Thơ viết về Đảng dọc theo hành trình của 94 năm từ khi thành lập đến nay như một cuốn biên niên sử ghi lại những cảm nhận sâu sắc tâm hồn của các nhà thơ qua những chặng đường hoạt động đấu tranh của Đảng.
Ngày thơ Việt Nam tại Văn miếu Quốc Tử Giám |
Lịch sử đã ghi rõ, năm 1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành sau này là Nguyễn Ái Quốc rời Bến Nhà Rồng bôn ba tìm đường cứu nước, tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin - con đường giải phóng dân tộc bị áp bức, xây dựng nền độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong “Người đi tìm hình của nước” những vần thơ xúc động còn ngân vọng đến bây giờ: “Luận cương đến Bác Hồ và người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê Nin”. Cũng từ bắt đầu lứa tuổi thanh niên, người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu) đã bắt đầu cảm nhận được lý tưởng sống cao đẹp mà Đảng mang đến cho mình, khẳng định chân lý và con đường cách mạng đã chiếu rọi bừng sáng trong tâm hồn mình: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”. “Kết nạp Đảng trên quê hương mẹ” là một tứ thơ hay của nhà thơ Chế Lan Viên mà đến bây giờ đọc lại ta vẫn thấy trào dâng niềm xúc động: “Ngày vào Đảng, đất trời như đổi khác/ Những vật vô tri cũng làm rơi nước mắt/ Đá sỏi cây cằn sao bỗng thấy thiêng liêng/ Giọng nói quen nghe màu đất quen nhìn/ Bỗng chan chứa những điều chưa nói hết”. Những hình ảnh chan chứa thiết tha cứ rạo rực tâm tình bày tỏ để rồi gửi gắm với tình yêu quê hương, đất nước. Và nhất là khi được đứng tuyên thệ dưới lá cờ của Đảng và xung quanh mình là những gương mặt đồng chí thân yêu: “Tôi đứng dưới cờ giơ tay tuyên thệ/ Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ/ Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu/ Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn nhau”. Khi đã trở thành người đảng viên được học tập lý luận của Đảng và soi sáng trong thực tiễn, nhà thơ Hoàng Trung Thông với tư cách là một người cầm bút đã cảm thấy tầm nhìn, tầm nghĩ của mình sâu rộng, sâu sắc hơn: “Ta bỗng thấy tắm mình trong ánh sáng/ Đảng nâng ta lên tầm cao của Đảng/ Cho ta nhìn thấu suốt bốn nghìn năm/ Từ quê mình nhìn muôn dặm xa xăm/ Cho ta nghe tiếng đất trời sông núi/ Tiếng sự sống như thác ghềnh dữ dội” (Ngọn bút này - Hoàng Trung Thông).
Viết về Đảng, nhiều nhà thơ liên tưởng, so sánh với mùa xuân cũng là lẽ dĩ nhiên vì mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, là mùa khởi đầu cho một năm. Đảng ta cũng ra đời trong mùa xuân, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, cả dân tộc Việt Nam lại hân hoan, tưng bừng chào mừng Ngày thành lập Đảng quang vinh. Tố Hữu là nhà thơ có nhiều tác phẩm viết về Đảng trong mối quan hệ Đảng - xuân, như: “Một khúc ca xuân”, “Với Đảng màu xuân”, “Một nhành xuân”. Trong bài thơ “Một nhành xuân”, ông đã viết: “Năm 20 của thế kỷ hai mươi/ Tôi sinh ra nhưng chưa được làm người”. Nhưng từ khi có Đảng thì: “Từ vô vọng, mênh mông đêm tối/ Người đã đến chói chang nắng dội/ Trong lòng tôi ôi Đảng thân yêu...”. Trong rất nhiều bài thơ viết về Đảng làm lay động lòng người của Tố Hữu thì có lẽ bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” ông viết năm 1960 được nhiều người nhắc đến nhất. Đảng là niềm tin, là sức mạnh, Đảng đấu tranh vì quyền lợi dân tộc, mang hạnh phúc, ấm no đến với mọi người. Những câu thơ khái quát mà xúc động thiêng liêng như nói thay cho bao vạn tấm lòng với Đảng: “Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin/ Đảng ta Mác Lê nin vĩ đại/ Lại hồi sinh trả lại cho ta/ Trời cao đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, lòng người”. Với “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, ngòi bút Tố Hữu không chỉ hướng tới một bài sử ca về Đảng mà nhà thơ lại muốn viết lên một bài ca ân tình với Đảng. Nhập thân cùng với Nhân dân ở góc nhìn quần chúng, ông đã cảm nhận và nghĩ về Đảng kính yêu của mình thật chân tình, sâu lắng. Tố Hữu nói về Đảng bằng trái tim, ngưỡng mộ, kính yêu và biết ơn của mình.
Trong “Bài ca mùa xuân 1961” ông thấm thía công ơn của Đảng trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau/ Đảng cho ta trái tim giàu/ Thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà bay”. Đến bài thơ “Chào xuân 67”, ông lại tìm đến nhân nghĩa ân tình của Đảng, kết tinh cao đẹp cho truyền thống nhân nghĩa của dân tộc: “Cám ơn Đảng đã cho ta dòng sữa/ Bốn nghìn năm chan chứa ân tình/ Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn bạo chúa/ Kiếp tỳ nô vùng dậy chém nghê kình”. Và một năm sau, trong “Bài ca xuân 68” với mùa xuân Mậu Thân tổng tiến công lịch sử, trái tim nhà thơ cách mạng đã dành cho Đảng kính yêu những lời tri ân sâu sắc nhất: “Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng/ Người chưa đưa ta lên được sao kim/ Nhưng đã cho ta một linh hồn và một trái tim/ Biết lẽ phải, biết yêu thương căm giận/ Biết đi tới và làm nên thắng trận”. Có thể nói, Tố Hữu là nhà thơ trọn đời đi theo Đảng và thơ ông viết về Đảng từ những điều lớn lao nhất, những tâm tình sâu kín, riêng tư nhất vẫn chứa chan bao nhiệt huyết của con tim: “Và nói vậy: trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều”...
Xuân Diệu - ông hoàng của thi sĩ tình yêu - viết về Đảng với niềm tự hào và lòng biết ơn thấm thía: “Ôi người yêu, yêu hơn cả ái tình/ Người rất mực xa xanh và đỏ thắm/ Người gần gũi và bao la vạn dặm/ Người một người mà ức triệu con người” (Gánh). Nhà thơ Lưu Trọng Lư từ chủ nghĩa lãng mạn cá nhân làm “Con nai vàng ngơ ngác” thì nay trên mỗi bước đường đi của mình trong bài thơ “Bước theo Đảng”, thi sĩ viết như một sự tự vấn không thể vắng bóng ánh sáng Đảng soi đường: “Trên mỗi bước đường đi lòng muôn tự hỏi/ Nếu trong ta vắng bóng mỗi ngày/ Nếu trong ta vắng người mãi mãi/ Đi từ đâu và ta sẽ lại về đâu”...
Xây dựng hình tượng Đảng, các nhà thơ có xu hướng chọn những biểu tượng màu sắc tươi sáng, nóng ấm của bình minh, mặt trời, vầng dương... những gam màu ấm sáng qua lăng kính tâm hồn, cảm xúc của các nhà thơ được thăng hoa. Đó là nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) khẳng định chân lý của Đảng: “Bình minh bừng sáng ở phương Đông/ Xé toạc màn sương phủ cánh đồng/ Đêm sẽ qua đi ngày sẽ lại/ Trời quang, mây tạnh, ánh dương hồng...”. Nhà thơ Tố Hữu cũng xây dựng biểu tượng ca ngợi Đảng: “Lần đếm bước đến khi hửng sáng/ Mặt trời kia! Cờ Đảng giương cao” (Ba mươi năm đời ta có Đảng); hay: “Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng” (Bài ca xuân 68). Nhà thơ Diệp Minh Tuyền cảm xúc trước màu cờ Đảng đã thắm máu đào của bao anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc: “Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình tim ơi!/ Búa liềm vàng rực giữa trời/ Là niềm hy vọng chói ngời tim ta”. Những dòng thơ xúc động đó đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên thổi hồn chắp cánh bay cao, bay xa bằng ca khúc “Màu cờ tôi yêu”.
Thơ ca viết về Đảng còn được các nhà thơ chọn và ví von với những loài hoa có màu đẹp, có phẩm tính vươn lên, có sức sống diệu kỳ, hướng dương và hoa sen. Hoa hướng dương như tên gọi luôn sống trong ánh sáng, ánh nắng và luôn xoay theo hướng mặt trời mà nhà thơ Hải Như bằng sự tinh tế đã phát hiện: “Như hoa hướng dương/ Hướng về mặt trời/ Nguyện đi theo Đảng/ Đời đời theo Đảng”. Cũng như nhà thơ Bảo Định Giang một người con đất thành đồng Nam Bộ đã ví: “Tháp mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Thơ viết về Đảng vì thế đã đi sâu vào lòng người với những tình cảm thiêng liêng bởi hơn hết đó là lời tri ân sâu sắc và niềm tự hào chan chứa ân tình sâu nặng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin