Phát huy bản sắc văn hoá con người Đà Lạt "Hiền hoà - Thanh lịch - Mến khách"

PHÚC AN 19:18, 26/12/2023

(LĐ online) - Là một thành phố trẻ với 130 năm hình thành và phát triển, nhưng với nhiều ưu thế về tự nhiên, cùng đặc trưng trong chiều sâu văn hóa, là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều yếu tố văn hóa, đã tạo cho Đà Lạt một bản sắc riêng biệt với con người mang phong cách “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.

Các thí sinh tham dự Chung kết Hội thi Duyên dáng Đà Lạt, chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Ảnh: Tuấn Hương
Các thí sinh tham dự Chung kết Hội thi Duyên dáng Đà Lạt, chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Ảnh: Tuấn Hương

Đà Lạt là nơi hội tụ của nhiều thành phần dân cư. Từ xa xưa, đây là vùng đất sinh sống lâu đời của người Lạch bản địa. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã tới vùng đất này để tìm kiếm nơi xây dựng một thành phố nghỉ dưỡng và trong nửa đầu thế kỷ XX, Đà Lạt là một thành phố mang đậm dấu ấn Pháp tại vùng cao nguyên. Người Việt đã di cư tới Đà Lạt cùng quá trình xây dựng đô thị của người Pháp, với nhiều thành phần dân cư, định cư dần qua nhiều thế hệ. Chính sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, từ văn hóa bản địa tới văn hóa người Việt từ nhiều vùng miền, cùng văn hóa phương Tây đã tạo nên nét độc đáo trong phong cách sống của người Đà Lạt ngày nay. Đà Lạt vừa là môi trường tổng hòa các mối giao lưu, vừa là kết quả tổng hợp các tinh hoa từ nhiều nền văn hóa để hình thành một bản sắc với nét độc đáo riêng biệt.

Phong cách người Đà Lạt hình thành và chịu tác động của các điều kiện tự nhiên, môi trường, văn hóa, xã hội, kinh tế,… qua các thời kỳ phát triển lịch sử. Với sự giao thoa giữa các nền văn hóa, chắt lọc những yếu tố tinh hoa, tốt đẹp, loại bỏ đi những cái không hay, người Đà Lạt đã tạo cho mình một phong cách độc đáo: “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Hiền hòa là sự hiền lành, chan hòa và hòa hợp giữa người với người và giữa người với thiên nhiên. Thanh lịch là sự thanh nhã, lịch sự, lịch thiệp trong ứng xử, hành vi, lời nói, thể hiện sự văn minh. Mến khách là cách ứng xử thân thiên của người Đà Lạt đối với du khách, là đòi hỏi thực tế của một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng.

Đà Lạt là một xứ sở thơ mộng, có khí hậu trong lành, mát mẻ, tạo cảm giác thanh thản, dễ chịu. Chính yếu tố này đã mang lại cho người Đà Lạt tính cách hiền hòa, bình thản, không xô bồ, náo nhiệt như những nơi khác. Bên cạnh đó, khí hậu quanh năm mát lạnh đã đem tới cho con người một cách phục sức trang nhã, tạo nên nét thanh lịch của người Đà Lạt. Y phục kín đáo là một nhu cầu của người Đà Lạt và họ không bỏ quên yếu tố đó khi tìm kiếm vẻ đẹp cho mình. Vẻ kín đáo đó làm cho người Đà Lạt có một nét trầm tư, thanh lịch. Không những vậy, ăn ở của người Đà Lạt cũng mang dáng vẻ kín đáo. Nhà cửa ở Đà Lạt, dù biệt thự hay bình dân, vẫn ấm cúng, không thoáng gió như ở xứ nóng. Đà Lạt là nơi hội tụ cư dân khắp nơi đổ về để định cư, sinh sống, lập nghiệp. Trong chiều sâu văn hóa người Đà Lạt, nơi đây là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa. Trước khi được biết tới, Đà Lạt và cao nguyên Langbian là nơi sinh sống lâu đời của người dân tộc Lạch bản địa.

Đà Lạt được khám phá và xây dựng từ những ngày đầu bởi người Pháp. Năm 1893, bác sĩ Yersin đã thám hiểm và tìm ra cao nguyên Langbian. Trong nửa đầu thế kỷ XX, Đà Lạt đã được hình thành, phát triển và mang đậm dấu ấn của người Pháp tại đây. Có thể nói, trong văn hóa, phong cách sống của người Đà Lạt, dấu ấn văn hóa của người Pháp rất sâu đậm. Đặc biệt hơn, vì là đô thị nghỉ dưỡng, giáo dục, nên người Pháp ở Đà Lạt phần lớn là những người văn minh. Vì vậy, người Việt ở Đà Lạt từ sớm đã ảnh hưởng tính thanh lịch, văn minh của người Pháp.

Đà Lạt trong quá trình phát triển đã có sự xuất hiện và định cư của người Việt từ khắp mọi miền. Khởi đầu là những công nhân làm đường, công nhân xây dựng. Sau này là tầng lớp lao động, trí thức, viên chức, thương nhân người Việt cũng dần định cư tại vùng đất này. Đông đảo thành phần dân cư phải kể tới là người miền Bắc, người Nghệ Tĩnh, người Quảng Trị, người Thừa Thiên Huế, người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Ngoài ra, có sự đóng góp không nhỏ của cư dân Nam Trung Bộ, Nam Bộ và nhiều vùng miền khác di cư tới Đà Lạt về sau góp phần hình thành nét thanh lịch của người Đà Lạt.

Những nhóm dân cư di cư lên Đà Lạt trong quá trình chung sống đã có sự giao lưu, điều chỉnh để hòa hợp và bổ sung cho nhau. Trước hết, họ loại trừ những cá tính địa phương không được phổ biến, các tiếng địa phương quá cục bộ. Sự chung đụng làm nảy sinh một giọng nói Đà Lạt pha trộn âm sắc của nhiều miền. Những người Đà Lạt thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba thường có hai giọng nói khác nhau khi ở nhà và ra ngoài xã hội. Sự đổi giọng của họ rất tự nhiên và không mấy khó nhọc. Âm vực giọng nói Đà Lạt gần gũi giọng nói với các tỉnh Nam Trung Bộ, Sài Gòn.

Như vậy, Đà Lạt là một đô thị đặc biệt với sự hình thành một nét văn hóa mang tính chất tổng hòa, chắt lọc những tinh hoa từ người Pháp và các vùng miền khác nhau trên cả nước, để làm nên một phong cách “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.

Trong nhiều năm trở lại đây, Đà Lạt đã chứng kiến một sự thay đổi rất lớn, đem lại cho thành phố sự chuyển biến tích cực về kinh tế, du lịch phát triển mạnh. Tuy nhiên, kéo theo đó là nhiều thay đổi trong lối sống, phong cách người Đà Lạt hình thành gần 1 thế kỷ đã có dấu hiệu bị mai một đi trước làn sóng mới.

Nếu một thời Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố trong rừng - rừng trong thành phố” với sự hài hòa về về thiên nhiên và công trình xây dựng trong quy hoạch đô thị của người Pháp, thì ngày nay Đà Lạt đã giảm dần màu xanh trong không gian đô thị. Kinh tế địa phương phát triển đã đem lại những chuyển biến tích cực trong đời sống cư dân. Cùng với việc, Đà Lạt đang là một điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt du khách hàng năm tới tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đã đặt ra nhu cầu ngày càng cao về nhà ở, cơ sở lưu trú, khách sạn, homestay, các khu du lịch, đòi hỏi phải mở rộng diện tích đất sử dụng. Bên cạnh đó, với ưu thế về nông nghiệp ôn đới, cung ứng cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt cũng tăng đáng kể qua các năm.

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, tác động của nhiều yếu tố bên ngoài đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới các giá trị văn hóa của địa phương. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa địa phương là vẫn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014 đã nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Để đẩy mạnh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” trong thời kỳ mới, ngày 04/4/2022, UBND TP Đà Lạt đã ban hành Quyết định số 1027/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt. Bộ Quy tắc này sẽ góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Đà Lạt; góp phần xây dựng thành phố Đà Lạt văn minh, hiện đại, hội nhập và phát triển; xây dựng Đà Lạt trở thành một “thành phố đáng sống”.

Nội dung của Quy tắc ứng xử, ngoài quy tắc chung, còn hướng tới xây dựng Quy tắc cho từng đối tượng cụ thể: cán bộ, công chức, viên chức; học sinh, sinh viên; người bán hàng; cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống; các cơ sở kinh doanh khác; cộng đồng dân cư và đối với khách du lịch. Có thể nói, Quy tắc ra đời là văn bản pháp lý, quy định rõ những điều chỉnh trong ứng xử của người dân Đà Lạt và du khách tới tham quan, du lịch tại Đà Lạt, góp phần trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống phong cách Đà Lạt, hướng tới xây dựng một Đà Lạt văn minh.

Tuy nhiên, vì Bộ Quy tắc mới ra đời trong thời gian ngắn, nên vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần phải tiếp tục được nghiên cứu và có sự điều chỉnh trong tương lai để phù hợp hơn với thực tế.

Để hiện thực hóa và đi vào đời sống nhân dân tinh thần chỉ đạo của Nghi quyết 33-NQ/TW, cũng như Bộ Quy tắc ứng xử của người Đà Lạt, trong thời gian tới, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn, gắn liền với thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện để việc bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của người Đà Lạt trong thời kỳ mới có thể đạt được hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng luôn giữ một vài cực kỳ quan trọng để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được nhân dân biết tới và thực hiện, góp phần xây dựng và phát triển địa phương, đất nước.

Phong cách “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” của người Đà Lạt là một trong những sản phẩm du lịch vô cùng quý giá và là di sản, là giá trị truyền thống tốt đẹp mà những thế hệ người Đà Lạt xưa đã để lại cho hôm nay. Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị phong cách người Đà Lạt, việc ra đời Bộ Quy tắc ứng xử đã tạo ra một cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh hành vi của mọi người. Vai trò quản lý của nhà nước và công tác tuyên truyền góp phần không nhỏ vào việc hiện thực hóa Quy tắc đó trong đời sống.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động được xem là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đã được các ngành, các cấp của TP Đà Lạt luôn quan tâm thực hiện, nhằm chuyển đổi hành vi theo hướng tích cực thể hiện qua những việc làm, nghĩa cử, hành động cụ thể vì thành phố thân yêu, thành phố đáng sống. Công tác tuyên truyền, vận động tới người dân thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả tích cực. Sự hài lòng của du khách khi tới tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt và Đà Lạt vẫn là một điểm đến được ưu tiên lựa chọn của du khách trên bản đồ du lịch. Bên cạnh đó, Đà Lạt đã được UNESCO chọn làm nơi xây dựng thành phố sáng tạo. Những kết quả bước đầu này là nhân tố rất quan trọng, tạo tiền đề, góp phần xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, đáp ứng yêu cầu trong xu thế phát triển, hội nhập quốc tế, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Thời gian tới, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt cần tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa hơn các hình thức và phương tiện tuyên truyền, cũng như tăng cường vai trò quản lý nhà nước để công tác bảo tồn và phát huy các giá trị phong cách người Đà Lạt được hiệu quả và thiết thực hơn.

Bên cạnh đó, với vị trí là một thành phố du lịch nổi tiếng, Đà Lạt sở hữu trong mình rất nhiều những tài nguyên du lịch có giá trị, đó là khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và các kiến trúc, các giá trị di sản với thời gian. Trong xu thế hiện nay, không gian thành phố cần được mở rộng để đáp ứng cho nhu cầu phát triển ngày càng cao. Bên cạnh việc điều chỉnh hành vi của con người, việc đảm bảo các yếu tố về tự nhiên, xã hội và các giá trị cốt lõi của thành phố để làm nên một phong cách Đà Lạt qua nhiều thế hệ cũng là vấn đề mà các cơ quan chức năng phải quan tâm.

Và con người là sự phản ánh từ tổng hòa các mối quan hệ tự nhiên và xã hội. Các yếu tố thiên nhiên và sự phát triển của xã hội là tác nhân quan trọng trong việc hình thành phong cách của con người. Đà Lạt với khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển một phong cách “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” của người nơi đây. Tuy nhiên, ngày nay, môi trường đang dần bị thay đổi vì nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, tác động không nhỏ tới việc mai một đi những giá trị tốt đẹp trong phong cách người Đà Lạt.

Năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Đề án Quy hoạch thành phố Đà Lạt tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050, với mục tiêu xây dựng và phát triển cho Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, cùng những hạn chế tồn đọng trong quá trình triển khai công tác quy hoạch, quản lý của cơ quan chức năng thành phố, hiện nay cảnh quan Đà Lạt đang bị mất đi sự hài hòa, trở nên mất trật tự, ảnh hưởng tới mỹ quan và cuộc sống của người dân.

Trong tiến trình phát triển của thành phố, những giá trị cốt lõi đã được hình thành và vẫn tiếp tục bảo tồn trong tương lai, đó là: khí hậu mát mẻ, trong lành; phong cảnh theien nhiên tươi đẹp; nền nông nghiệp ôn đới và di sản kiến trúc Đà Lạt. Để đảm bảo cho sự hài hòa trong tương lai, các cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.

Đà Lạt là một thành phố trẻ, bề dày lịch sử không nhiều nếu so với các đô thị cùng hạng trong cả nước, nhưng lại sớm hình thành những phong cách đặc trưng của con người Đà Lạt, là một trường hợp hết sức đặc biệt. Điều đó cho thấy Đà Lạt mang trong mình một chiều sâu về văn hóa, đó là sự tổng hòa từ tinh hoa của các nền văn hóa bản địa, văn hóa Pháp và văn hóa người Việt ở khắp các vùng miền trên cả nước, để tạo ra một phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Phong cách người Đà Lạt là sản phẩm du lịch Đà Lạt, một loại sản phẩm không thể mua bằng tiền, không thể đánh đổi bằng vật chất, là một giá trị di sản văn hóa quý giá của thành phố này được lưu giữ qua nhiều thế hệ, cần phải được bảo tồn, phát húy và “trưng bày” trong ứng xử, giao tiếp hàng ngày.

Với xu thế hội nhập, phát triển kinh tế, cùng những thay đổi của thời cuộc, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều thách thức đã xuất hiện đe dọa tới sự tồn tại của giá trị tốt đẹp này trong cộng đồng. Sự thay đổi về khí hậu, môi trường bị ô nhiễm, cảnh quan, kiến trúc thành phố bị xáo trộn do tác động của việc gia tăng dân số và phát triển du lịch quá nhanh chóng, cùng với sự lúng túng, trì trệ trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, đã ảnh hưởng to lớn tới phong cách, lối sống và truyền thống của người Đà Lạt ngày nay. Với vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo và quản lý, chính quyền thành phố, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đổi mới trong công tác điều hành, quản lý để giúp cho các giá trị này được bảo tồn và phát huy. Hy vọng “hồn cốt” trong phong cách đáng yêu mà đã một thời vang vọng tiếng thơm của người Đà Lạt sẽ tiếp tục phát huy trong thời hội nhập.