Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở thành phố mang tên Bác

QUỲNH UYỂN 17:59, 08/12/2023

(LĐ online) - Sáng 8/12, tại Đà Lạt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật đã khai mạc hội nghị công tác lý luận phê bình văn học - nghệ thuật năm 2023.

Quang cảnh hội nghị

Tham dự có: PGS - TS. nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương; ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cùng hơn 120 đại biểu là lãnh đạo Ban Tuyên giáo quận, huyện ủy phụ trách văn hóa, văn nghệ; cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa, văn nghệ; Liên hiệp Hội VHNT thành phố, cán bộ nghiên cứu lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật; giảng viên chuyên ngành văn hóa, văn nghệ của các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị, hai chuyên đề đã được trình bày gồm: "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh" (PGS - TS. nhà văn Nguyễn Thế Kỷ); "Một số nội dung trọng tâm về công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng và Hội nghị văn hóa toàn quốc" (ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương). Đáng chú ý, trong chuyên đề "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh", PGS.TS. nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã nêu nhiều vấn đề mang tính hướng, quan điểm, nội dung, nội hàm, cách làm hiệu quả.

Cụ thể, theo PGS-TS.Nguyễn Thế Kỷ, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” bao gồm không gian vật thể và phi vật thể; nói cách khác là không gian tự nhiên, vật chất và không gian tư tưởng, tình cảm về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động, xúc động, thiêng liêng, gần gũi ở thành phố mang tên Người. Đó là sự kính yêu, biết ơn, tự hào, mong muốn noi theo tấm gương cao đẹp của Người, nguyện học tập và làm theo Người trong suy nghĩ, tình cảm, hành động của Đảng bộ và Nhân dân Thành phố. Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là dành tình cảm, trí tuệ, một phần nguồn lực cần thiết để chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Thành phố mang tên Bác toàn diện, tiêu biểu, gương mẫu, tạo động lực cho sự phát triển.

Cần chú trọng tiếp tục xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ, ca, nhạc, họa, sân khấu, triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác; xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong văn học, nghệ thuật của các cơ quan, đơn vị và văn nghệ sĩ ở thành phố mang tên Người. Ứng dụng công nghệ thông tin đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” lên mạng qua các hình thức: bảo tàng trực tuyến, website, fanpage, Facebook, Youtube, TikTok, đoạn phim ngắn, infographic, tài liệu.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp hình lưu niệm cùng PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp hình lưu niệm 

Từng bước bổ sung quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hóa làm cơ sở cho việc kiến tạo “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng tượng đài “Bác Hồ với thiếu nhi” tại Nhà thiếu nhi Thành phố; nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tạo sự đồng bộ giữa mỹ thuật – kiến trúc – quy hoạch các thiết chế văn hóa như nhà hát, khu di tích, khu tưởng niệm, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, các công trình, tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc trong không gian văn hóa công cộng.

Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ cũng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa, văn nghệ TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.  Trong đó khẳng định Tập trung xây dựng văn hóa, văn nghệ TP Hồ Chí Minh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc địa phương; phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa của Thành phố và các địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn học, nghệ thuật Thành phố đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X).

Chương trình Tập huấn công tác Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật năm 2023 kéo dài từ 3 ngày, từ ngày 7 - 9/12 với nhiều hoạt động học tập, trải nghiệm, tham quan thành phố Hoa Đà Lạt.