Cùng với pháp luật, hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội của Nhân dân, nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng.
Thực hiện hương ước, quy ước làm nền tảng xây dựng đời sống văn hóa |
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, cách đây 5 năm, Nghị định 22 của Chính phủ về “Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước” đã được ban hành. Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị định, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Việc xây dựng hương ước, quy ước luôn được các cộng đồng dân cư gắn với nội dung trọng tâm của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng “Nông thôn mới, đô thị văn minh”, phù hợp với tình hình thực tế của từng thôn, buôn, tổ dân phố. Từ đó phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đảm bảo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Việc thực hiện hương ước, quy ước được các thôn, tổ dân phố xem là một trong những tiêu chí đánh giá, xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa hàng năm, qua đó, đã góp phần đưa hương ước, quy ước vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao vai trò của hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư.
Khu dân cư khang trang, sạch đẹp hơn nhờ việc thực hiện quy ước, hương ước |
Tổ dân phố (TDP) 2B, thị trấn Đạ Tẻh có 157 hộ với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 31 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Mạ, Tày, Nùng. Các dân tộc chung sống hòa thuận, đoàn kết, nhưng vẫn giữ nét đẹp văn hóa riêng của mình. Từ đó, trong hương ước, quy ước của TDP cũng mang nhiều màu sắc và nét đặc trưng riêng. Nằm ngay phía sau chợ Đạ Tẻh là vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh, dịch vụ; hương ước, quy ước quy định mọi người, mọi nhà trong TDP có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, truyền đạt kinh nghiệm tăng năng suất chất lượng trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhau vay vốn giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, sử dụng đất đai có hiệu quả, đúng mục đích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các giống cây - con năng suất cao theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình này không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của gia đình khác. Nhờ vậy, 5 năm thực hiện hương ước, quy ước, từ 26 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo đã giảm đến nay không còn hộ nghèo, chỉ còn 7 hộ cận nghèo; cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Thôn 5, xã Lộc Quảng (Bảo Lâm) có 230 hộ dân sinh sống, đa số làm nông nghiệp. Thực hiện hương ước, quy ước, đời sống của người dân không ngừng đổi thay. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 60 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo, chỉ còn 4 hộ cận nghèo, 100% nhà kiên cố, không có nhà tạm; trên 95% hộ gia đình đảm bảo tiện nghi sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Toàn thôn có 4 tuyến đường chính đã được nhựa hóa 100% và có mô hình tự quản trên các trục đường chính do Chi hội Cựu chiến binh đảm nhận, đảm bảo giao thông an toàn, không ai lấn chiếm lòng lề đường. Hàng năm có 98% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; nhà sinh hoạt cộng đồng, sân tập luyện thể dục thể thao được xây dựng khang trang rộng rãi; CLB Dân ca 3 miền gồm 15 thành viên, CLB Dưỡng sinh của người cao tuổi 20 thành viên thường xuyên hoạt động. Thực hiện thắp sáng đường quê, thôn đã duy trì các tuyến đường 4 xóm dài 6 km với 155 bóng đèn, kinh phí người dân tự đóng góp 136 triệu đồng. 100% hộ gia đình trong thôn thực hiện thu gom rác thải, để đúng nơi quy định; thực hiện định kỳ dọn vệ sinh 2 tháng/lần. Thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang, người dân trong rải vàng mã trong các đám tang. Thôn không có tệ nạn xã hội, không người nghiện ma túy, thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông.
Là thành phố du lịch, Đà Lạt mỗi ngày đẹp hơn trong mắt du khách; bởi từ trong hương ước, quy ước của các TDP trên địa bàn Đà Lạt luôn quy định “bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ, không xả rác bừa bãi; cư xử hòa nhã với du khách, phát huy phong cách ứng xử người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách”. Điển hình, TDP 6, Phường 2 nằm ở trung tâm thành phố ở 2 trục đường Phan Đình Phùng - Nguyễn Văn Trỗi, tổng số có 183 hộ với 1.009 nhân khẩu, chia làm 7 cụm dân cư; đa số hộ kinh doanh và buôn bán nhỏ lẻ. 5 năm thực hiện các Mô hình “Tuyến đường không rác”, “Tổ dân phố không tội phạm”, “Tổ dân phố nói không với quảng cáo, rao vặt trái quy định”… mọi người dân đều tự giác thực hiện. TDP 6 được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, 10 năm liền đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, năm 2022 được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh công nhận là Khu dân cư kiểu mẫu.
Coi việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư là nền tảng vững chắc cho Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh đã biểu dương, khen thưởng 19 thôn, TDP xuất sắc là điểm sáng của phong trào. Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: Trong quá trình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều gương điển hình TDP, thôn có những cách làm hay, sáng tạo. Việc kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể khu dân cư xuất sắc trong quá trình quản lý, xây dựng và thực hiện hương ước quy ước không chỉ động viên, khích lệ các khu dân cư; mà từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, để áp dụng cho những giai đoạn tiếp theo, khẳng định tính hiệu quả của công tác này, góp phần thúc đẩy Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương ngày càng phát triển.
Với 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 142 đơn vị hành chính cấp xã (111 xã, 18 phường và 13 thị trấn), 1.376 thôn, buôn, TDP; đến nay, có đến 99% hương ước, quy ước của các địa phương đã được xây dựng và phê duyệt, nội dung và hình thức theo đúng quy định của pháp luật, trong đó vai trò của hương ước, quy ước đã thể hiện rõ góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước và pháp luật, điều chỉnh các nội dung mối quan hệ xã hội mang tính tự quản, giữ gìn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp và nếp sống văn hóa của địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, tác động rõ nét nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xóa bỏ các hủ tục, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin