Ngày Tết, với tất cả người Việt, không chỉ là dịp để đón chào năm mới mà còn là khoảnh khắc thiêng liêng nhất, gắn kết mọi gia đình và cả cộng đồng. Đó là thời điểm mọi người về nguồn, tìm về gốc rễ của mình, tận hưởng không khí ấm áp, hạnh phúc và đầy ý nghĩa. Về quê đón Tết là hành trình đặc biệt của những người con xa quê. Tết quê, về quê đón Tết - những tiếng giản đơn, bình dị nhưng đã để lại trong tim ta với bao dư âm và hoài niệm.
Tết là khoảnh khắc thiêng liêng nhất, gắn kết mọi gia đình và cả cộng đồng |
Tết là để về nhà, đây không chỉ là một chủ đề mà còn là một lối sống, là sự thấu hiểu và trân trọng giá trị gia đình, truyền thống. Về nhà không chỉ là việc di chuyển vị trí mà còn là hành trình tìm về bản xứ, nơi chúng ta có thể cảm nhận được giá trị gần gũi của cuộc sống. Mỗi năm, Tết lại mang đến cơ hội mới để chúng ta về nhà, để tìm lại chính mình, tìm về với sự đoàn viên và sum họp.
Ngày Tết, nhiều người chọn trở về quê hương, nơi có những ký ức tuổi thơ và những dấu vết của quá khứ. Con đường về quê trở nên quan trọng như một hành trình tâm linh, nơi mọi người gặp lại những gương mặt quen thuộc, những con đường nhỏ, làng quê yên bình...
Với tôi, Tết được về nhà, về quê hương, bản xứ luôn là ước mơ cháy bỏng. Trong tâm trí của mình, tôi luôn quan niệm Tết được về nhà, về với nơi chôn nhau, cắt rốn của mình là một chuyến đi đặc biệt. Người ta hay bảo với nhau rằng: ba ngày Tết, bảy ngày xuân nhưng đối với tôi thì không ngắn gọn và dễ dàng như thế. Trong tôi, Tết của mình đến từ những ngày của tháng Chạp thênh thang khi nghe được lời người thân hỏi mình mỗi khi gọi điện về nhà: Tết có về không? Cuối tháng Chạp - những ngày mùa xuân đang rón rén đầu ngõ thì tự dưng lòng mình lại xốn xang vô cùng. Tết dường như đã chạm ngõ yêu thương với dự định về quê.
Tết là nhất bao hàm nhiều nghĩa. Đây là dịp, là khoảng thời gian bận rộn nhất, tất bật nhất và cũng là thời khắc được chờ đợi nhất. Với những người xa quê, dù ở phố có đủ đầy với lấp lánh đèn, hoa, với rất nhiều nơi để chơi, để du lịch, tham quan thưởng lãm nhưng có lẽ tận đáy lòng, gia đình, làng quê, bản xứ vẫn là nơi để hướng về, nơi để trao gửi bao niềm thương mến. Ở nơi mang hai chữ gia đình, quê hương ấy dù có thiếu thốn về vật chất, có ít đi những màn pháo hoa lấp lánh, có thưa đi những bữa tiệc linh đình nhưng ở đó kết tủa bao nhiêu ân tình, trĩu nặng những yêu thương. Tết ở quê, Tết cùng gia đình là sự đầm ấm, quây quần là ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần mà đôi lúc người giàu sang, kẻ lắm tiền, nhiều của chưa chắc đã mua được cái hương vị tình thân thiêng liêng ấy.
Tết về nhà là mong muốn, ước mơ của rất nhiều người. Còn gì vui bằng được sống trong những ngày với sự chộn rộn, háo hức đầy phấn khởi khi những tờ lịch cũ lần lượt được bóc xuống. Có gì thích bằng Tết được về nhà để cảm nhận được cái sự rộn ràng của phiên chợ quê, chứng kiến cái tất bật của mẹ, rồi cùng nhau dọn dẹp nhà cửa cùng ba. Rồi có gì bằng được cùng gia đình quây quần bên nồi bánh chưng chờ trời sáng, có gì bằng tự tay mình dâng lên bàn thờ tổ tiên mâm cổ ngày cuối năm... tất cả như một thước phim quay chậm đẹp vô cùng về khoảnh khắc ấn tượng của Tết. Tết nhà quê dù còn thiếu thốn vật chất nhưng đẹp và tròn trịa, ấn tượng về tinh thần và ý nghĩa.
Tết ở thị thành dường như chẳng thiếu thứ gì miễn là có tiền, vậy nhưng với người xa quê thì Tết phố dù đủ đầy nhưng vẫn thiếu tình thân. Bao nhiêu năm rồi tôi như đứa con “ra ở riêng” trên phố núi Đà Lạt nhưng hai tiếng quê hương, hai tiếng gia đình và hai tiếng Quảng Trị chưa bao giờ nguội lạnh, nó cứ âm ỉ, có lúc thì nồng đượm, có lúc ngồn ngộn như ngọn lửa trong nhà sàn cháy mãi không thôi. 20 năm ở phố núi Đà Lạt, tôi cứ ngỡ rằng trái tim mình đã tìm được nơi trú ngụ an yên nhưng không phải thế, ở phố mà vẫn cứ đau đáu về quê, ở phố mà vẫn cứ thao thiết nơi mảnh đất cong như đòn gánh của mẹ, ở phố mà mong lắm những ngày Tết ở quê hương.
Vậy là một mùa xuân nữa lại về, những tờ lịch của năm cũ dần được bóc xuống. Mùa xuân đã nồng nàn bên hiên nhà. Mỗi ngôi nhà trở thành một bức tranh sống động, nơi mà màu vàng nhạt của bánh chưng và màu đỏ của phong bao lì xì hòa quyện với màu xanh non của cây cỏ và hoa lá, tạo nên bức tranh màu sắc không lẫn vào đâu được trong những ngày Tết. Về quê đón Tết không chỉ là một chuyến đi và về mà là dịp đặc biệt mang ý nghĩa rất sâu, bởi trong cuộc đời của ta có rất nhiều nơi để đi, để đến nhưng chỉ có một nơi để về đó là... gia đình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin