Tranh minh họa |
Những ngày tôi lên 4, lên 5, mẹ sinh em bé, bố đi làm xa, ông bà thay bố mẹ nuôi nấng. Bà tôi là nông dân, quanh năm quấn quýt vun trồng từng gốc mướp, gốc cà, bãi khoai, bãi ngô... Nhiều ngày, khi lúa khoai vào vụ, sáng mở mắt ra, bà đã ra đồng, tối mịt mới gặp bà. Ông là bác sĩ, thời gian dành cho cháu nhiều hơn, dù thật “oách” trong suy nghĩ non nớt lúc ấy, tôi cũng cảm nhận được công việc của ông nhiều áp lực hơn. Tôi vẫn luôn có một cảm giác yên tâm khi ở bên ông. Yên tâm đến mức, thật khác với nhiều đứa trẻ, đã có lúc tôi không muốn rời ông để quay về với mẹ.
Tôi nhớ một cái Tết rất xa, nửa đêm pháo nổ đì đùng. Tôi luôn nằm rúc dưới cánh tay ông ngoại, phần vì trời vẫn mưa phùn gió bấc lạnh, phần vì sợ âm thanh của pháo nổ bên tai. Và chênh chếch trên đầu hai ông cháu là cái radio cũ kĩ chạy bằng pin, phát ra những câu chèo, ca cổ mừng năm mới. Thường xuyên trong những khoảng thời gian bình yên ấy, sẽ có tiếng khóc gào của ông bố, bà mẹ nào đấy từ tận đầu ngõ vào tận nhà: “Cứu con tôi với, ông Sâm ơi! Pháo nổ lòi bụng con tôi rồi!”. Ông bật dậy như lò xo, cắp túi đồ nghề dao kéo thuốc thang, đạp xe đi, dáng lầm lũi trong đêm. Gặp những ca phức tạp, cậu tôi lúc ấy còn là sinh viên trường Y về nghỉ Tết cùng đi theo phụ bố.
Một trong những bệnh nhân của ông là chú Dần. Di chứng từ lần bị pháo nổ “lòi bụng” khiến thần kinh chú không được bình thường, thường quát to rồi cười sằng sặc khiến con nít trong xóm rất sợ. Tôi không sợ chú, vì mỗi lần nhìn thấy tôi, chú nhận ra ngay cháu ông Sâm, người cứu chú thoát chết giữa đêm Ba mươi, liền đưa tay chào và hô to như khẩu lệnh: “Chào cháu ông Sâm!”. Có lần còn dúi cho hẳn mấy quả chuối vừa vặt được trong vườn nào đó, còn tươi rói. Còn nếu đang quậy phá hét hò đâu đó, gặp ông tôi, chú sẽ ngưng ngay, cúi đầu vòng tay chào ngoan như một đứa trẻ.
Ông ngoại là bác sĩ trạm trưởng trạm y tế xã. Vào những năm 80, quê tôi vẫn còn thiếu bác sĩ nên ông kiêm đủ thứ: Chữa bệnh cho con nít, người lớn lẫn người già, kể cả việc đỡ đẻ. Dạo bé, bố mẹ công tác xa, tôi ở với ông bà ngoại nên thường xuyên theo ông ra trạm. Trạm xá có hành lang dài rợp mát bóng nhãn. Tôi thường ngồi ở đấy chờ mỗi khi ông bận việc. Vẫn nhớ như in tiếng khóc váng của những đứa trẻ ông đỡ ra khỏi bụng mẹ, chỉ vài phút sau sẽ thấy nụ cười ông thật tươi. Hoặc có khi ông về nhà, dáng hơi liêu xiêu. Là khi nguồn máu dự trữ thiếu, ông trao tặng bệnh nhân những giọt máu của mình.
Đáp lại tấm lòng bác sĩ dạo ấy thường là túi cam, túi ổi, sang hơn có túi trứng vịt lộn hoặc lâu lâu có con gà, con vịt ông vẫn đem treo lủng lẳng phía trước mỗi khi đạp xe đi thăm bệnh về. Nếu dọc đường đi gặp người quen nghèo khó, túi quà về đến nhà chỉ còn một nửa. Mỗi khi cứu chữa được ca bệnh khó, ông trở về, miệng tủm tỉm cười, mắt hấp háy tươi. Tưởng như niềm vui giúp bệnh nhân vượt cơn nguy nan, những món quà nhỏ ấy là phần thưởng xứng đáng đối với ông. Trong nhà không có một tấm bằng khen nào cả.
* * *
Tôi đi học lớp 1 từ 5 tuổi. Bé và còi nhất lớp nên thường xuyên bị bắt nạt. Có dạo, phát hiện ra đứa cháu ngày nào cũng phải bê chổi đi quét lớp, ông vào quét lớp cùng tôi. Xong hỏi cho ra những đứa nhỏ hay bắt nạt bạn bè. Ông chỉ vào cái túi da cũ kĩ luôn đeo bên mình: “Trong này có thuốc và kim tiêm, để điều trị bệnh cho người ốm và cả cho những đứa bắt nạt bạn bè nữa”. Tôi thoát khỏi cảnh bắt nạt một cách ngoạn mục.
Một trong những hình ảnh đáng yêu nhất tuổi thơ tôi là được ông chở sau xe đạp dạo quanh đường làng, quanh bờ đê nghe gió đồng phả hương mạ non hay lúa chín vào mặt. Thích hơn nữa là những khi ông rảnh rỗi trồng hoa, chăm cây, tôi thường lang thang cùng ông trong vườn nhà, nghe kể bao điều hay ho về từng cái cây thuốc hữu ích, từng bông hoa mới nở (Dạo bé hầu như tôi không dùng thuốc khi ở cùng ông, vì ông rất giỏi về thuốc Nam, thường trồng những cây lá để giảm sốt, trị đau bụng, trị bệnh vặt trong vườn). Là chuyện cây hoa đào không trồng ở góc vườn, phải trồng ngay giữa sân nhà để chịu đủ nắng, gió mới có những mùa hoa đẹp. Là chuyện những đóa hồng bạch được ông trồng nhiều trong vườn nhà không chỉ vì hương sắc, còn vì có thể trị ho cho đám trẻ trong xóm. Là chuyện ông nâng niu cây ngọc trâm vì khi cúi đầu nó vẫn đẹp tuyệt, nâng niu từng đóa quỳnh vì nó không ngại tận mình dâng hương sắc khi nở về đêm...
Vườn của ông luôn đầy ắp táo, ổi, na và tiếng chim. Mùa quả chín, ông thường cầm cây sào, nheo mắt tìm táo, tìm ổi trong vườn cho tôi. “Những quả ngon nhất ông để dành cho cháu của ông” - ông nói. Quả ổi, quả táo từ tay ông ửng vàng, ngọt lịm, cắn ngập răng, và tôi luôn tin đó đúng là quả ngon nhất. Có lần, khi tôi thắc mắc về ý nghĩa của tên mình, ông bảo: “Tên mẹ là Thu, tên con là Hương, nên thành tên Thu Hương. Nhưng đó là cái tên đẹp nhất rồi”.
Dạo bé, tôi luôn nghĩ, mình luôn là đứa nhỏ được yêu chiều, đáng yêu nhất trong dàn gần chục đứa cháu của ông. Sau ngày ông đi xa, chị em trò chuyện với nhau, hóa ra đứa nào cũng tin rằng mình là đứa cháu được yêu nhất, đứa nào cũng được nghe ông nói cái tên mình đang có là tên đẹp nhất ông bà, bố mẹ đặt cho. Và từ sự tin yêu của ông, lớn lên, hay kể cả bây giờ, tôi vẫn luôn giữ suy nghĩ rằng, ở ngoài kia mình có thể là người bình thường, nhưng với những người thân yêu, mình luôn là người quan trọng nhất.
* * *
Một tác phẩm của tôi được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 là “Con muốn làm một cái cây”. Khi đi giao lưu ở các trường, tụi nhỏ thường hỏi: “Cô có muốn làm một cái cây không? Ông của cô có dễ thương như người ông trong truyện không?”. Tôi nói với tụi nhỏ rằng, ông của cô dĩ nhiên là người ông đáng yêu nhất, dễ thương nhất. Người ông trong truyện chính là một phần của người ông trong cuộc đời. Ông của cô cũng trồng lên những cái cây vào những dịp đặc biệt của con cháu mình để đánh dấu, để gửi gắm yêu thương, cũng hái những trái ngọt đầu mùa ngon nhất dành cho cháu mình. Và ước mơ làm một cái cây của cậu bé Bum trong trang sách ấy đôi khi cũng là ước mơ của cô, được làm một cái cây mà ông chăm nom, vun trồng, sống trong khu vườn yên lành tuổi thơ... Lũ trẻ mắt tròn xoe, ồ à lắng nghe, thích thú.
Một điệu chèo, điệu dân ca cũ, một đóa quỳnh, đóa ngọc trâm, hồng bạch, một mùa ổi, mùa táo cùng những tiếng chim lảnh lót vẫn nhắc tôi nhớ về những ngày êm đềm được sống bên ông những ngày ấu thơ. Và đến giờ, khi ông đã mất nhiều năm rồi thì hình ảnh ông, những kỷ niệm với ông vẫn ở đó, trong một vùng ký ức ấm áp, đẹp đẽ của tôi, tựa như liều vitamin đặc biệt, có hạn sử dụng cả đời này để tôi dựa vào mỗi khi nghĩ đến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin