỏ nhất là 10 tuổi và lớn nhất 16 tuổi. Theo Nghệ nhân Ưu tú K’Bes, đến nay các nghệ nhân đã truyền dạy cho “Đội chiêng nhí” nam được 2 bài chiêng cơ bản. Riêng “Đội chiêng nhí” nữ đã truyền dạy được 4 bài. Sở dĩ có sự khác biệt này là bởi vì các thành viên trong “Đội chiêng nhí” nữ tiếp thu các bài chiêng nhanh hơn, độ chuẩn xác cũng cao hơn so với “Đội chiêng nhí” nam. Nghệ nhân Ưu tú K’Bes phấn khởi cho biết: Mặc dù đã truyền dạy cồng chiêng cho nhiều lớp, nhiều đối tượng khác nhau, nhưng đây là 2 đội chiêng mà ông thích nhất, tâm đắc nhất.

• “ĐỘI CHIÊNG NHÍ” ĐẦU TIÊN Ở LÂM ĐỒNG

Nghệ nhân Ưu tú K’Bes chia sẻ, theo kế hoạch của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thì lớp truyền dạy những bài chiêng cơ bản cho lớp trẻ chỉ tổ chức tối đa là 25 buổi vào ban đêm, nhưng trên thực tế do các cháu rất đam mê tập luyện và rất yêu thích cồng chiêng nên các nghệ nhân đã bố trí thêm thời gian để truyền dạy cho các cháu, với mong muốn: Các cháu sẽ là những người gìn giữ và lan toả vốn quý của đồng bào mình trong không gian văn hoá Nam Tây Nguyên. Trò chuyện với chúng tôi, em Ka Hy Sun - một thành viên sáng giá nhất của “Đội chiêng nhí” nữ (hiện đang là học sinh lớp 8A3 Trường THCS Tân Văn) cho hay: Em tham gia khoá học được hơn 1 tháng nay. Các nghệ nhân chỉ bảo rất tận tình nên em đã biết đánh tương đối thành thạo 4 bài chiêng cơ bản. Em mong muốn các bạn cùng trang lứa cũng biết đánh chiêng như em để tiếng chiêng của đồng bào mình mãi reo vui...

Như vậy là, “Đội chiêng nhí” đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng đã được hình thành và ra đời trong niềm vui cũng như sự kỳ vọng của nhiều người, từ các cơ quan quản lý văn hoá cho đến các cấp chính quyền và người dân địa phương. Tin rằng, các “Đội chiêng nhí” bên lưu vực sông Đạ Đờng sẽ tiếp tục nối dài tiếng chiêng của đồng bào K’Ho S’rê, làm nên những mạch nguồn bất tận, chảy mãi trong không gian văn hoá đa sắc màu Trường Sơn - Nam Tây Nguyên.