Những ngày xuân, trên khắp các nẻo đường Lâm Đồng dường như ở đâu cũng rộn rã bởi lễ hội. Là nơi hội tụ 43 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước về đây lập nghiệp, mang theo tập tục, nét đẹp văn hóa, trong đó lễ hội đầu xuân là di sản quý, làm phong phú đời sống tinh thần, cổ vũ Nhân dân lao động, sáng tạo, gắn bó dựng xây quê mới.
Hội đua thuyền truyền thống Đạ Tẻh |
Tết không chỉ là ngày đoàn viên, sum họp trong từng gia đình, từng ngôi nhà, mà là ngày sum vầy của cả cộng đồng. Trong tiết trời mùa xuân, hàng ngàn người nô nức trẩy hội. Cùng với phần lễ trang nghiêm, phần hội với nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc có sức hấp dẫn, lôi cuốn đặc biệt. Cũng từ những lễ hội vui tươi, ý nghĩa ấy mà các loại hình nghệ thuật truyền thống có dịp phô diễn vẻ đẹp, khẳng định sức sống mạnh mẽ như: dân ca ba miền, quan họ, ca trù, tuồng, chèo, chầu văn, hát then, lượn… Người dân và du khách có dịp được đắm mình trong những làn điệu dân ca, trong tiếng đàn, tiếng hát dìu dặt, hòa quện cùng nhạc cụ dân tộc tạo cho người trẩy hội cảm giác trở về với cội nguồn.
Lễ hội thác Pongour diễn ra vào Rằm tháng Giêng được biết đến như một lễ hội tình yêu. Nam thanh, nữ tú du xuân được đắm mình trong không gian mát lành của nước, của thiên nhiên hùng vĩ; mà còn hòa nhịp cùng những vũ điệu múa xòe, múa sạp, hát then, hát lượn của đồng bào Thái, Tày sinh sống từ hơn nửa thế kỷ ở Đức Trọng.
Hội đền thờ Mẫu - Mê Linh, Lâm Hà |
Lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) xã An Nhơn (Đạ Tẻh), thị trấn Phước Cát (Cát Tiên) nơi có đông đồng bào Tày, Nùng sinh sống là một nghi thức đầu năm của vòng đời mùa màng nông nghiệp có ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Phần lễ diễn ra trang nghiêm, cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, cây trái tốt tươi, mùa vụ bội thu, quốc thái dân an, nhà nhà no đủ, người người ấm no, hạnh phúc. Phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, mọi người dân cùng hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: Thi mâm cỗ Tết, thi cấy, ném còn, chơi đu, lày cỏ, bịt mắt bắt vịt, biểu diễn hát then, hát lượn, đàn tính... đậm đà bản sắc.
Mùa xuân này, đền Quan Lớn đệ nhị (xã Mê Linh, Lâm Hà) - nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - là nơi gặp gỡ giao lưu dân dân ca, dân vũ mừng Đảng mừng xuân mang “Hướng về nguồn cội”. Hơn 200 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công không chuyên của 17 câu lạc bộ dân ca đến từ các xã, thị trấn trong huyện cùng tụ hội về đây dâng hương nguyện cầu tiền nhân, Quốc Mẫu chở che, độ trì cho quốc thái dân an, quê hương giàu đẹp, nhà nhà ấm no sung túc, người người bình an. Trên nền các nhạc cụ dân tộc, 34 tiết mục là các làn điệu dân ca ba miền, chèo, quan họ, hò, lý, giao duyên được dàn dựng công phu, trình diễn chuyên nghiệp với vũ điệu, lời ca, trang phục, đạo cụ rực rỡ, đậm đà bản sắc. Hội đền đã làm sống dậy kho tàng dân ca, dân vũ, dân nhạc cổ truyền; bên cạnh đó nhiều làn điệu được đặt lời mới ngợi ca Đảng, Bác Hồ, ngợi ca đất trời quê hương vào xuân tươi đẹp, ngợi ca cuộc sống từng ngày thay đổi.
Hội làng H’Mông ở Thôn 10C, xã Lộc Thành (Bảo Lâm) từ 20 năm qua đã thu hút đông đảo người dân trẩy hội. Trong những bộ trang phục, váy áo truyền thống rực rỡ, gái, trai các dân tộc H'Mông, Tày, Nùng đã tham gia vào nhiều hoạt động vui tươi như tung còn, đâm bù nhìn, múa khèn, leo cột mỡ, đẩy gậy, nhảy bao bố, nhảy dây, cõng nhau vượt cạn, ném cù, kéo co, bịt mắt bắt vịt… Ngày hội vui tươi thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc anh em.
Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, giải đua thuyền truyền thống huyện Đạ Tẻh trở thành một ngày hội lớn được người dân mong chờ. Không chỉ đơn thuần là cuộc thi tài thể thao, mà đây còn là hoạt động văn hóa tốt đẹp, tạo nên không gian trẩy hội rộng lớn giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của đồng ruộng, hồ nước, núi, đồi. Hàng trăm vận động viên từ các xã, thị trấn trong huyện tranh tài trên từng chặng đua. Mặt hồ như xao động bởi không khí nô nức của hàng ngàn người dân đổ về ngồi kín trên bờ đập dõi theo từng mái chèo, hò reo, cổ vũ.
Trong không gian Hội Tết ở Đà Lạt, Giải Võ thuật cổ truyền xuân diễn ra hàng năm đã thể hiện tinh hoa võ thuật truyền thống của dân tộc. Xuân này, giải thu hút 72 võ sĩ đến từ các huyện, thành trong tỉnh, thi đấu ở 6 hạng cân nam, 2 hạng cân nữ. Từng trận đấu đối kháng gay cấn với những ngón đòn vừa mạnh mẽ, dứt khoát vừa khéo léo, linh hoạt trong từng thế võ, từng cú ra đòn; bên cạnh những bài quyền thể hiện khí thế, tinh thần thượng võ của dân tộc như: Hùng kê quyền, Lão hổ thượng sơn, Lão mai quyền, Ngọc trản quyền… Giải đấu cổ vũ thanh, thiếu niên rèn luyện sức khỏe lập thân, lập nghiệp, lao động, học tập và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ những ngày giáp Tết, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã có công văn gửi các huyện, thành phối hợp tăng cường công tác quản lý, tổ chức bảo đảm cho các lễ hội diễn ra văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc; tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong Nhân dân.
Việc tổ chức các lễ hội, đưa nghệ thuật truyền thống gắn với hoạt động lễ hội đầu xuân là giải pháp tích cực nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy những di sản quý báu cha ông để lại. Qua đó khẳng định sức sống mạnh mẽ của di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại, làm cho mùa xuân quê hương thêm tươi vui, ý nghĩa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin