Đặt ra vấn đề về “hình tượng thơ xưa và nay”, chúng tôi nghĩ đây là một chủ đề hết sức thú vị nhưng quá lớn lao, bản thân cảm thấy hụt hơi như người sức mọn được trao gánh nặng. Đường thơ xa vạn dặm. Những tư tưởng, định nghĩa, khái niệm, kiến giải, thức nhận, tranh biện khắp cổ - kim - đông - tây về thơ thì sâu rộng vô cùng. Chỉ vài sải tay ngắn bơi trên ao hồ hẹp, chúng tôi quả thật không dám lạm ngôn mà chỉ xin dẫn luận một vài ý nhỏ sau quá trình tham khảo...
“Thi nhân Việt Nam” - một tác phẩm có giá trị về phong trào Thơ Mới |
L.X.Vưgotxki - nhà tâm lý học nghệ thuật người Nga vào thời Xô Viết nói đại ý rằng: “Cái kỳ diệu của nghệ thuật có chăng là giống với một thứ kỳ diệu khác của Kinh phúc âm: hóa nước thành rượu. Nghệ thuật đối với cuộc sống cũng như rượu đối với nho...”. Ông ta đã có lý khi chỉ ra rằng, nghệ thuật lấy chất liệu từ cuộc sống, nhưng đưa lại một cái gì cao hơn hoặc chưa có ở chất liệu trong cuộc sống ấy. Điều “cao hơn” và “chưa có” đó là điều gì? Tôi tìm kiếm trong kho tàng kiến văn nhân loại, từ Aristotle đến Platon, từ Xukhomlynsky đến Rimbaud, từ Uýtman đến Quách Mạt Nhược, từ Hoài Thanh, Hoài Chân đến Chế Lan Viên... Và rồi vẫn tự hỏi, phải chăng, đó chính là hình tượng nghệ thuật, là thông điệp chuyển tải, là thức nhận và cảm xúc? Nói chung, là thước đo giá trị mà nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng mang lại đối với nhân sinh?
Với điều này, xin bắt đầu tìm kiếm từ triết học và mỹ học. Nếu triết học nói sâu xa về nội hàm và ngoại diên về hình tượng nói chung thì ngành mỹ học cơ bản đã tạm khái quát về khái niệm hình tượng nghệ thuật. Theo đó, khái niệm này được hiểu theo hai nghĩa, nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Đối với nghĩa rộng, khái niệm hình tượng chỉ đặc điểm chung về phương thức phản ánh đời sống của tất cả các loại hình nghệ thuật. Nó là cái khác căn bản nhất để phân biệt nghệ thuật với các hình thức ý thức xã hội khác. Nếu khoa học lấy những sự vật, hiện tượng để chứng minh cho các quy luật, thuộc tính thì nghệ thuật lại chọn những cái cá biệt, cụ thể mang tính điển hình để xây dựng những cái toàn thể, lớn lao. Cũng là mặt trời, mặt trăng, ngọn gió, hạt mưa... nhưng nhà thiên văn học tiếp xúc đối tượng khác với thi sĩ.
Về nghĩa hẹp, khái niệm hình tượng được coi như một thủ pháp. Qua đó, mọi thứ trong đời sống, dù tầm thường nhất, khi đi vào nghệ thuật đều có thể trở thành hình tượng, một khi nó mang trong mình những thông điệp, những quan niệm, những trải nghiệm cuộc sống, những triết lý nhân sinh sâu sắc.
Thơ ca là nghệ thuật của ngôn từ. Qua ngôn từ, hình tượng nghệ thuật được tái hiện, tồn tại, sống động, lung linh. Cái đẹp, cái hoàn mỹ, những nhận thức, xúc cảm mới mẻ, những chân lý đời sống sâu sắc của hình tượng nghệ thuật mà thơ mang lại được hình thành trên phương tiện ngôn ngữ đỉnh cao. Vì lẽ đó, hình tượng nghệ thuật thơ tái hiện cuộc sống, nhưng lại không đơn thuần là sự phản ánh mang tính sao chép cơ học, mà là sự tái hiện phản quang đa chiều, được soi chiếu, chọn lọc tinh tế và sáng tạo. Thủ pháp ước lệ trong xây dựng hình tượng đã giúp nhà thơ vượt qua sự mô phỏng máy móc hiện thực mà hơi thở cuộc sống được chuyển hóa như nhịp đập phập phồng trong trái tim nhà thơ. Cuộc sống thì muôn màu, không bị giới hạn bởi không gian, không bị quy định bởi thời gian mà ngôn từ của thi ca được chọn lọc trong hệ thống mẫu tự thì có giới hạn. Người làm thơ thông qua cảm xúc, tài năng và trí tuệ, đã biến những hiện tượng có thật trong cuộc sống thành hình tượng nghệ thuật cô đọng nhất, súc tích nhất với sự lay động, truyền cảm mạnh mẽ, mang những ấn tượng sâu sắc nhất đến với người cảm thụ.
* * *
Người ta cho rằng, hiện thực cuộc sống trong nghệ thuật là hiện thực cuộc sống thứ hai, một hiện thực thu hẹp trong độ hàm ngôn sâu sắc nhất. Lẽ đó, thơ nói riêng và văn chương nói chung chính là phương tiện để chuyển tải tư tưởng, tình cảm. Thơ như những cánh chim tiên phong để biểu đạt sự thay đổi nhận thức, cảm xúc của con người về hiện thực khách quan. Bằng những hình tượng cụ thể, thơ mang lại cho con người không chỉ những thông tin, những thông điệp, những kiến thức mà còn mang đến những xúc cảm mới lạ, gợi dậy những tình cảm thiêng liêng khiến con người nghĩ sâu hơn, sống đẹp hơn, hành động cao cả hơn. Công chúng trở thành chủ thể sáng tạo thứ hai sau nhà thơ, họ không chỉ là đối tượng cảm thụ mà còn là đối tượng chia sẻ. Trong hoàn cảnh này, người sáng tạo thi ca và đối tượng tiếp nhận trở thành bạn tâm giao. Sự lay động của hình tượng thơ cao quý đã biến những người xa lạ trở thành những người đồng cảm trong một trường liên tưởng chứa chan cảm xúc. Soi thơ, cảm nhận thơ, thấy hình bóng của chính mình, hiện rõ trên đó tâm tư, suy nghĩ, lý trí và cảm xúc của mình.
Những người Nga yêu đất nước của mình sẽ càng yêu hơn khi đọc Sergei Yesenin: “Ôi, nếu thiên thần lên tiếng gọi/ Bỏ nước Nga lên sống ở Thiên Đường/ Tôi sẽ đáp Thiên Đường xin để đấy/ Cho tôi xin ở cùng Tổ quốc yêu thương”. Những người thất tình sẽ kiêu hãnh hơn khi đọc Puskin: “Tôi yêu em chân thành, đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Yêu quê hương đến xót xa nên Quang Dũng mới miêu tả “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc” ám ảnh đến thổn thức...
Vì lẽ đó mà có thể nói rằng, thơ là hình ảnh của cuộc sống khách quan được soi chiếu qua lý trí, cảm quan, qua đôi mắt của người làm thơ bằng cái nhìn đa cảm, tinh tế và sâu sắc. Sự thống nhất của lý trí và tình cảm, sự chi phối và ám ảnh của ký ức và thực tại. Sự dồn nén của ẩn ức tâm lý và khao khát sáng tạo sẽ làm cho hình tượng thơ bật lên và chói sáng. Quá trình lao động sáng tạo đắm chìm trong không gian nghệ thuật, cách vận dụng ngôn từ và các thủ pháp tài hoa mang dấu ấn riêng, phong cách riêng của nhà thơ sẽ tạo nên những tác phẩm hoàn mỹ. Đó là những yếu tố để tác phẩm trường tồn với thời gian. Trong hoàn cảnh đó, thi phẩm sẽ là món quà nghệ thuật kỳ diệu, mang đến và làm lay động những ngóc ngách tinh thần, tư tưởng, tình cảm của công chúng thưởng lãm, thụ hưởng. Một thi phẩm càng chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc thì càng dễ đi vào lòng người, càng sâu sắc thì độ bền càng lâu, càng khác lạ thì thời gian trôi không bị bào mòn. Ở Việt Nam, những tác giả, tác phẩm vượt thời gian từ thời Thơ Mới như Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận…; những thi phẩm tiền chiến của Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan...; thơ của Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán vẫn lồ lộ vàng ròng dù chủ thể sáng tạo phải trải bao ngọt bùi, cay đắng...
Nếu nhà thơ khao khát mang hồn mình chia sẻ với hồn người thì công chúng là đối tượng tiếp nhận khách quan nhưng không thụ động. Từ góc độ cảm thụ, chúng ta đã từng rơi nước mắt khi tiếp nhận những vần thơ viết về nỗi đau nhân thế như Kiều, như Cung oán ngâm khúc, như Chinh phụ ngâm đã từng trào dâng cảm xúc hướng thượng khi cái đẹp trong cuộc đời được biểu đạt sinh động qua hình tượng thơ; nỗi nhớ trào dâng khi nhà thơ nói thay lòng mình về những trạng huống tâm lý trở về miền ký ức. Là công chúng của thơ, ai cũng có thể gặp những xúc cảm ấy khi đọc Lá cỏ của Wail Uýtman, Dâng của R.Tagor, Tinh huyết của Bích Khê, Điêu tàn của Chế Lan Viên, Vũ trụ ca của Huy Cận. Chúng ta cũng đắm đuối trở về tuổi thơ của mình cùng Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa...
Thơ đã làm sống dậy những giác quan con người, thơ “bắt” khối óc và trái tim của người tiếp nhận phải trải qua những thức nhận, buồn vui. Chính điều này là sự ghi nhận cũng như đòi hỏi những yếu tố tạo nên nhà thơ, đó là: tài năng, tâm hồn, cá tính, phong cách, vốn văn hóa, vốn sống và niềm đam mê sáng tạo.
Chính vì vậy, theo chúng tôi, mỗi người làm thơ phải tìm đường đến với công chúng thông qua kênh giao tiếp đó là tác phẩm và chỉ có tác phẩm mới có quyền cất lên tiếng nói. Cái chức năng giao tiếp của thơ, theo cách hiểu nông cạn của chúng tôi thì đó là sự gặp gỡ và chia sẻ giữa tác giả và độc giả, là sự đồng điệu giữa độc giả và độc giả, là sự hòa nhịp giữa chuyện muôn năm cũ với người mai sau. Muốn cho những cuộc gặp gỡ ấy trở thành tâm giao thì không có gì khác hơn là phải có thái độ giao tiếp chân thành, cởi mở, trung thực, hấp dẫn và chứa chan cảm xúc...
(CÒN TIẾP)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin