Dấu tích người Pháp đặt tỉnh lỵ tại Di Linh còn lại đến ngày nay chính là Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng, một công trình kiến trúc mang phong cách cổ điển châu Âu. Công trình này đang được huyện đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ để đề nghị tỉnh xem xét, công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng, nay là trụ sở làm việc của HĐND huyện Di Linh |
Đây cũng là công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời nhất ở Tây Nguyên, gắn với sự hình thành và phát triển của huyện Di Linh. Ngược dòng lịch sử, năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký sắc lệnh thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng để tạo nguồn lực hỗ trợ việc kiến tạo Đà Lạt trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng cho giới chức Pháp tại Đông Dương. Ernest Outrey được bổ nhiệm làm công sứ. Năm 1900, Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng khởi công xây dựng.
Kiến trúc sư, kiêm kỹ sư trắc địa Cunhac là người thiết kế công trình Tòa thị chính. Để xây dựng công trình này, người Pháp đã huy động một lượng lớn nhân công là người K’Ho tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng: sắt, thép, gạch, ngói... Nhân công phải đi bộ xuống Bình Thuận, gùi các vật liệu xây dựng trên lưng, rồi ngược quãng đường rừng hơn 90 km, vượt cả đèo Gia Bắc cao 1.200 m để về lại Di Linh. Sau 3 năm xây dựng, năm 1903, Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng hoàn thành. Tòa nhà gồm 8 phòng, cao 2 tầng, diện tích sử dụng khoảng 200 m2. Trên đỉnh Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng nhô cao một ngọn tháp tựa như chiếc đồng hồ hình hộp chữ nhật đứng. “Nếu xét về niên điểm thì Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng thuộc loại cổ nhất ở Tây Nguyên, trước cả Dinh Tỉnh trưởng Đắk Lắk (xây dựng năm 1907) và Dinh Tỉnh trưởng tại Đà Lạt (xây dựng năm 1916)”, ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, chia sẻ.
Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng là công trình quy mô lớn đầu tiên của người Pháp xây dựng trên đất Di Linh. Nhưng vai trò thủ phủ của một đơn vị hành chính cấp tỉnh chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn. Năm 1901, tỉnh Đồng Nai Thượng bị bãi bỏ để sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận. Tất nhiên, việc thiết lập các tuyến giao thông đường bộ từ duyên hải Nam Trung Bộ lên cao nguyên Di Linh và cao nguyên Lang Biang vẫn được người Pháp tiếp tục duy trì, mở rộng. Năm 1906, kỹ sư trắc địa, kiêm kiến trúc sư Cunhac đã dẫn đầu một đoàn thám sát tiến hành khảo sát, xây dựng tuyến đường bộ từ Bình Thuận đi Di Linh và Đà Lạt. Mất gần 10 năm khảo sát và xây dựng, năm 1914, tuyến đường bộ Bình Thuận - Di Linh - Đà Lạt cơ bản hoàn thành. Một phần của tuyến đường đó là Quốc lộ 28 ngày nay, nối Bình Thuận với các tỉnh Tây Nguyên.
Năm 1920, tỉnh Đồng Nai Thượng tái lập. Người Kinh, người Hoa từ dưới xuôi lên đây sinh sống, tạo thành những cộng đồng người lớn. Năm 1925, ông Ngô Châu Liên, một nhà thầu khoán, mua mảnh đất trước Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng, rồi cho xây dựng nhà nghỉ phục vụ du khách và những người đam mê săn bắn. Năm 1926, ông Ngô Châu Liên đã bán toàn bộ khu đất và khách sạn cho Hội thừa sai Paris để tổ chức này làm cơ sở truyền giáo tại vùng Di Linh, với giá 10.000 đồng Đông Dương. Năm 1957, tỉnh Đồng Nai Thượng đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng, tỉnh lỵ chuyển về Bảo Lộc, và sứ mệnh thủ phủ của tỉnh Đồng Nai Thượng đặt tại Di Linh cũng kết thúc.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Vũ Đức Nhuần, dù trải qua nhiều biến động (bãi bỏ, tái lập, chuyển tỉnh lỵ, thậm chí cả chiến tranh) nhưng Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng vẫn tồn tại trên đất Di Linh cho đến ngày nay. “Đây là một công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa cần được bảo tồn, tôn tạo. Chúng tôi đang đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng hỗ trợ, hướng dẫn tiến hành các bước điều tra, thu thập tài liệu, tư liệu liên quan làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, công nhận Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (hoặc bộ) nếu đáp ứng các tiêu chí cần thiết”, ông Vũ Đức Nhuần cho biết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin