BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Hành trình di sản trong thời đại số

ÁNH NGUYỆT 00:11, 09/02/2024

Trò chuyện với “khách báo”, ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV chia sẻ: “Chúng tôi thực sự rất vui mừng thông báo con số 34.618 tấm mộc bản đến nay đã giảm xuống còn 33.971 tấm. Hơn 600 tấm mộc bản được ghép lại từ những mảnh vỡ là một sự cố gắng không ngừng nghỉ của các cán bộ ngành lưu trữ. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Không gian bảo quản di sản Mộc bản Triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV được mở cửa rộng rãi cho công chúng tiếp cận với những trải nghiệm mới mẻ, là sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại. Đó còn là sự kết hợp hài hòa giữa khoa học công nghệ với nghệ thuật sáng tạo”.

Nhân viên lưu trữ đang sao chép tư liệu từ mộc bản
Nhân viên lưu trữ đang sao chép tư liệu từ mộc bản

• GIỮ GÌN KÝ ỨC, ĐÁNH THỨC TƯƠNG LAI 

Được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XIX, dưới vương Triều Nguyễn, khối tài liệu mộc bản được coi là quốc bảo, là báu vật của hoàng triều. Những mộc bản này phải trải qua một quy trình chế tác hết sức nghiêm ngặt theo mệnh vua ban để thực hiện sứ mệnh lưu trữ, truyền bá thông tin. Nội dung của tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam dưới thời phong kiến. Cho đến đầu thế kỷ XX, khi công nghệ in phát triển, mộc bản không còn giữ vai trò là các “máy in” chủ đạo mà trở thành những tài liệu gốc, được bảo quản, lưu trữ để đối chiếu với các thư tịch khác. Năm 2006, Bộ Nội vụ thành lập Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (toạ lạc tại số 02 Yết Kiêu, TP Đà Lạt) và giao cho Trung tâm trực tiếp quản lý, tổ chức sử dụng khối tài liệu này cho đến ngày nay.

 Mộc bản Triều Nguyễn
Mộc bản Triều Nguyễn

Đến năm 2009, hơn 34.000 tấm mộc bản chứa đựng nội dung của 152 đầu sách trên nhiều lĩnh vực được chế tác, tập hợp từ thời Nguyễn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. 

Trong ký ức của mình, gần 20 năm trước, Tiến sĩ Phạm Thị Huệ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV và những đồng nghiệp không thể nào quên khi được tiếp nhận khối tư liệu quý giá. Tiến sĩ Phạm Thị Huệ nhớ lại: “Năm 2006, thời điểm Trung tâm vừa tiếp quản để tiếp tục chỉnh lý khoa học các khối tài liệu, chúng tôi xem mộc bản như những người bạn tri kỷ, để tìm tòi, nghiên cứu. Với một kho tàng mộc bản khổng lồ hơn 3.000 tấm đang trong tình trạng lộn xộn, rêu mốc bám đầy; 10 nhân sự chúng tôi đã làm việc không quản ngày đêm. Và sau hơn 10 năm, những tấm mộc bản đã thành bộ, thành sách và đang được hậu thế gìn giữ, bảo tồn, lan tỏa giá trị cho đến hôm nay”. Trải qua bao thăng trầm thời gian cùng những biến đổi của lịch sử, nhiều khối di sản tư liệu đã không còn nguyên vẹn mà bị hư hại, mất mát. Song những gì còn lưu giữ đến hôm nay chính là nguồn tài sản vô giá, là sợi dây kết nối giữa hiện tại và quá khứ trong quá trình tìm về di sản.

Khách tham quan, trải nghiệm công nghệ hiện đại tại không gian con đường di sản
Khách tham quan, trải nghiệm công nghệ hiện đại tại không gian con đường di sản

• MỘC BẢN TRONG KỶ NGUYÊN SỐ 

Trong cuộc hành trình khám phá không gian số hóa "Con đường di sản", bà Trần Thị Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - đã rất phấn khởi chia sẻ: "Con đường di sản" là một không gian trưng bày độc đáo, với những chuyên đề riêng, đã tạo nên những trải nghiệm đáng nhớ cho khán giả. 

Chuyên đề đầu tiên, mang tên "Mộc bản - Bảo vật hoàng triều" đã sử dụng công nghệ 3D mapping và công nghệ cảm ứng trên kính, nhằm tái hiện một cách chân thực lịch sử hình thành mộc bản. Chuyên đề tiếp theo khiến khách tham quan ấn tượng không kém, là "Quy trình biên soạn và khắc in mộc bản" đã mô phỏng một cách sống động các giai đoạn từ việc tuyển chọn thợ khắc, chuẩn bị vật liệu, biên soạn và khắc in mộc bản thông qua phương pháp vẽ tranh cát trên ứng dụng Hologram. Cuối cùng, tại chuyên đề "Thiên hùng ca sử Việt" khán giả đã có cơ hội thưởng thức những tác phẩm như "Chiếu dời đô", "Hịch tướng sĩ", "Nam quốc sơn hà" và "Bình Ngô Đại cáo" thông qua công nghệ thực tế ảo VR 360”. Nhờ những công nghệ này, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã tái hiện lịch sử một cách sống động, giúp du khách hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và sự tạo dựng của mộc bản. Sự tái hiện mộc bản một cách chân thực và sinh động đã mở ra một cánh cửa mới, cho phép du khách khám phá và tìm hiểu về một phần quan trọng của di sản văn hóa của quốc gia.

Nhìn vào những kết quả đạt được, rõ ràng mộc bản đã trở nên mới mẻ, sống động và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Những giá trị quý giá chứa đựng trong khối tài liệu này, cùng với truyền thống anh hùng và bất khuất, đã được truyền tải thông qua từng nét vẽ và ứng dụng công nghệ số hiện đại. Thay vì chỉ đọc thông tin trên trang giấy, khán giả có thể trải nghiệm một cách tương tác, khám phá các khía cạnh khác nhau của mộc bản và tìm hiểu sâu hơn về các sự kiện, nhân vật và văn hóa trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. 

Việc áp dụng công nghệ số vào mộc bản đã mang lại sự đa dạng và phong phú hơn trong việc tiếp cận kiến thức lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm nay. 

Việc áp dụng công nghệ số vào mộc bản đã mang lại sự đa dạng và phong phú hơn trong việc tiếp cận kiến thức lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm nay. 

Trong thời gian vừa qua, để bảo tồn và khai thác tài liệu mộc bản một cách hiệu quả, Việt Nam và các quốc gia đã triển khai nhiều dự án quan trọng nhằm khôi phục Mộc bản Triều Nguyễn. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ông Marc E. Knapper - chia sẻ: "Từ năm 2001, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam 16 dự án, trị giá hơn 1,2 triệu USD, nhằm bảo tồn di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam. Trong số đó, Dự án "Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới" đã được AFCP thông qua vào năm 2020, với kinh phí 88.209 USD, nhằm bảo tồn 500 tấm Mộc bản Triều Nguyễn đang bị hư hỏng tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV". Dự án đã thành công và không chỉ đảm bảo bảo tồn 500 tấm Mộc bản Triều Nguyễn bị hỏng, mà còn nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý di sản và người dân về việc bảo tồn mộc bản.

Trong thời đại mới, thời đại công nghệ số, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ - đã tiến hành trưng bày Mộc bản Triều Nguyễn theo một cách hoàn toàn mới, sử dụng công nghệ để giới thiệu và quảng bá giá trị của tài liệu lưu trữ trong không gian số hóa "Con đường di sản". Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - cho biết: “Việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ luôn là nỗi trăn trở lớn của chúng tôi. Nhờ công nghệ số, chúng tôi đã giới thiệu tất cả những tinh hoa, những giá trị của đất nước đến được với công chúng bằng nhiều hình thức, truyền cảm xúc, truyền cảm hứng, trực quan sinh động, chứ không bó gọn, xơ cứng ở trong những tấm mộc bản, hay ở trong những dòng chữ, trang sách”. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh: “Việc tái hiện lịch sử một cách sinh động, sáng tạo đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới - Thời đại công nghệ số”. Với những đặc tính quý giá nhất của tài liệu lưu trữ là mang thông tin ghi chép, phản ánh hoạt động của cả vương triều, Mộc bản Triều Nguyễn thực sự là báu vật của tiền nhân để lại, góp công lớn trong việc lưu truyền kho tàng lịch sử vô giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau để tìm hiểu về cội nguồn và bề dày truyền thống, lịch sử phát triển dân tộc Việt Nam.