Tự tình hoa ban

THÀNH NAM 04:48, 18/01/2024

Phố núi những ngày cuối năm, trời xanh, mây trắng, nắng vàng, mùa xuân đang lấp ló ngoài hiên. Những ngày đẹp nhất năm cũng đã đến. Mùa này, bước chân ra ngõ sẽ có một cảm giác hay đến lạ lùng. Mỗi bước chân đều là một hành trình đến với sự thơ mộng của thiên nhiên, với những mảng màu đặc trưng của hoa, lá. Tôi đã từng ngất ngây trước vẻ đẹp của mai anh đào, sự lả lơi, đài các của phượng tím, thế nhưng nét tinh khôi của hoa ban đã khiến tôi thao thiết tự lúc nào. 

Hoa ban trắng - vẻ đẹp tinh khôi
giữa lòng Đà Lạt
Hoa ban trắng - vẻ đẹp tinh khôi giữa lòng Đà Lạt

Đà Lạt mỗi mùa mỗi vẻ, mỗi cung đường ta qua, một góc phố ta đến đều chan chứa ân tình. Không như mai anh đào cứ “ngủ đông” một thời gian, chẳng giống phượng tím cứ kiêu sa, lãng mạn, hoa ban Đà Lạt gieo vào lòng du khách bởi sự tinh khôi, trong trắng. Đầu xuân, khi Tết đến rất gần là lúc hoa ban trắng cứ nồng nàn, thổn thức lòng người. 

Vậy là thêm một mùa xuân nữa người Đà Lạt có thêm một màu hoa để đợi chờ và cũng thêm một một mùa xuân nữa, ban trắng khai hoa, nở nhụy để níu chân du khách ở lại với phố núi cao nguyên. Khi dã quỳ vừa nói lời tạm biệt Đà Lạt thì hoa ban cũng đã kịp khoe sắc để làm cho “bảo tàng hoa” nơi “miền đất lạnh” thêm phần lung linh và rực rỡ. Ngày trước, những mầm xanh của hoa ban đã được gieo trên những tuyến đường của TP Đà Lạt để rồi giờ đây, loài hoa ấy như một đứa con trưởng thành và đều đặn ra hoa nơi mảnh đất với hai mùa mưa, nắng. Từ núi rừng Tây Bắc, ban trắng chọn Đà Lạt làm nơi để tạo dáng, tạo sắc cho đời. Nhắc đến loài hoa này, người Đà Lạt không chỉ biết đến một loài hoa có sắc màu tinh khôi mà đó còn là biểu trưng cho một câu chuyện về tình yêu đôi lứa, sự thủy chung và son sắt đến mặn nồng.

Chuyện kể rằng, thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Cả hai là một đôi trai tài, gái sắc. Nhưng nàng bị gia đình ngăn cấm. Cha của Ban ép gả nàng cho một người con trai nhà giàu nhưng lười nhác và bị gù lưng. Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum gặp chàng để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người yêu rồi bươn bả đi tìm chàng. Cuối cùng kiệt sức, nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Người dân đặt tên cho loài hoa ấy là hoa ban. Khum, sau khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang. Biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm nàng. Dò hỏi bà con bên bản người yêu, Khum biết được là nàng đã bỏ nhà ra đi, còn đi đâu thì không rõ. Thế là chàng trai lên đường đi tìm người yêu. Đi mãi hết sóc này, bản khác mà vẫn không tìm thấy bóng người yêu. Cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hoá thành con chim sống lẻ loi trong rừng. Cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết từ năm nào.

Tình yêu của cô gái miền sơn cước Tây Bắc ngày nào giờ đã được hiện hữu, hóa thân nơi loài hoa ban trắng tinh khôi. Loài hoa ấy như nhắc nhở về một giai thoại tình yêu đẹp mà buồn đến nao lòng. Không những thế, tình yêu của đôi trai gái miền Tây Bắc dù đã bị lớp bụi thời gian phủ lên nhưng nó vẫn nguyên vẹn về giá trị: đó là giá trị về đạo lý con người, giá trị về lòng thủy chung.
 
Vậy là mùa này phố núi Đà Lạt đã thay chiếc áo màu vàng của dã quỳ để khoác lên mình màu áo mới - màu trắng của hoa ban. Trên những cung đường của “thành phố vừa đi đã mỏi” này, hoa ban đã để lại cho người dân cũng như du khách biết bao cảm xúc khó tả. Màu trắng của hoa ban như một lời mời gọi và nó đã “hằn” lên trong tâm trí du khách để rồi khi xa thành phố này, họ đã chở miền thao thức loài hoa ấy về xuôi...