Minh họa: Phan Nhân |
Lam đẩy cửa bước vào căn hộ mới. Không, chính xác là căn hộ cô mới thuê. Sau khi rời khỏi nơi cô từng gắn bó hơn 10 năm qua…
Nơi ở mới là một căn nhà cũ, người chủ cho quét lớp sơn xanh ngọc lên màu sơn hồng cũ theo ý cô. Nhà trống huơ trống hoác. Nhưng không có một con mắt vô hình lẫn hữu hình dõi theo xét nét. Và dĩ nhiên, không phải nhà chất đầy đồ đạc vật dụng đã là hết trống. Sợ nhất với những phụ nữ nhạy cảm như Lam chính là luôn cảm thấy trống rỗng, cô đơn ngay giữa căn nhà bốn bề nhiều đồ, nhiều đạc, nhiều người mà đụng vào thứ gì cũng thấy như không phải của mình, không ai có thể chia sẻ.
“Trời ơi, em đóng nhẹ cánh tủ chứ. Của bền tại người, dùng như em thì bằng phá” – Khi cô đóng vội tủ lạnh để kịp nấu nhanh bữa cơm chiều, Hưng ngồi xem bóng đá nói. Giọng anh nhẹ thôi, nhưng nghe như rít. Lam ăn miếng cơm cứ như bã ra.
“Em thấy anh dùng gì cũng bền không? Điện thoại anh dùng 5 năm không một vết trầy xước, không một lần rơi xuống. Cứ để cho con cầm, rơi cồm cộp như em thì nên sắm lấy cái điện thoại bằng đá dùng cho đỡ phí”.
Thì thôi, mỗi người một tính cách, nhắm mắt sống cùng nhau cũng đâu có sao. Nào có người thứ ba nào chen chặn. Nào có ai yêu đương tơ tưởng gì ngoài chồng, ngoài vợ. Cũng không một lần cãi vã… Rồi có một ngày cô chợt nhận ra mình thay đổi quá nhiều khi mỗi ngày, mỗi ngày sống với những cơn sóng ngầm. Cơn sóng ngầm lớn nhất, là ngày đó, khi cô rủ người bạn thân vào hầm rượu vang trong đêm Noel. Hơn 10 năm lấy chồng, bao lần rủ chồng đi đâu đó chơi Noel, chỉ cần ra đường xem người ta đi lại thôi cũng được, để hưởng ké chút không khí ấm áp, để ngắm những sắc màu lung linh từ những ngọn đèn trang trí và nghe tiếng nhạc chuông ngắn vang rộn ràng. “Em khùng hở? Lạnh thế này, tắc đường thế này ở nhà cho sướng thân, lại chen nhau đi ngửi khói bụi, rắm rít nhau, lại chìa đầu ra cho bọn gian thương chém, đến cả cái vé gửi xe cũng tăng gấp 5 lần”.
Cô về nhà trong cơn say mềm, sau gần chục cuộc điện thoại réo gọi của Hưng. Giờ này con đã ngủ. Lam cố lắm cũng không thể nhấc người vào phòng ngủ, đổ gục ngay phòng khách. Cô nằm co quắp trong phòng khách, bên cây đàn piano của con gái. Trời lạnh, không chiếu không chăn. Chợt chạnh lòng nghĩ những lần cô đi qua một cây cầu, một hiên nhà về khuya, nơi những người vô gia cư nằm co cho bớt lạnh. Cô ước gì có tấm chăn khi ấy để tặng họ, và tự thấy có lỗi khi mình về nằm trong chăn ấm. Thế mà người chung nhà Lam nhìn cô nằm co quắp vì lạnh cũng thờ ơ đi qua. Dù chỉ cách một bức tường nhưng họ cách xa như hai ốc đảo riêng biệt.
Sau đêm mùa đông ấy, Lam đắng cay nhận ra sự khác nhau giữa con người là lòng trắc ẩn. Đến lòng trắc ẩn dành cho tình thân, Hưng cũng không có thì chờ mong sự thay đổi từ anh chắc cũng khó ngang với hái sao trên trời. Cô quyết định bước ra khỏi cái gọi là mái ấm - nơi không bao giờ to tiếng với nhau, nơi được coi là hạnh phúc trong mắt nhiều người.
- Vì sao ngày xưa mẹ chọn bố? - Bé Nhi hỏi, khi hai mẹ con đang cùng lắp rèm cửa cho nơi ở mới.
- Mẹ nghĩ bố kỹ tính, thực tế, dày dặn kinh nghiệm sống, bố có rất nhiều ưu điểm mà một người lãng mạn như mẹ không thể nào có ở tuổi hai mươi ba.
- Con không thấy đó là ưu điểm, mẹ ạ! Vừa vặn xíu xiu thôi thì có thể là ưu điểm, quá một chút thì chả khác gì cai ngục. Mà lẽ ra mẹ phải biết rằng một người lãng mạn thì nên sống bên hoa cỏ chứ đừng chọn nhà tù chứ! - Con bé tuổi 14 mỉm cười. Lam phì cười, nhìn con, bé Nhi đã lớn lúc nào rồi mà cô không hay.
* * *
Văn mang đến một cây hoa nhài trồng nơi ban công căn hộ mới. Bằng ấy năm, Văn vẫn nhớ Lam yêu say đắm hương nhài. Căn nhà nhỏ của bố mẹ Lam có khoảng ban công nhỏ, cô chỉ trồng hoa nhài. Mỗi độ hoa nở, buổi sáng đứng đợi bạn đi học, mùi hương quấn quýt quanh Văn. Văn vẫn thấy thật lạ, anh luôn có thể linh cảm được những bất trắc xảy ra với Lam, dù chỉ vài ba dòng bâng quơ nhẹ như gió thoảng trên facebook. Người phụ nữ mạnh mẽ này chẳng bao giờ nhắc chuyện riêng tư trên cõi “phây”. Khi cô nhắc, lại kèm bức tranh cô vẽ một chú chim nhỏ bơ vơ trong chiều muộn, đủ để anh hiểu và thương Lam đến thắt lòng. Dù đã bao năm xa nhau, và trong mắt bạn bè, Văn vẫn luôn là người không để ý gì đến phụ nữ.
Có một dạo, Văn từng mong sẽ cưới Lam làm vợ. Là dạo vừa thi xong đại học, hai đứa thường rảnh rỗi, thường ngồi trò chuyện hàng buổi trong khu vườn nhỏ nhà Văn. Nhà Văn có ao cá be bé, có những khóm dâu chín đỏ đong đưa trên mặt nước. Cô bé Lam lúc ấy tít mắt kể cho Văn nghe chuyện đi ăn trộm dâu thời bé bị té xuống ao, bị chó đuổi... Văn ngồi giã muối ớt cho cô chấm dâu - phải là những quả vừa chín tới, còn giòn giòn, rôn rốt, và phải là thứ ớt chỉ the the thôi chứ không cay vì Lam thích nhìn sắc màu tươi thắm của ớt trong chén muối nhưng lại không biết ăn cay. Mắt cô nhíu lại vẫn toét miệng cười khoe răng khểnh. Rồi cả hai nói với nhau về mơ ước một ngôi nhà nhỏ có những cây, những hoa…
- Nhà tớ chưa bao giờ có vườn nhưng tớ rất yêu vườn. Nếu sau này tụi mình vẫn ở gần nhau như bây giờ, cậu nhớ chăm sóc mảnh vườn nhé. Tớ sẽ qua vườn nhà cậu ngắm ké. Cậu phải nhớ trồng nhài, trồng sen cho tớ ngắm. Có cây bưởi nữa thì càng tuyệt, như góc vườn ông ngoại tớ, rất thơm mỗi độ xuân về. Tớ thích những mùi hương ấy!.
Dạo đó, cả Văn và Lam chưa biết vị yêu, mà không hiểu sao suy nghĩ sẽ cưới Lam làm vợ lại gợn lên trong Văn. Văn còn tưởng tượng ra sẽ trồng một dãy hoa nhài bên ao, thả một ít sen xuống mặt nước kia và trồng cây bưởi nơi góc vườn theo hướng Lam chỉ. Lam chẳng cần thi thoảng ghé qua mà về làm chủ nhân khu vườn ấy càng tốt.
Lam chọn học Sài Gòn, Văn học ở Hà Nội, lời yêu chẳng có dịp ngỏ thì cô nàng lãng mạn khoe có người yêu. Có người yêu rồi bỏ người yêu. À không, chính xác thì người yêu bỏ. “Cậu quên gã ấy đi, yêu tớ đi, tớ hứa không bao giờ bỏ cậu!” - Văn nắm chặt tay Lam, nhìn thẳng vào mắt cô. “Khùng!” - Lam đáp lại rồi cười lớn. Cô ngả đầu vào vai cậu bạn. “Người yêu rồi sẽ bỏ tớ. Chẳng có tình yêu nào bền mãi cả. Nhưng bạn thân thì không, cậu ạ. Cậu cứ thế, thi thoảng tớ mệt, cho tớ dựa”. Chỉ là Lam cần một chỗ dựa, trong những khoảnh khắc như vậy. Góc vườn hôm ấy yên bình lắm nhưng cái nắm tay, cái ngả đầu chẳng đủ để thành một tình yêu.
Văn giành được suất học bổng ở Úc. Ngày đi, anh dặn:
- Học xong, tớ sẽ về cưới cậu. Cậu có thể chờ tớ được không?
- Không, tớ chỉ cưới người tớ yêu. Cậu là bạn thân, không phải người yêu.
Rồi Lam phiêu lưu thêm một hai cuộc tình nữa, trước khi gửi hình cưới chia vui cùng Văn. Lần đầu tiên Văn có cảm giác nát cả lòng như những bài hát đôi khi anh vẫn nghe. Văn thấy cái cô gái ấy thật kỳ lạ, sao có thể yêu nhiều người thế mà chẳng thể yêu mình? Chẳng lẽ tình yêu luôn có lý lẽ riêng, chẳng dựa trên một lý lẽ nào của cuộc sống này?
Cuộc sống của Văn chỉ còn học hành, công việc, không còn những tơ tưởng yêu đương nữa từ khi Lam đi lấy chồng, cũng là từ khi có một bức tường ngăn vô hình nào đó trong những cuộc trò chuyện cùng nhau. Thi thoảng, nhắc về khu vườn cũ, là khi hiếm hoi Văn đọc được trong giọng nói của người đàn bà chạm ngưỡng bốn mươi kia vẫn còn bao háo hức hồn nhiên như tuổi mười tám, đôi mươi.
Dù rằng, cả chính Văn cũng đã xa cái thời ấy lâu lắc chẳng thể nào quay lại.
- Cậu không ổn phải không, Lam?
Lần này, không phải là “cậu có ổn không?” như bình thường, Văn chọn cách hỏi thẳng.
- Không, tớ vẫn ổn!
- Thân nhau bằng ấy năm, tớ không phải là thằng ngu để cậu nói sao nghe vậy. Cậu không muốn chia sẻ với tớ nữa à?
- Không phải…
- Cậu có cần dựa vai tớ không?
- Cậu xa xôi quá, muốn cũng chẳng được. Và tớ cũng xa xôi quá, có còn là hồi xửa hồi xưa đâu?
Văn chọn Sài Gòn lập nghiệp sau bao năm công việc ổn định ở nước ngoài. Bao lần nhớ khu vườn cũ, nhớ quê, muốn bỏ tất cả để về quê lại nuối tiếc bao năm học hành, nỗ lực lập nghiệp xứ người. Chẳng có một lý do nào đủ quan trọng để anh từ bỏ những thành quả để quay về. Và chỉ vì những dòng sẻ chia úp mở bâng quơ, chỉ vì hình vẽ con chim nhỏ cô liêu mà anh có thể thu xếp hết thảy, trong sự khó hiểu của không ít bạn bè. Chỉ Văn hiểu, khi Lam cần một bờ vai để dựa, nhất định anh sẽ về, và đó mới chính là điều mong muốn bao năm của anh.
* * *
Văn nhận ra sau những đổ vỡ, cô gái ấy dè dặt hơn. Cô không còn thói quen vỗ vai anh hồn nhiên khi biểu lộ điều đắc ý gì đó nữa. Mắt cô cũng chẳng ngời lên những ánh nắng khi cười, chỉ thi thoảng lung linh như có chút sợi nắng chiều sót lại, khi trời chuyển hoàng hôn.
Thi thoảng Lam nhìn Văn từ phía sau, lén giấu tiếng thở dài và cố ghìm sự xúc động trong mình lại khi anh vẫn nhớ hết thảy từng loài cây, loại hoa cô thích, sau bằng ấy năm. Bằng ấy năm, có những khi bận rộn và lặn ngụp trong chuỗi ngày chán nản, đến cả cô có khi cũng suýt quên sở thích của mình.
- Nếu ở quê, tụi mình có thể trồng vườn thoải mái. Lâu rồi cậu không về quê, cũng không ghé vườn cũ nên không biết thôi, tớ trồng cả dãy hoa nhài, một góc ao sen, cả hai cây bưởi. Ở đây thì chỉ có thể trồng sen cảnh làm chút màu, trồng nhài, chứ ở chung cư mà muốn trồng bưởi thì chịu thôi Lam ạ!
Lam phì cười khi nhìn điệu bộ tiếc nuối của Văn. Anh đang giúp cô trồng những cây sen cảnh vào một chậu gốm nhỏ đặt ở góc ban công. Cô vờ quay đi để giấu giọt nước mắt vừa bất ngờ rơi xuống. Hàng chục năm qua, Lam quen với việc đến cả mình cũng không được chiều theo những mong muốn, sở thích của mình, mơ chi việc có ai đó vì mình mà chiều chuộng.
- Cậu thật sướng khi có một khu vườn để trở về. Nhưng cậu nên trồng nhiều loại cây mà cậu thích hay nhiều người thích. Sẽ có ngày ai đó bước vào khu vườn, lỡ biết rằng vì sao cậu trồng những loại hoa này, hoa nọ, họ sẽ chạnh lòng.
- Tớ không quan trọng điều ấy. Tớ chỉ mong có ngày Lam chịu ở lại khu vườn ấy. Và chắc cậu không phiền vì những loài cây ấy chứ?
Lam tránh ánh mắt Văn đang tha thiết nhìn mình. Tối qua, Nhi nói, mẹ ạ, mẹ kể từ bé đến lớn cứ ước mơ có một khu vườn để trồng cây mà chẳng bao giờ có được, thì đấy, chú Văn đã là một khu vườn đấy thôi.
Có bông sen trái mùa vừa nở hoa trong vườn xuân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin