Tranh minh họa: PHAN NHÂN |
Trăm lần ngồi xe ngược xuôi đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), lần nào tôi cũng thả hồn theo những cánh rừng nguyên sinh dày đặc nằm dưới vực sâu hun hút, kéo dài thăm thẳm đến chân trời phía Đông, nối tiếp với dãy núi trùng điệp đỉnh chìm trong mây trắng, sương mù. Hôm nay cũng vậy, tôi nhấp nhổm trên chiếc xe khách giường nằm từ TP Hồ Chí Minh ì ì vượt đèo để lên Đà Lạt. Xe dừng ở miếu Ba Cô, khách túa xuống giải lao. Tôi mua lon xá xị rồi vừa thơ thẩn ngắm cây hoa dại trổ bông vàng tươi vừa chíp từng ngụm mát lạnh, thơm nồng. Chợt từ phía đầu đèo, một người đàn ông dân tộc thiểu số đầu trần phơi tóc quăn, râu ria lởm chởm, mặc áo thổ cẩm sát nách, chân mang giày vải, ống quần quấn xà cạp lên gần đầu gối, lưng đeo gùi có cây nỏ nhô lên, tay cầm xà gạt dắt theo 3 con chó săn to khỏe, phăm phăm rẽ xuống con đường mòn hun hút dưới vực thẳm. Ông ta bỗng nhoẻn miệng cười với tôi, thấy thiện cảm nên tôi rút gói thuốc con mèo mời ông một điếu:
- Anh đi săn à? - tôi hỏi.
Người đàn ông ngoài 40 tuổi, da ngăm phà khói, gật đầu:
- Ừ... đi săn! Tháng nào mình cũng đi 2 - 3 chuyến...
Tôi chỉ tay vào khu rừng mênh mông dưới vực sâu, hỏi:
- Chắc anh thuộc hết đường rừng?
- Ừ, có chuyến ở trong rừng 5 - 6 ngày mà, đi nhiều thì nhớ hết đường...
- Anh có gặp voi hay cọp không?
- Chỉ thấy dấu chân thôi, nhưng... có lần mình thấy con gì lạ lắm!
- Lạ thế nào?
- Một con trăn to có râu với chân như con gà, con thỏ..., sợ quá nên lần sau không dám đến gần hang đá đó nữa!
Tôi bàng hoàng nhìn anh ta, khuôn mặt sương gió, rám nắng toát lên vẻ chất phác nên không thể không tin. “Quái vật sao? Chụp ảnh, quay phim về một con quái vật”, tôi sướng lịm với ý nghĩ đó nên nắm cánh tay rắn chắc của anh ta nằn nì:
- Anh dẫn tôi đến đó được không?
Anh này sợ hãi:
- Không... không được đâu...
Một ý nghĩa lóe lên, tôi rút trong bóp ra 6 tờ 500 ngàn dúi vào tay thợ săn, anh ta cầm tiền nhưng ngần ngừ. Tôi tấn công luôn:
- Tôi là nhà báo, anh giúp tôi cũng là giúp cho tỉnh mình, nước mình nổi tiếng khắp thế giới. Tôi sẽ nói rõ anh là người phát hiện ra quái vật và anh sẽ rất giàu, đủ tiền xây nhà lầu, mua xe hơi, khỏi vào rừng đi săn chi cho cực khổ...
Anh ta nhíu mày, suy nghĩ rồi gật gù, hạ giọng, mắt mơ màng:
- Mình chỉ thích... cái nhà sàn to với nhiều trâu bò, chum chóe, cồng chiêng thôi!
Tôi vỗ vai anh ta cười phá lên:
- Lúc đó anh sẽ cất 10 cái nhà sàn to, mua mấy chục đàn trâu bò, mấy chục giàn cồng chiêng...
Anh ta gục gặc đầu cười cười, tôi mừng quá chạy ngược qua đường, vào mấy cửa hàng mua vội mớ bánh quy, bánh mì, xúc xích, lạp xưởng làm lương thực dự trữ nhét căng phồng cái ba lô, lấy thêm 2 cái áo mưa, chiếc mũ rộng vành với chục chai nước gắn khắp cái túi ba lô vừa bỏ vào gùi thợ săn. Chúng tôi bắt đầu lên đường tìm quái vật...
***
Suốt 2 ngày len lỏi dưới tán rừng già ẩm ướt phủ lá mục dày lút bàn chân, tôi phấn khích đến quên hết mệt mỏi. Sau 6 năm làm phóng viên, tôi đang đứng trước cơ hội “lịch sử” để nổi tiếng với loạt bài và những clip về một con quái vật. Qua mô tả của K’Đe - anh thợ săn người K’Ho, tôi tin chắc đến 99% con quái vật đó là... rồng! Tôi thừa biết rồng, dù là rồng châu Âu hay châu Á cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng một con trăn khổng lồ sống lâu năm trong rừng rậm âm u có thể là quái vật thời tiền sử sót lại nếu được gọi là “rồng” cũng rất xứng đáng. Cũng không loại trừ nó là giống trăn thời hiện đại nhưng bị biến dị vì môi trường thiếu ánh sáng hoặc ảnh hưởng chất độc da cam do quân Mỹ rải xuống vùng này thời chiến tranh mấy mươi năm trước. Dù nó là gì thì cũng là “hàng độc”, sẽ gây chấn động dư luận và kích thích trí tò mò của hàng tỷ người.
Tôi vừa thoăn thoắt lội rừng vừa mơ giữa ban ngày! Bỗng ba con chó săn khịt khịt gí mõm xuống đất đánh hơi rồi cào cào lá khô sủa dữ dội. K’Đe quay lại bảo tôi im lặng rồi huýt sáo, vỗ tay 3 cái. Ba con chó săn ngưng sủa, tản rộng ra khịt khịt xung quanh gốc cổ thụ to đến cả chục người ôm mới xuể. Tôi móc cái camera mini cầm ở tay phải, tay trái bấm chế độ quay phim của smartphone rồi bước nhanh đến sát K’Đe, thì thầm:
- Thấy nó rồi hở?
K’Đe nói nhỏ vào tai tôi:
- Lẽ ra còn đi thêm một buổi nữa mới đến hang, nhưng... nó đang ở đây...
K’Đe nói chưa hết câu thì tán lá xum xuê che hết mặt trời của cây cổ thụ cao ngất rung lắc như đang chịu cơn cuồng phong. Tiếng răng rắc rộ lên dồn dập rồi lũ lượt cành khô rơi xuống như mưa theo vô số lá xanh, lá vàng...
Lúc này đã 3 giờ chiều, trời nắng gắt, nhưng rất ít tia sáng lọt được qua lớp lớp lá dày của rừng già. Xung quanh gốc cổ thụ, ba con chó săn chạy lăng xăng, ngước mõm sủa inh ỏi dưới ánh sáng mờ mờ như trời đang rạng sáng. Dù vậy, tôi vẫn bàng hoàng, sững sờ với những gì đang chứng kiến...
Ở chảng ba của cây cổ thụ, cách mặt đất gần 15 m, con quái vật mình rắn đen trũi quấn một vòng quanh nhánh cây to như cái xì - téc 12.000 lít, phần đuôi dài 5 - 6 m của nó lòng thòng trước mặt tôi với K’Đe. Càng kinh hoàng hơn khi phần đuôi không nhọn như trăn, rắn thông thường mà xòe ra như đuôi cá mập... K’Đe ghị đầu tôi chỉ:
- Hai chân sau của nó kìa!
Tôi lặng người khi phát hiện cặp chân to, khỏe như chân đà điểu ở phần trên đuôi đang bám vào thân cây đồ sộ... K’Đe hổn hển:
- Giờ thì ông tin con rắn khổng lồ này có chân như gà chưa?
Tôi đưa cả hai tay lên cùng quay cảnh “lịch sử” này vào cả camera mini lẫn điện thoại di động. Tim tôi đập như sắp vỡ lồng ngực, chân muốn khuỵu xuống, nhưng cố gắng tự chủ để ghi lại hình ảnh quá đặc biệt này. Bất ngờ một tiếng khè, rít chói tai vang lên như tiếng xả xú - bắp của nồi hơi công nghiệp, kèm theo đó là luồng gió cực mạnh, nặng mùi từ trên cây ập xuống như muốn xô ngã tôi và K’Đe... Cả hai loạng choạng bước lùi, trong khi ba con chó gào sủa dữ dội gấp đôi, gấp ba trước đó. K’Đe rút cây nỏ sau gùi ra lắp tên hướng lên ngọn cây... Tôi cũng lập cập giương máy quay lên, đúng lúc cái đầu đồ sộ của con quái vật lộ ra từ tán lá um tùm từ trên cao lao phựt xuống táp gọn một con chó săn hơn 40kg của K’Đe. Tôi há hốc mồm, đứng như trời trồng trước diễn biến chớp nhoáng này, nhưng cũng kịp nhìn rõ cái miệng há to gần sải tay khoe hai hàm răng lởm chởm, sắc nhọn của quái vật. Khi nó ngậm con chó rồi rút lên cây, tôi hét lên kinh hoàng khi nhận ra nó là một con rồng với đôi mắt xếch dữ tợn, mũi lân to gồ ghề cùng hai cái sừng giống nai và bờm y hệt sư tử. Khi nó thả mình xuống táp mồi, hai chân trước xòe ra 5 ngón sắc nhọn như đại bàng. Chân tôi bủn rủn liu xiu té ngửa, máy quay và điện thoại rớt khỏi tay, sau lưng là cái ba lô nên không thấy đau khi lưng đập xuống cái rễ cây to lớn, sần sùi. K’Đe giương nỏ bắn mũi tên trúng ngay cái cổ to như cổ bò mộng của con rồng. Bộ da đen trũi của nó phồng lên với vô số mảnh vảy sừng cứng như những tấm khiên thép làm mũi tên dội ngược, văng xuống đất... K’Đe lôi tay tôi hét lên:
- Chạy đi... Nó táp mình đó...
Tôi chộp điện thoại, máy quay rồi ù chạy theo K’Đe, hai con chó săn còn lại cũng hết dám sủa, cong đuôi chạy theo chủ...
Chúng tôi chạy băng băng suốt hơn 2 tiếng đồng hồ. Đến sẫm tối thì gặp đường nhựa, rừng già ở sau lưng khá xa và con rồng dữ cũng không đuổi theo, tôi với K’Đe nằm lăn ra vệ đường thở hồng hộc với quần áo te tua, đẫm mồ hôi. Hai con chó cũng hổn hển lè lưỡi... K’Đe quên hết mệt nhọc, lấy nước trong trái bầu khô sau gùi, ôm cổ đổ vào họng từng con, sau đó anh uống mót phần nước ít ỏi còn lại trong bầu. Tôi đã đỡ mệt, ngồi dậy mở ba lô, thảy cho anh ta chai nước suối rồi uống một hơi hết sạch chai khác. Bây giờ tôi mới tua lại hình ảnh lưu trong camera và điện thoại. K’Đe cũng ghé vào xem rồi lắp bắp:
- Có khi nào nó là con rắn của Yàng (trời) không? Mình bắn nó Yàng phạt chết!
Rồi K’Đe gào lên tức tưởi:
- Con chó săn to nhất, khôn nhất của mình cũng mất rồi...
K’Đe khóc tu tu, hai con chó săn cũng buồn hiu vẫy đuôi, rên ư ử quanh ông chủ tóc tai bù xù, nước mắt ràn rụa. Kiểm tra thấy hình ảnh đoạn phim quá hoàn hảo, tôi mừng muốn nhảy cẫng lên reo hò, nhưng thấy K’Đe đang buồn nên chẳng dám. Điện thoại còn 2 cột sóng, tôi gọi ngay cho Tổng biên tập:
- Gì thế chú? - giọng của sếp tổng rổn rảng như mọi ngày.
- Dạ... báo cáo... em vừa làm xong phóng sự...
- Phóng sự gì?
- Dạ... phóng sự... rồng!
- Là sao?
- Là em vào rừng sâu, quay trọn vẹn cảnh một con rồng khổng lồ dài hơn 20 m táp gọn một con chó săn 4 - 5 chục ký!
Tổng biên tập bật cười:
- Rờ trán coi có sốt không mà ăn nói hoang đường quá vậy. Trên đời này làm gì có rồng? Đang xem phim à?
- Dạ, em vừa gửi clip vào Zalo, sếp xem sẽ rõ...
5 phút sau sếp gọi lại, giọng lạc đi vì xúc động:
- Rồng thiệt mày ơi... Chấn động... Báo mình sắp có loạt bài chấn động thế giới... Đúng là phóng sự rồng... Chú mày giỏi quá, giỏi quá! Rất khâm phục!
***
Tôi như lính trận với quần áo tả tơi, đôi giày thể thao bê bết bùn đỏ, mặt mũi rám nắng, khoác cái ba lô bước xuống chiếc Lancruiser mới tinh vừa đỗ ở sân tòa soạn. Cả 3 vị trong Ban biên tập đang ngồi ở salon trong phòng khách cùng ào ra, tíu tít ôm vai bá cổ tôi. Sếp tổng ánh mắt chứa chan, giọng run run:
- Người hùng... Em đúng là người hùng... Sẽ đặc cách cho em vào biên chế và thưởng cho em 500 triệu đồng. Em ăn uống gì chưa, để anh gọi nhà bếp chuẩn bị tiệc mừng người hùng trở về nhé!
Sếp phó phụ trách nội dung nhìn tôi trìu mến:
- Báo in tăng phát hành lên hơn triệu bản, còn online thì mỗi ngày đêm 50 triệu lượt truy cập. 30 năm làm báo của tôi chưa bao giờ dám mơ đến điều này. Cám ơn em... Xin được cám ơn em, chàng trai trẻ thiên tài!
Phó tổng phụ trách trị sự - hành chính nhìn tôi lo lắng:
- Em đã vất vả rất nhiều, nhưng cố gắng kéo phóng sự rồng thêm vài kỳ được không? Sáng giờ các đại lý hỏi dồn dập. Nếu được vậy, số ngày mai ta sẽ phát hành... 2 triệu bản! Lịch sử báo chí nước nhà chưa bao giờ có tờ báo nào làm được điều vĩ đại đó!
Khi chàng phóng viên mới qua cửa tập sự là tôi gật đầu, 3 ông sếp đầu muối tiêu ôm nhau nhảy cẫng lên reo hò. Người từ các phòng, ban nghe chuyện kéo đến chúc mừng, tung hê tôi. Tôi ngất ngây với hạnh phúc bất ngờ. Chợt ngoài cổng ồn ào rồi một đoàn mấy trăm phóng viên với cả rừng máy ảnh, máy quay phim hiện đại chen nhau lao vào sân tòa soạn, hò hét như vỡ chợ. “Đài tôi xin trả cho cuộc phỏng vấn độc quyền tác giả phóng sự rồng 300 triệu...”, “Báo tôi tặng một ô tô cho bài phỏng vấn ưu tiên”... Có cả mấy nhà báo Tây với máy quay đồ sộ, tay cầm cả bó đôla chìa vào mặt tôi mời mọc, gạ gẫm... Tôi choáng ngộp trước vinh quang nghề nghiệp nhưng vẫn đủ bình tĩnh, khôn ngoan để hét lên:
- Xếp hàng... yêu cầu xếp hàng cho văn minh, lịch sự. Những báo, đài trong nước hoặc quốc tế trả thù lao dưới 20 nghìn đôla thì khỏi cần xếp hàng, vì tôi... rất bận, chỉ tiếp báo đài lớn thôi!
Chợt một khuôn mặt xinh đẹp, rất quen vì thường xuyên xuất hiện trên bìa báo xuân, lịch, quảng cáo truyền hình... đứng ở hàng trước nhoẻn đôi môi mọng đỏ cười tình tứ với tôi. Giọng nàng ngọt ngào:
- Em là Hoa hậu Ái My, đại diện cho Tập đoàn truyền thông Ái Hữu... Em hổng có thù lao trăm triệu, ngàn triệu, nhưng muốn mời anh đi ăn tối được không hở chàng “siêu phóng viên”?
Tôi há hốc rồi gật lia gật lịa mà chẳng cần suy nghĩ...
***
Chuông reo từng hồi dài, tôi giật mình, dụi mắt rồi chồm lấy cái điện thoại áp vào tai. Giọng trưởng ban bực bội:
- Cả tháng nay sao không thấy cậu nộp bài?
- Dạ... dạ... em... em...
- Hai tháng trước cậu bị xếp loại C rồi, tháng này C nữa thì xuống làm cộng tác viên nhé!
Tôi nằm ngửa ra ôm cái điện thoại trước bụng, mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà, nhớ lại giấc mơ đẹp vừa trải qua rồi lại nhớ đến giọng hắc ám của gã trưởng ban, bỗng tức và buồn ghê gớm.
Chợt có tiếng gõ cửa, tôi nằm lì trên giường với thái độ bất cần, nói to:
- Vào đi, cửa không khóa...
“Cạch”, cánh cửa tole ọp ẹp mở bung, bà chủ nhà đứng chống nạnh sừng sộ:
- Chừng nào trả tiền trọ? Trễ 3 tuần rồi...
Tôi bật dậy lắp bắp rồi tha thiết năn nỉ:
- Tháng này con chưa có nhuận bút dì ơi, cho con thêm mấy ngày đi...
“Rầm!”, cửa đóng, bà chủ đi ra, ném lại một câu nặng nề:
- Tết nhứt đến nơi mà 9, 10 giờ sáng còn ngủ, lười chảy thây biểu sao không nghèo!
Tôi thở dài thả người xuống giường lẩm bẩm:
- Phải có phóng sự Rồng thì mới mong thay đổi vận hạn. Rồng ơi... mày ở đâu? Rồng ơi, thương tao với!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin