Minh họa: Phan Nhân |
Đó là đám cưới con một quan chức. Sân khấu lung linh, càng huyền ảo bởi những lớp khói trang trí, tạo cảm giác bồng bềnh thiên đường. Trên sân khấu là 3 cặp đôi, như nhiều đám cưới khác. Nhưng chỉ những kẻ thạo tin mới biết rằng, người phụ nữ trong áo dài nhung tím thêu hoa lộng lẫy đứng cạnh bố cô dâu trên sân khấu đã rời xa gia đình bé nhỏ của mình hàng chục năm và chỉ kịp quay về trước đám cưới con gái có vài ngày. Thế nhưng mọi dòm ngó, chỉ trỏ tan như những con sóng nhỏ khi sóng bạc đầu ào lên, trong những hân hoan vỡ òa, trong long lanh mắt biếc môi hồng. Ở Việt Nam bây giờ hầu như đám cưới nào người ta cũng bật bài hát Khúc giao mùa của nhạc sĩ Huy Tuấn. Giai điệu và lời ca kích hoạt cảm giác muốn tay trong tay một ai đó.
Bên em bên em anh say trong hạnh phúc
Đôi môi em anh ngỡ cánh đào
Bên anh bên anh em nghe trong lòng hát
Những giai điệu tình yêu
Ta đi bên nhau đón xuân đang về tới
Hồn hòa vào cùng với đất trời
Xin nâng ly lên chúc nhau thêm hạnh phúc
*******
Li dị xảy ra khi con gái lên 5. Tôi nuôi hai cô con gái, đó cũng là ý nguyện của vợ tôi. Cô ấy đi theo thầy dạy yoga của mình, là một người Ấn Độ. Ngày trước, tôi thường nghe cô ấy nói rằng luyện yo-ga chính là khai thác những tố chất thần thánh nhất trong lòng của người ta, làm cho tâm hồn tràn đầy tình yêu và niềm vui. Vợ vui thì mình cũng vui. Tôi đơn giản nghĩ thế, không biết rằng nếu như sa đà, sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, một dạng của tâm thần phân liệt. Tôi không nói vợ tôi là một ca bệnh ngộ yoga đó nhưng hận sâu cái việc cô ấy khăng khăng đòi bỏ tôi và cả hai đứa con gái đáng yêu để đi theo cái thằng cha - vâng, ngay cả trong lúc nghĩ thầm tôi cũng không thể dùng từ khác với gã đàn ông da thẫm, mắt đen, lông mi cong vút đã nẫng đi vợ mình, mẹ của các con mình. Cô ấy còn mê sảng nói về một lễ cưới yoga mà cô ấy sẽ tham dự với tư cách cô dâu. Hết thuốc rồi. Tôi nghĩ vậy và chấp nhận chia tay.
3 năm sau, tôi lấy vợ mới. Sẵn nỗi đau với cô vợ đầu là con gái Hà Nội gốc, tôi chọn một gái quê chính hiệu. Lấy người yêu mình hơn mình yêu, đó là tiêu chí chọn vợ lần này của tôi. Về phần mình, tôi chỉ cần người đàn bà ấy đem đến cảm giác yên tâm, là đủ.
Thật may là hai đứa con gái tôi đều tỏ ra mến mẹ kế, dù nhiều năm chúng vẫn chỉ gọi cô ấy là dì. Có vẻ như tiếng mẹ cất lên là gợi lại những ấn tượng đau buồn thơ ấu nên chúng kiêng danh từ đó chăng? Tôi cũng không mất thời gian phân tích nông sâu bởi vì quan hệ dì cháu êm đẹp ngay từ đầu. Vợ mới sinh cho tôi quý tử nhưng trong gia đình không có cảm giác con anh, con chúng ta. Không khí này chủ yếu là nhờ vào cô ấy chứ tôi bận công việc triền miên, còn không để ý đến con mình. Điều này có lẽ cũng là một lý do khiến vợ cũ cảm thấy trống trải mà tìm đến yoga rồi chết chìm trong đó.
Hai cô con gái sểnh mẹ có dì, đã được rèn cặp không thua một tiểu thư con nhà gia giáo nào. Mùa nào ăn thức gì là bài học nữ công gia chánh đầu tiên. Không ăn cái gì trái mùa, đi ngược với quy luật của trời đất, vừa không ngon vừa đắt vừa dễ hứng trọn cả đống thuốc sâu. Tỉ mỉ, cô ấy chỉ dạy cho hai cô con gái cách nấu từng món ăn từ đơn giản nhất. Nấu cái gì, nấu thế nào, cách sử dụng gia vị cho đúng… Chẳng hạn, riềng mẻ mắm tôm, mẻ nghệ mắm tôm hay chỉ mẻ nghệ khi ướp một món ăn. Thịt gà không được ăn với rau kinh giới, hoặc thái gừng tra vào mắm tép không giống thái gừng ăn trứng vịt lộn. Bí xanh nấu xương thái khác bí nấu tôm khô. Gừng không phải cứ tương cả củ ngay từ đầu mà phải đập dập, tra vào trước khi bắc nồi xuống. Hành lá trong món xào và hành lá trong bát canh có những kích thước khác hẳn nhau. Xào rau phi tỏi với mỡ thơm lừng rồi mới cho rau vào thì đúng rồi, nhưng cần để lại một chút tỏi đập dập kỹ hơn, trước khi bắc nồi xuống thì tra vào đảm bảo món rau xào sẽ dậy mùi hơn nhiều… Nói chung toàn chuyện nhỏ nhặt thôi, nhưng nó phân biệt một cô gái được rèn cặp kỹ lưỡng với con gái xuất thân từ sự giáo dục qua loa. Ngay cả cái cách cô ấy dạy con gái không bao giờ được cầm vung úp toẹt ngay xuống mặt bếp mà phải nhẹ nhàng đặt ngửa nắp vung lên dù vội - cũng chính là hình ảnh rất thân gần với tuổi thơ tôi, bởi hệt như cái cách mẹ tôi vẫn làm mà tôi còn nhớ rất rõ. Hành vi úp toẹt lại chính là vợ cũ luôn điềm nhiên làm cả vài trăm lần khiến tôi xốn mắt mà chả góp ý được.
Người tỉ mẩn với bếp núc thường là người nấu ăn ngon. Các món quê kiểng của vợ thường rất ngon và lạ miệng với người thành phố. Những là moi rang khế, canh hến thả lá lốt, thịt nướng cặp que tre, chả đỗ… Đúng tiêu chí mùa nào thức đó, mùa đông cả nhà sẽ được ăn bò sốt vang, ốc bung chuối đậu, canh riêu cá chép, dưa nấu tóp mỡ… Mùa hè thì thường xuyên mâm cơm có canh chua với đa dạng lúc thả mấy quả sấu, lúc tai chua, thanh trà, lúc lại cho dấm bỗng.
Rồi cô gái cả có người yêu. Người mà con gái tâm sự đầu tiên không phải tôi. Nhưng tôi đã được vợ truyền thông đầy đủ. Cô ấy chỉ bảo cho con gái chi tiết những gì cần ứng xử trong vai người yêu. Cô nàng được tiếng khen của mẹ chồng tương lai cũng vì dì đã chu đáo dạy cho thành thạo tất cả những kỹ năng nữ công gia chánh. Dì dạy cô thả lỏng mình tận hưởng tình yêu nhưng trong khuôn khổ. Cái khuôn khổ này thì tôi hiểu rõ lắm, nên tôi hoàn toàn yên tâm phó thác cho vợ.
*******
Dì luôn dặn tôi: Con phải thật hiểu rõ lòng mình. Đời người con gái lỡ một lần là khổ. Con chỉ nên tiến tới hôn nhân nếu như thật lòng yêu anh ấy. Tôi nhìn dì, hiểu rằng người đàn bà của ba đang chia sẻ câu chuyện của chính mình. Tôi bỗng giải đáp được câu hỏi vẫn ám ảnh mình từ ngày thơ bé. Vì sao mà dì chấp nhận lấy người đàn ông có vợ trong lúc đang là gái tân, chưa đến tuổi quá lứa nhỡ thì, hình thức bản thân và gia đình không phải ngước lên bao nhiêu nếu so sánh với ba. Tình yêu chân thành dì dành cho ba đã ôm ấp cả tuổi thơ suýt thì đã rất lạnh lẽo của chúng tôi. Bởi vì tình yêu đó lớn dần thành tình thương mến thật lòng cả những đứa con chồng, biểu hiện bằng những hành động chăm chút cụ thể. Dì nói với tôi rằng chỉ có yêu thương chân thật mới khiến người ta có hạnh phúc. Điều này chưa có ai nói với tôi.
Cô dâu tương lai là tôi cảm thấy thật ấm áp bởi dì đã quán xuyến mọi công việc cho đám cưới. Váy cưới tôi cũng tham khảo cùng dì, qua đó phát hiện ra mẹ kế mình có gu hiện đại. Hóa ra bao nhiêu năm nay dì luôn ăn mặc giản dị là vì muốn dồn cho các con, chứ bản thân dì thời con gái cũng diện ngất trời do gia đình có điều kiện. Lấy chồng cũng có điều kiện nhưng dì giải thích, nếu người mẹ trong gia đình mà diện quá thì không đủ thời gian để ngó ngàng đến các con nữa, nhất là nhà cũng chả ít con. Cỗ bàn thì hiển nhiên cả nhà tin tưởng giao phó hoàn toàn cho dì. Dì chọn thực đơn tương xứng với vị thế của gia đình nhưng không bị mang tiếng là hợm của. Dì cũng hỏi han những người bạn đã tổ chức đám cưới cho con, tham khảo họ cách tính mâm bát. Có nhiều đám cưới thiếu cỗ nhưng cũng không ít đám lại thừa hàng chục mâm do không biết cách tính.
Mẹ đẻ về rất vội, chắc bà cũng cần thời gian thu xếp cho cái gia đình nhỏ của mình. Dì chính là người lo cả áo dài nhung cho chị. Đêm trước hôm tiến hành hôn lễ, ba “người lớn” ngồi cùng nhau bàn bạc. Ba thì muốn cả hai người đàn bà cùng xuất hiện trên sân khấu nhưng dì từ chối ngay. Dì nói rằng còn có nhiều việc hậu trường cần quán xuyến. Vả lại, không nên để thiên hạ xì xào vì cách ứng xử “chẳng giống ai” như thế.
Tôi nghe lỏm được câu cuối dì nói với ba: Cũng là chị trước em sau thôi mà, chúng mình chả nên câu nệ làm gì đâu mình. Câu nói ấy làm tôi bâng khuâng mãi không ngủ được. Chẳng biết sau này tôi có thể trở thành một người đàn bà tinh tế ý nhị như người mẹ thân yêu của tuổi thơ tôi - và chắc là cả cuộc đời tôi - được không?
Trong đám cưới, dì là người điều phối toàn bộ cỗ bàn, luôn thể cả việc chụp ảnh kỷ niệm khi quan khách ra về. Nhìn dì rạng rỡ trong chiếc áo dài nhung tay voan sắc xanh cổ vịt thời thượng thật trẻ trung, hiện đại. Ba hẳn là nức nở tự hào vì có người vợ tương xứng với địa vị cao sang của ba hiện tại. Tuy bận làm… cô dâu, trong lúc đi chào các bàn, tôi vẫn thấy dì thỉnh thoảng kín đáo chấm khăn lên mắt. Chắc dì xúc động không kém mẹ đẻ của tôi trong ngày đặc biệt này. Hay là hơn nhỉ? Tôi lắc nhẹ đầu, cố xua đi ý nghĩ bất hiếu đó, dù mãi mãi tôi chỉ giữ nó cho riêng mình.
*******
Đoạn kết: Cô gái thêm một lần cảm động bởi mẹ kế gọi riêng cô, cho biết đã bàn với bố cho cô một căn nhà làm vốn riêng. Bà nói bây giờ hãy tạm để làm hồi môn cho riêng cô đã, làm theo hình thức “cho tặng”- bố mẹ cho riêng con gái. Sau này khi vợ chồng thật sự hòa hợp và cô cảm nhận được hạnh phúc thật sự với chồng, tùy cô có nên công khai cho chồng biết hay không. Bà nói rằng chỉ mong cô sống ung dung cả đời, không bị nỗi lo vật chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm tính. Cô biết bố mẹ cũng không quá giàu như địa vị của bố cô lẽ ra phải thế, nhưng đã dành tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt cho cô. Mẹ kế nói rằng có nguyên nhân là vì cô bẩm sinh yếu ớt hơn cô em, công việc cũng không kiếm ra tiền nhiều bằng cô ấy. Bà hứa sẽ lo tìm người cho thuê căn nhà đó, coi như cô có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Bà cũng dặn cô đừng vì thế mà coi thường chồng, nếu như chả may chồng có sa cơ lỡ vận trong công việc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin