Ðiện ảnh và du lịch: Cái bắt tay cần thiết

TRỊNH CHU 04:44, 18/01/2024

Một con dốc nhỏ, bình thường như bao con dốc ở Đà Lạt, chỉ vì xuất hiện trong phim Em và Trịnh, con dốc ấy bỗng trở nên khác biệt - thành điểm check-in du lịch nổi tiếng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S trao Giải Cao nguyên hùng vĩ của UBND tỉnh Lâm Đồng 
cho phim Em và Trịnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S trao Giải Cao nguyên hùng vĩ của UBND tỉnh Lâm Đồng cho phim Em và Trịnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực, người thủ vai Trịnh Công Sơn trong bộ phim Em và Trịnh, nói về hiệu ứng du lịch từ ảnh hưởng của điện ảnh. Con dốc mà Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực nhắc tới là con dốc số 7, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, nơi được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chọn làm bối cảnh để quay phân cảnh Trịnh Công Sơn và Michiko vừa nhảy, vừa hát ca khúc Ngẫu nhiên. Ở phân cảnh này, ekip thực hiện một cảnh quay vô cùng ấn tượng. Nhìn từ con dốc rất Đà Lạt, một không gian bao la được mở ra, xa kia là dãy núi Lang Biang hùng vĩ, xa nữa là chân trời thẫm hồng, gần thêm chút là những mái nhà đỏ màu hoàng hôn đang ngời sắc trong ánh sáng đèn đường... Tất cả tạo nên một khung cảnh nên thơ, siêu thực, pha chút liêu trai, rất Trịnh. “Điện ảnh là những câu chuyện được kể bằng hình ảnh, lại là những hình ảnh nghệ thuật, nên sức tác động của điện ảnh đến sự phát triển du lịch thật mạnh mẽ. Thực tiễn cũng đã chứng minh, nhiều bối cảnh trong nhiều phim trở thành cơn sốt về du lịch, nhiều du khách tìm đến đấy để ghi lại những khoảnh khắc của riêng mình”, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực chia sẻ.

Phim truyện Ván bài lật ngửa bối cảnh quay tại Đà Lạt. Ảnh: Quỳnh Uyển
Phim truyện Ván bài lật ngửa bối cảnh quay tại Đà Lạt. Ảnh: Quỳnh Uyển

Nổi tiếng nhờ bộ phim Em và Trịnh, còn có tiệm may Nhớ Hoài. Tiệm may này, nằm bên cạnh con dốc số 7. Tiệm may Nhớ Hoài cũng là phân cảnh xuất hiện trong phim Em và Trịnh. Cảnh quay gây ấn tượng mạnh cho khán giả điện ảnh bởi vẻ đẹp yên bình, xen lẫn chút sương khói. “Qua bộ phim Em và Trịnh, khán giả điện ảnh biết nhiều hơn tới tiệm may Nhớ Hoài - một bối cảnh của phim Em và Trịnh. Tiệm may Nhớ Hoài trở thành điểm tham quan, thu hút rất đông du khách đến check-in, trải nghiệm, tương tác trực tiếp với phân cảnh trong phim Em và Trịnh”, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực cho biết. Bối cảnh đẹp, cùng câu chuyện cuốn hút, cộng thêm sự xuất hiện của những diễn viên tên tuổi sẽ tác động đến tâm lý tò mò, ưa  thích khám phá các địa điểm thực tế từng xuất hiện trong phim, thôi thúc khán giả điện ảnh lên đường đến với những địa điểm quay phim như một tour du lịch trải nghiệm văn hóa. “Nói điện ảnh kích cầu du lịch là vậy! Từ một tiệm may khiêm tốn, qua hiệu ứng của bộ phim Em và Trịnh, chủ tiệm may đó mở một quán cà phê ngay tại tiệm may, phục vụ nhu cầu check-in của du khách. Tiệm may Nhớ Hoài thu hút rất đông  du khách đến uống cà phê, check-in, nhìn ngắm con dốc từng làm bối cảnh trong phim Em và Trịnh”, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực tâm sự. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực cho rằng, Đà Lạt là nơi lý tưởng về bối cảnh (cảnh quan thiên nhiên đẹp, di sản văn hóa độc đáo, con người hiền lành...) để các nhà làm phim xây dựng ý tưởng, soạn thảo nội dung và tổ chức sản xuất những tác phẩm điện ảnh có giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng. “Thứ nhất, đó là bầu không khí ở Đà Lạt rất phù hợp cho sáng tạo các tác phẩm điện ảnh. Nó như được tôn thêm bởi cảnh quan nơi đây quá lãng mạn. Thứ nữa là thiên nhiên - một thương hiệu đặc sắc của riêng Đà Lạt. Mưa ở đây cũng rất đẹp”, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực nói thêm.

Bằng cách kể các câu chuyện trên nền thiên nhiên Đà Lạt - Lâm Đồng, nhiều bộ phim đã khuyến khích du khách tìm đến những địa điểm thực tế, tương tác với cộng đồng cư dân địa phương, đằm mình trong các câu chuyện nhân văn được miêu tả tỉ mỉ nơi phim, qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển, tạo ra cơ hội việc làm một số người, kích thích sự phát triển của các ngành nghề hỗ trợ dịch vụ và vận tải...