Người mẹ trong thơ Thanh Dương Hồng

NGUYỄN CẢNH CHƯƠNG 10:18, 08/03/2024

(LĐ online) - Có lẽ người làm thơ chân chính nào trong một đời thơ cũng sẽ có một đôi bài thơ về mẹ, về người yêu, về quê hương đất nước. Thanh Dương Hồng cũng không ngoại lệ, anh viết nhiều về Mẹ, về quê hương, về những người em, người con gái và cả người yêu.

Một số ấn phẩm của nhà thơ Thanh Dương Hồng
Một số ấn phẩm của nhà thơ Thanh Dương Hồng

Có điều khi viết về Mẹ, nhà thơ Thanh Dương Hồng như rút trong tâm thức, trong sâu thẳm trái tim, tấm lòng, cảm xúc chân thật của mình trải ra trên trang thơ, để người đọc hình dung được một người Mẹ xứ Nẫu nghèo khó lam lũ, chồng hy sinh từ khi còn rất trẻ, một mình bươn chải nuôi các con khôn lớn. Cũng chính vì vậy, người đọc nhận ra chính nhà thơ - một người con Bình Định trong tim luôn có một bóng hình người Mẹ yêu thương đến vô bờ. Khi đọc lại tập thơ “Nửa vầng trăng” (Nxb. Văn hóa Dân tộc, 2000) của Thanh Dương Hồng, người viết đã rất ấn tượng về hình tượng người Mẹ.

***

Ấn tượng ban đầu về “Nửa vầng trăng” là tập thơ mỏng có 40 bài thơ thì có đến 15 bài trực tiếp viết về Mẹ rất xúc động như Chiều mưa nhớ mẹ; Thương câu lục bát mẹ ru; Mẹ và mùa thu; ... Nổi bật trong những bài thơ đó là hình ảnh người Mẹ tảo tần, lam lũ, bươn chải vì con và một tấm lòng chân thật của người con hiếu thảo đối với Mẹ. Rời xa quê hương, xe Mẹ, anh nhớ thương Mẹ trong nhiều hoàn cảnh, khi trong một chiều mưa:

Thương mẹ quê nghèo tần tảo

Đội mưa đội nắng, lặng thầm

Cả đời không lành tấm áo

Lấy gì đêm lạnh che thân?

Một đời chứng kiến Mẹ không một tấm áo lành, lớn lên, vào đại học, xa quê hương càng hiểu và thương Mẹ đã dành hết tất cả cho con theo cùng chữ nghĩa, sự nghiệp:

Tất cả cho con, mẹ hỡi!

Cơm ngon, áo ấm, học hành...

Thương con – chút gì cũng đợi

Chút gì mẹ cũng để dành!

“Chút gì” lặp lại như một sự liệt kê, nhấn mạnh. Chỉ “chút” thôi nhưng cái gì cũng có, Mẹ đều nhớ đến con, đều dành cho con. Câu thơ nghe chất phác nhưng rất tinh tế trong sự cảm nhận của người con về tình Mẹ. Mẹ cứ chắt chiu từng chút một để cho con có được sự lớn lao hơn trong cuộc đời. Chính vì vậy nhà thơ càng thương Mẹ nhiều hơn:

Mẹ ơi! Ngàn xa thương nhớ

Con nghe Đông đã lại gần

Thương mái nhà tranh. Gió vỡ

Từng đêm – mẹ thức – thâu canh!...

(Chiều mưa thương mẹ)

“Mái nhà tranh. Gió vỡ” – Gió vỡ hay nhà tranh vỡ?! Mẹ thức, Mẹ làm sao ngủ được?!... Bài thơ được viết vào năm 1992, khi đó nhà thơ còn là sinh viên đại học Văn khoa năm thứ Ba của Trường Đại học Đà Lạt. Đất nước vừa đổi mới được chặng đường thứ nhất, vẫn còn những khó khăn, thách thức, cuộc sống vẫn còn nghèo, nên đặt bài thơ trong hoàn cảnh đó, càng thấy được tính chân thật trong cảm xúc của nhà thơ, không phải là vẽ lên trong hư cấu.

Người Mẹ nghèo khổ đó đã một mình chắt chiu nuôi con khôn lớn. Bởi vì khi con mới năm tuổi đời thì:

“Mẹ ôm con khóc ngất

Cha mất rồi!

Nước mắt mẹ ướt chân con...”.

(Đôi bàn chân con)

Thế là Mẹ đơn độc giữa cuộc đời nuôi con:

Gian nhà tranh gió xiêu xiêu

Xiêu xiêu dáng mẹ sớm chiều độc đơn!

Từng đêm tiếng quạt mo cau

Mẹ lùa Thu dỗ giấc sâu ngọt lành…

(Mẹ và mùa thu)

Dường như chỉ con mới cảm nhận được nỗi khổ nhọc, nỗi cô độc của Mẹ, bởi “đời Mẹ cũng như con”:

Mẹ còng lưng để nuôi con lớn lên

Bến bãi lở - bồi dài thêm ngõ trước

Con hụt hẫng khi mọi điều biết được

Mồ côi! Ôi, đời mẹ cũng như con…

(Viết bên mộ cha)

Dù có nhớ tới quê hương, thì cũng vì quê hương có Mẹ:

Se se nỗi nhớ quê hương

Ngân ngân trong mắt giọt thương mẹ già…

… Mẹ ơi! Nắng sớm mưa chiều

Đồng sâu bóng mẹ xiêu xiêu đi, về

Nương dâu, bến nước, con đê

Lưng còng mẹ gánh nắng hè cháy vai.

(Hai nửa quê hương)

Thanh Dương Hồng đã có một hình ảnh thơ đẹp mà diễn tả được sự cực khổ của Mẹ: “Lưng còng mẹ gánh nắng hè cháy vai”…

***

Chiều mưa, ở thành phố Sương mờ, nhà thơ nhớ về Mẹ và mái nhà tranh nghèo mà thương Mẹ; và, nghe một câu hát cũng nhớ Mẹ:

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình...”

Câu hát ai cứa vào đêm trắng

Trời đất trùi vào im lặng

Nhường lời khúc hát mãi ngân nga...

Mênh mông, dịu vợi, thiết tha

Bao dục vọng, mưu toan đời thường

Rệu vỡ!

Bỗng phút chốc trôi vèo về vùng sóng vỗ

Tan vào lòng mẹ bao la...

...

Khúc hát từ nỗi lòng, khúc hát bỗng vút lên

Va vào đêm gội nhòa làn áo trắng

Lòng con – tình mẹ - vĩnh hằng!

(Khúc hát từ nỗi lòng)

 Cũng là khúc hát đấy thôi, nhưng chạm vào nỗi lòng nhà thơ, vút lên, gợi nhớ nhiều về Mẹ và với niềm tin về tình Mẹ. Mẹ luôn trong lòng con: vĩnh hằng!

Thế rồi trong hành trình cuộc đời, trên mỗi bước đường đi, nhà thơ nghe một câu hát ru cũng lại nhớ về Mẹ:

Tôi đi mới nửa bước đường

Câu hát xưa bỗng chợt vương vấn lòng

Con đò, bến nước, dòng sông

Lời ru man mác buồn mênh mông buồn!

Tình cha – gãy nhịp cầu thương

Tôi chơ vơ nẻo đường trơn, lũi lầm

Mẹ về! Góa bụa đời chồng

Ôm con ru, ru nỗi lòng mình đau!

Đời buồn trời đổ mưa mau

Thương bong bóng phập phồng câu ví tình

À ơi... “cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh...” Mẹ ơi!

(Tìm về câu hát ru xưa)

Có thể nói tình Mẹ đã hằn sâu trong ký ức, trong tiềm thức của nhà thơ. Bởi vậy chỉ một gợi nhớ, một câu hát, một lời ru đều khiến nhà thơ nhớ về Mẹ.

Niềm hoài niệm, tiềm thức của nhà thơ luôn có bóng hình Mẹ. Phải vậy chăng mà có những bài thơ không trực tiếp viết về Mẹ nhưng nhà thơ vẫn nhắc tới Mẹ. Thậm chí, người ta thường nhớ về Mẹ những lúc khó khăn, những lúc đau khổ, vấp váp trong cuộc đời, người ta thường “kêu trời, kêu mẹ”, đằng này nhà thơ khi trong ngọt ngào càng nhớ tới Mẹ nhiều hơn:

Lắng trong tiếng gió – lời ru

Đông qua Xuân đến... vườn Thu trái lành

Ru em những tháng ngày xanh

Ru thành thiếu phụ cho anh ngọt tình

Đắng cay đời mẹ ru mình

Ngọt ngào mình lại ôm tình ru con...

(Lời ru)

Trong lúc mình đang được hưởng “ngọt ngào tình” thì lại nhớ đến đời mẹ đầy đắng cay, đó cũng là cái nhớ khác người của Thanh Dương Hồng.

***

Mẹ, quê hương và em đã trở thành đề tài trong thơ của Thanh Dương Hồng. Với người Mẹ nghèo xứ Nẫu, đó là một hình ảnh rất chân thực, chân thực từ cảm xúc. Từ trong những khó khăn, lam lũ, hình ảnh Mẹ luôn sáng ngời trong tâm hồn của nhà thơ mỗi khi nhớ về. Nhớ về Mẹ trong mỗi cơn mơ, trong những cơn mưa buồn phố Núi, khi nghe những câu hát ru, những lời hát gợi nhớ; nhớ Mẹ khi bên mộ Cha; nhớ về quê hương cũng nhớ Mẹ và ngay cả khi êm đềm, vui ngọt ngào cùng với tình yêu của tuổi trẻ, bên người con gái yêu thương của mình anh cũng nhớ đến Mẹ và mong rằng: “Để mẹ già nhẹ đôi vai vất vả/ Đàn em thơ thơm áo trắng đến trường”. Đó chính là hình ảnh Mẹ và mong ước trong thơ của Thanh Dương Hồng.