Yên Bằng chỉnh tề trong bộ quân phục đã bạc màu, đeo cái xắc cốt lên vai rồi bước ra cửa. Bình An cảm thấy vui vui nên cứ tủm ta tủm tỉm như cái thời còn son trẻ. Khánh Ngọc huých vào tay anh trai rồi thầm thì: “Anh nhìn mẹ kìa, cứ như đang yêu í”. Vậy là Khánh Thi cố tình nói lớn lên cho ba nghe thấy:
- Ba ơi, dường như mẹ đang yêu kia kìa.
Yên Bằng biết là hai đứa nhỏ cố tình trêu chọc mẹ nó. Nhất là con bé Khánh Ngọc, từ nhỏ đã tinh nghịch, nhưng lại rất biết nghe lời. Còn Khánh Thi thì biết cách nhường nhịn và chiều chuộng em gái, nên trong nhà lúc nào cũng rộn niềm vui. Đó cũng chính là thành quả mà Bình An đã chăm chút từ bấy lâu nay. Cô ấy rất khéo léo trong tất cả các mối quan hệ ứng xử từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Một người mẹ chưa bao giờ áp dụng biện pháp đòn roi hay quát mắng trong giáo dục con cái, vậy mà hai đứa nhỏ vẫn chăm, ngoan và hiếu thuận. Cô ấy cũng chưa bao giờ để những giận hờn, buồn bực của bản thân xé rách sự bình yên và hạnh phúc của gia đình. Có nhiều lúc Yên Bằng cũng cảm thấy khâm phục nên buộc miệng khen mấy câu thì cô ấy chậc lưỡi mà rằng: “Có gì đâu to tát, chẳng qua là em biết cách vận dụng cái nghệ thuật sống mà ai ai cũng đều biết cả đó thôi”. Vậy là Yên Bằng chỉ biết cười trừ. Hôm nay cô ấy vui có lẽ vì thấy chồng đeo cái xắc cốt này. Nó là cái túi kỷ niệm ở chiến trường Campuchia đã sờn mấy chỗ mà Yên Bằng không nỡ bỏ. Thấy vậy, cô ấy mới đem giặt sạch rồi thêu vài chiếc lá rụng, một khóm tre già và mấy cụm cỏ non che kín những chỗ sờn nên nó mới xinh xắn như bây giờ. Yên Bằng xoay lại mắng yêu hai đứa nhỏ rồi dẫn xe ra cổng:
- Nhiều chuyện quá, lo mà phụ mẹ đi. Hai đứa không sợ bị cấm cửa à?
“Bị cấm cửa”, đó là biện pháp duy nhất mà mẹ áp dụng với hai đứa con song sinh tinh nghịch này, nhưng lại vô cùng hiệu nghiệm. Bởi đứa trẻ nào cũng rất sợ bị cha mẹ bắt ở nhà, không được chạy nhảy tung tăng hay la cà cùng bạn bè hàng xóm. Riết rồi thành thói quen, hễ hai anh em thấy mình làm sai việc gì đó là tự khắc không ra khỏi ngõ nhà. Nhưng lần nào hai đứa cũng được ba kiếm cớ dắt đi chơi. Mẹ thừa biết, nhưng mẹ cứ giả vờ như không, vậy là xong. Nghe ba nhắc đến chuyện bị cấm cửa, hai anh em lại cười rúc rích rồi rón rén chạy vô nhà.
Nhìn điệu bộ của hai đứa nhỏ, Bình An vừa mắc cười lại vừa cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Đối với cô, hạnh phúc thật giản đơn, chỉ cần cả nhà đều khỏe mạnh và vui vẻ là cô đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Hạnh phúc mà cô có được hôm nay, phần lớn là nhờ vòng tay yêu thương của ba mẹ và Yên Bằng ngày ấy. Cũng bởi chính cái duyên mà đất bén hơi người, nên Madagui đã cưu mang cả gia đình cho đến ngày ba mẹ mãn phần đời trở về với đất. Đột nhiên, những ký ức xưa cứ như dòng suối ngọt đang chở đầy ắp những yêu thương cùng lúc tràn về...
Minh họa: Phan Nhân |
Năm 1982, cô bé mồ côi chân chất vừa tròn mười bảy tuổi, đã rời khỏi làng quê xuống Sài Gòn để giúp việc trong một quán ăn bình dân của em gái bà Lam theo như lời bà nói. Chỉ là một quán ăn nhỏ nhưng sáng bún, trưa cơm, chiều tối lại bán thêm cả ca phê và nước giải khát. Cô bé hết nhặt rau rồi rửa chén và kiêm luôn việc chạy bàn. Mới đầu khách của quán chỉ là các bác xe ôm, xe ba gác, xe xích lô hoặc mấy cô bán hàng rong, bán vé số và thi thoảng cũng có vài người khách vãng lai ghé nghỉ chân, uống nước. Từ ngày có con bé nhà quê xinh xắn về phụ giúp, đêm của quán càng nhộn nhịp hơn và khách của quán cũng ngày càng trẻ ra. Vậy là cô bé chỉ phụ trách mỗi việc chạy bàn, tiếp khách. Cái tên cúng cơm của cô và cả những bộ quần áo cũ từ quê mang xuống cũng đều bị cất kỹ vào một nơi để nhường chỗ cho dáng dấp một cô gái Sài thành chính hiệu. Nói là cô gái Sài thành chính hiệu cho nó oách vậy thôi chứ thực ra thì cô vẫn giữ nét chân chất của cô gái quê và vụng về trong giao tiếp giữa môi trường sống mới. Những bộ trang phục sang trọng mà cô đang mặc coi đẹp vậy chứ toàn đồ rẻ tiền được bà chủ dẫn đi mua ở những gian quần áo cũ. Theo lời bà chủ thì phải tìm mua của những người chỉ có mớ đồ ít ỏi trải trên tấm ni lông nhỏ hoặc của những người chỉ có vài bộ đồ ôm trên tay đi bán dạo thì nó mới vừa rẻ lại vừa đẹp, bởi đó là những gì còn lại của các cô gái nhà giàu muốn đem đổi một ít tiền để cải thiện bữa ăn trong thời bao cấp. Quả đúng là người đẹp vì lụa, nhìn dáng dấp bên ngoài đâu ai ngờ đây lại chính là cô gái nhà quê của vài tháng trước. Chỉ trong vòng có vài tháng mà cô cùng cái quán bình dân dường như đã lột xác trở thành một hình hài khác lạ có sức thu hút rất đặc biệt. Khách đêm của quán càng đông và cũng càng phức tạp hơn.
“Ê, ông chủ. Bán thêm cái gì đó lai rai đi. Thiếu vốn thì thằng này sẽ đầu tư. Thằng này sẽ miễn phí dạy cho ẻm thêm một số nghệ thuật tiếp khách nữa là ông phát tài nắm chắc luôn. Nhưng mà ẻm phải là của riêng thằng này thôi. Thằng này ăn thêm vài chuyến hàng nữa là về cưới ẻm…”. Đấy là lời của cái gã mắt trắng dã, không biết từ đâu đến quán la cà suốt cả tuần nay. Cái nhìn xéo xắt của gã càng lộ rõ sự gian manh và xảo quyệt. Ông Tư Đệ cảm thấy lo lắng vô cùng. Ông vừa lo cho cái tuổi thọ của quán lại vừa lo cho con bé Bình An. Ông không ngờ cơ sự lại phức tạp như vậy. Mới đầu, ông chỉ mong làm ăn khấm khá một chút để dành dụm mà lo tương lai cho thằng Yên Bằng. Bởi đứa con trai của ông, giờ vẫn còn phải vật vã với những trận sốt rét rừng đến kiệt sức. Nó được xuất ngũ về sau chiến dịch dữ dội nhất của Sư đoàn 7 đánh vào trại Sokh San của KPNLF, buộc bọn Khmer Đỏ phải bỏ chạy sang Thái Lan. Nó vẫn muốn làm tình nguyện viên ở nước bạn, nhưng vì sức khoẻ không cho phép nên phải về để điều trị và giờ vẫn còn nằm trong viện Quân y. Từ cái hôm mà vợ chồng ông biết rõ hoàn cảnh của con bé Bình An là cả hai ông bà đã có ý vun vén nó vào với hạnh phúc của con trai mình rồi.
Kể ra thì con bé thật đáng thương. Vài tháng trước, bà Lam dẫn nó đến và nói với vợ chồng ông rằng: “Nó là con Gái. Nhà ở tít trên buôn thượng. Mẹ nó bị bệnh rất nặng nên nhờ tui dẫn nó xuống đây đi làm kiếm thêm chút đỉnh để phụ lo tiền thuốc thang cho mẹ nó. Anh chị cho mẹ nó tạm ứng trước ba tháng tiền công rồi nó làm trả dần.”… Mãi đến hôm tuần trước, con bé rụt rè hỏi xin tiền làm công thì vợ chồng ông mới vỡ lẽ. Thì ra, mẹ nó có mang trong một lần ba nó được về phép trước khi theo đoàn quân giải phóng chuẩn bị tiến về Sài Gòn. Ngày cả nước đón mừng chiến thắng là mẹ nó bồng đứa con gái vừa tròn hai tháng tuổi hết chạy ngược rồi chạy xuôi để mong ngóng tin chồng. Rồi mẹ nó gục ngã khi hay tin chồng đã hi sinh. Nó vừa lên năm thì mẹ cũng bỏ nó mà đi theo ba vì chứng bệnh sản hậu sau sinh khó chữa. Nó lớn lên trong vòng tay của ngoại. Ngoại mất, nó lại thui thủi một mình. Con gái đến tuổi cập kê mà lại một thân một mình nên thật khó sống. Đàn ông, con trai đến nhà mà không chịu tiếp thì họ chì chiết: “Đã mồ côi lại còn nghèo kiết xác mà bày đặt tự cao, chảnh chọe, có ngày ế thúi ra đó, không ai thèm hốt cho mà coi”. Còn nếu ai đến nhà cũng niềm nở thì miệng đời lại dèm pha: “Thứ đồ con gái gì mà già không bỏ, nhỏ cũng chẳng tha”. Nó đang không biết phải sống sao cho vừa bụng thế gian thì gặp bà Lam về quê thăm họ hàng. Nghe bà nói có người em gái ở dưới Sài Gòn mới mở quán ăn bình dân bán cho những người nghèo, đang cần người giúp việc. Vậy là nó khăn gói theo bà Lam xuống đây. Ai có ngờ ở thời buổi này mà nó lại bị gạt như vậy. Cũng may mà bà ta còn có chút nhân tính, chứ không thì…
Dường như đêm lại về trong quán nhỏ sớm hơn, bởi cái nắng chưa kịp tắt mà đã có vài ba tốp trai gái ghé vào quán ngồi nghe nhạc. Nói là nghe nhạc chứ thực ra thì họ chỉ kêu vài trái dừa rồi ngồi tán gẫu, đôi khi lại còn thách đố lẫn nhau coi ai cưa đổ được cô hàng nước. Ông Tư Đệ cảm thấy vui vui và thầm ước ao cái quán nhỏ này mãi có được cái không khí hồn nhiên, trong trẻo như những chàng trai, cô gái ấy; rồi một ngày không xa, thằng Yên Bằng nhà ông sẽ khoẻ mạnh quay về và có thêm tiếng trẻ thơ nô đùa xen lẫn trong tiếng cười nói xôn xao kia. Nhưng gã mắt trắng, mặt choắt và có cái nhìn xéo xắt ấy luôn là nỗi ám ảnh trong đầu ông. Rồi cái dự cảm không lành trong ông cũng đã bắt đầu xảy ra. Gã đến. Đám đàn em của gã xua tay đuổi hết bọn trẻ đi. Vợ ông vội vã pha chế thức uống theo ý khách. Ly cà phê đặc biệt của gã vừa được đặt xuống bàn là gã đã động tay, động chân với con bé. Bình An càng run, càng cố vùng vẫy thì đám đàn em của gã càng cười đắc ý. Gã ấn con bé ngồi xuống ghế rồi đứng lên. Cầm ly cà phê trên tay, gã bắt đầu với cái nghệ thuật tiếp khách mà gã đã nói: “Em phải ưỡn ngực lên rồi bước đi ẻo lả một chút, nở nụ cười gợi cảm cùng anh rồi đi vòng sát phía sau lưng anh như vầy nè, khéo léo chạm khẽ bộ ngực em vào người anh rồi mới đặt ly cafe xuống, và…”. Toàn thân Bình An sởn cả da gà mà vẫn cố gồng mình chịu đựng. Ông Tư Đệ thấy mình không thể đứng yên mà nhìn được nữa nên bình tĩnh bước ra, nghiêm mặt: “Chú đừng có làm càn. Có thấy con bé sợ đến chết khiếp rồi không? Tui nói cho các chú biết, muốn làm gì con gái tui thì phải nhìn kỹ mặt tui đã chứ”. Đám đàn em của gã đứng lên vây lấy ông, còn gã thì xua tay nhượng bộ: “Nếu là con gái ông chủ thì càng tốt, thằng này không cần phải vòng vo nữa. Đúng ngày này của tuần sau, thằng này sẽ mang trầu cau đến. Ok! Bố vợ nhớ đấy. Đợi chồng nghe vợ”. Nói xong gã đứng lên. Một đứa đàn em hiểu ý nên dằn mạnh tờ giấy bạc lên bàn rồi kéo nhau ra khỏi quán.
Dọn quán nghỉ sớm. Bà Tư ôm Bình An vào lòng an ủi: “Bắt đầu từ hôm nay, con sẽ là con của ba mẹ. Có ba và mẹ ở đây thì đố thằng nào dám ức hiếp con. Con muốn khóc thì cứ khóc to lên đi. Khóc một trận cho đã nư rồi đi tắm…”. Nghe vậy, Bình An càng mủi lòng nên khóc oà như trẻ lên ba. Rồi đêm ấy cả nhà thức trắng. Ông Tư bàn: “Phải tìm ra cách gì để ngăn chặn bọn chúng, đám này chẳng phải nói đùa đâu, sớm muộn gì thì cả cái quán và con Bình An cũng xảy ra chuyện”. Bà Tư lại biểu ông: “Hay là mình đi báo công an hoặc chính quyền địa phương thì sẽ yên tâm hơn”. Ông Tư Đệ vẫn thấy không ổn: “Lấy lý do gì để báo? Nói có sách, mách phải chứng chứ, nói suông sao được, ai mà tin. Còn nếu đợi xảy ra chuyện mới báo chính quyền thì lúc đó cả nhà ta đã sứt đầu, mẻ trán, thậm chí có thể mất cả mạng luôn rồi”. Bình An rụt rè lên tiếng: “Dạ, hay là ba và mẹ tạm về quê cùng con. Con vẫn còn căn nhà nhỏ trên Madagui. Coi như mình tạm đóng cửa quán để ba mẹ được nghỉ ngơi một thời gian. Ba mẹ hãy yên tâm, anh Yên Bằng cứ giao cho con lo…”. Vợ chồng ông Tư nghĩ không còn cách nào hay hơn nữa, coi như mình tạm thời nhượng bộ chúng mà lánh mặt đi một thời gian.
Yên Bằng khoẻ lại, trước khi về quê, anh cùng Bình An muốn về coi thử quán xá của ba mẹ như thế nào rồi. Vừa bước xuống xe, cả hai đều sửng sốt. Cái quán thân quen ấy đã biến đâu mất. Trước mắt hai người chỉ còn là một đống đổ nát bừa bộn. Sau khi nghe hàng xóm kể lại mọi việc, Bình An giục Yên Bằng nhanh chóng quay lại bến xe chứ sợ lỡ chuyến cuối cùng. May mà vẫn kịp, còn đúng một ghế đôi ở gần dãy cuối. Ngồi bên anh, Bình An lại thầm nghĩ, ít ra thì cũng phải gần bốn tiếng đồng hồ nữa mới đến nhà, đúng vào ban đêm. Ấy vậy mà Bình An vẫn thấy lo lo, vẫn thấy xấu hổ. Lần đó dẫn ba mẹ về nhà, cô đã thấy mắc cỡ đến lóng nga lóng ngóng khi giới thiệu với mọi người đó là ba mẹ chồng của mình và cũng phải nói như vậy khi báo với chính quyền địa phương. Ba mẹ đã hứa với bà con xóm giềng là đợi anh Yên Bằng về rồi cả nhà sẽ làm tiệc ra mắt bà con chòm xóm luôn thể. Lâu nay tới lui để chăm sóc anh và hôm nay cùng nhau về lại cái quán cũ của ba mẹ anh, Bình An vẫn cứ tự nhiên như mọi việc đã định sẵn. Sao giờ ngồi bên anh cô lại thấy run như vậy, run từ trong bụng run ra. Càng về gần đến nhà, cô càng thấy mắc cỡ vô cùng, mắc cỡ đến sượng sùng, đến đỏ mặt tía tai. Cũng may mà đêm tối không ai nhìn thấy bộ dạng này của cô. “Gần đến nhà chưa em”? Bình An giật mình đánh thót một cái khi nghe Yên Bằng hỏi và cô đã nghệch mặt ra nhìn anh với vỏn vẹn một từ “Dạ?”. Anh cười xoà và nhắc lại: “Anh hỏi em đã sắp đến nhà mình chưa?”. Lúc này Bình An mới vội vàng: “Bác tài ơi, ghé vô, ghé vô…”. Bước xuống xe, Bình An đi trước, Yên Bằng theo sau. Vì phải đi trước dẫn đường nên Bình An càng mắc cỡ, cô cứ bước như đang đi trên mây, chốc chốc lại quay ngược ra sau coi anh có theo kịp mình không. Nhìn cử chỉ ấy, Yên Bằng càng cảm thấy cô gái này thật đáng yêu. Và rồi, anh bước nhanh về trước, nắm chặt cái bàn tay đang run rẩy ấy mà rằng: “Em đừng lo lắng quá, cả làng đều đã biết ba mẹ là ba mẹ chồng của em, như vậy thì anh đương nhiên là chồng của em rồi. Về nhà vừa nghỉ ngơi, vừa chuẩn bị mọi thủ tục, chọn ngày lành rồi ta làm lễ ra mắt chòm xóm như ba mẹ đã hứa với mọi người là xong một việc”. Nghe đến đây, Bình An vội ngắt ngang: “Còn việc gì nữa sao?”. Yên Bằng cười: “Còn chứ, là việc của em và anh. Ra ngoài thì mình là vợ chồng của nhau. Về nhà thì em toàn quyền quyết định, khi nào em cảm thấy chúng ta có thể hoàn toàn thuộc về nhau thì em phát tín hiệu, chừng đó chúng ta mới được chung giường…”. “Cái anh này, thiệt là…”. Bình An ném lại một câu lấp lửng rồi vụt bỏ chạy, Cũng may, Yên Bằng là lính quen lội rừng nên không khó khăn gì mấy khi đuổi theo nàng.
Vậy là mọi việc đều diễn ra như ý. Đám cưới đơn sơ của cô gái mồ côi cũng có chính quyền địa phương và bà con xóm giềng đến chung vui, chia sẻ. Không bao lâu sau, Khánh Thi và Khánh Ngọc cùng lúc chào đời. Ông bà Tư Đệ cũng không nặng lòng vì việc cái quán bình dân của mình bị đập phá. Ông bà mất đi cái quán nhỏ, nhưng bù lại được cô dâu ngoan hiền và hết mực chăm lo cho gia đình chồng. Đã vậy, còn có tiếng trẻ ê a vui cửa vui nhà sớm tối. Mà nghe đâu, đám gã mắt trắng ấy cũng đang trong vòng lao lý vì tội buôn lậu và phá rừng. Ông Tư thì thở dài: “Không biết chúng có cải tà quy chánh hay vẫn ngựa quen đường cũ rồi đâu sẽ vào đấy”? Bà Tư thì chép miệng: “Chỉ tội nghiệp cho những người làm cha, làm mẹ của chúng thôi”…
*
- Mẹ ơi cơm canh đã sẵn sàng rồi. Nhưng sao giờ này ba còn chưa về hả mẹ?
- Ba con còn đi lo chuẩn bị gì gì đó cùng các cô, các chú, các bác bên Hội Cựu chiến binh rồi. Cứ dành phần cơm cho ba rồi mẹ con mình ăn trước.
- Dạ. Dọn cơm phụ em anh Hai ơi...
Nhìn con bé lí lắc chạy vô nhà giục anh hai dọn cơm, Bình An cảm thấy mình thật hạnh phúc và vô cùng biết ơn ba mẹ. Cô thầm nghĩ: ngày ấy, nếu không gặp được ba mẹ và Yên Bằng, không biết giờ này mình sẽ ra sao?...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin