Đà Lạt - thành phố bốn mùa rực rỡ sắc hoa, miền đất mộng mơ, huyền ảo là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc, họa. 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 - 2023), UBND TP Đà Lạt vừa cho ra mắt Tuyển tập 130 ca khúc về Đà Lạt do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành.
Tuyển tập 130 ca khúc về Đà Lạt |
Cầm cuốn sách trên tay, người đọc ngỡ ngàng trước sự công phu, giá trị cần có của một hợp tuyển âm nhạc. Dường như tất cả những bài hát hay về Đà Lạt trải dài cả bề rộng lẫn chiều sâu qua suốt hơn một thế kỷ đã được tập hợp lại và hiện diện ở đây. Những ca khúc mà khi nhắc đến Đà Lạt, công chúng nhớ ngay: Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên), Đà Lạt hoàng hôn (Minh Kỳ - Dạ Cầm), Thành phố buồn (Lam Phương), Mimosa (Trần Kiết Tường), Đà Lạt gió và mây (Phạm Trọng Cầu - Nguyễn Lương Hiệu), Đà Lạt lập đông (Thế Hiển), Phố xa (Lê Quốc Thắng), Mặt hồ (Trọng Thủy)…
130 ca khúc thể hiện từng cung bậc xúc cảm, trước thiên nhiên, trước đất trời, trước nắng, gió, mây, mưa, đồi, thác, cỏ cây, hoa lá… Là tiếng lòng của tác giả cất lên tình yêu Đà Lạt. Được tuyển chọn và biên tập cuốn sách, nhạc sĩ Quỳnh Hợp tâm sự: “Đến, yêu và đắm say Đà Lạt, nhiều nhạc sĩ với đầy ắp xúc cảm đã để lại những nhạc phẩm đọng lại thật lâu trong lòng người yêu nhạc và đồng hành với sự phát triển của thành phố. Hiện diện trong những bài hát ấy là vẻ đẹp về thiên nhiên, kiến trúc và con người nơi xứ sở của hoa, của thông, của hồ, của thác và những phố bên đồi vô cùng lãng mạn và xinh đẹp”.
Nhiều chương trình nghệ thuật tại quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt |
Ở đó, những cung bậc xúc cảm của con người trước thiên nhiên tươi đẹp, những rung cảm giữa con người với con người kéo dài hơn một thế kỷ. Âm nhạc về Đà Lạt du dương, dìu dặt, đắm say, dào dạt ý tình từ những quán cà phê trầm mặc những năm thế kỷ 20 dần bước lên sân khấu lớn của lễ hội nồng nàn, rộn ràng, tươi trẻ, thoáng đạt trong những năm đầu thế kỷ 21. Bên cạnh những bản nhạc trầm buồn một thời “đóng đinh” trong lòng khán giả, Tuyển tập còn chứa đựng các tác phẩm rất mới, chưa được dàn dựng, chưa được hát lên ở một sân khấu nào, vừa được sáng tác trong trại viết chủ đề “Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển”. Trong đó, nhiều ca khúc mang hơi thở đương đại với các dòng nhạc trẻ Pop, Pop Ballad, Hiphop - Rap, R&B làm cho âm nhạc Đà Lạt thêm phong phú mang sắc màu tươi mới. Nhiều tác giả còn rất trẻ, là những người thuộc thế hệ gen Z. Qua từng nét nhạc, từng ca từ, ta có thể nhận thấy, nghệ sĩ, nghệ thuật cũng là thư ký của thời đại.
Sự công phu của tuyển tập không chỉ là những bản nhạc chuẩn xác, mà còn là phần giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời cùng những xúc cảm, những lời ca, ý nhạc của tác giả khi sáng tác bài hát. 130 tác giả với những thông tin đầy đủ về ngày tháng năm sinh, quê quán, xuất thân, nơi ở hiện nay… làm cho người đọc thêm càng hiểu rõ, càng đồng điệu cùng bài hát mình yêu thích, góp phần làm tăng thêm giá trị cho cuốn sách.
Với ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” (nhạc và lời Hoàng Nguyên) được nhiều người Đà Lạt yêu thích, bên cạnh bản nhạc với những nốt nhạc, cung bậc, giai điệu in kèm ảnh chân dung tác giả, công chúng còn được cung cấp các thông tin: “Nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tên thật là Cao Tự Phúc, sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Ông từng theo học trường Quốc học Huế và tham gia kháng chiến chống Pháp vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX tại chiến trường khu 4, rồi chàng trai từ giã núi rừng vào thành phố mù sương. Bộ ba ca khúc về hoa đào Đà Lạt của Hoàng Nguyên gồm: Bài thơ hoa đào, Ai lên xứ hoa đào, Hoa đào ngày xưa đều được viết ở giọng đô trưởng với tempo chậm. Nét nhạc mô tả cái bồng bềnh sương khói, đồi dốc núi non trập trùng gắn với những kỷ niệm đẹp thời thanh xuân ở một thành phố có vẻ đẹp phương Tây… Chẳng cần đặt chân đến Đà Lạt, bạn cũng cảm nhận được vẻ đẹp lãng đãng, mờ ảo với khói sương, với màu hoa, với mây trời và thấy mình như lạc bước vào chốn bồng lai qua lời ca của “Ai lên xứ hoa đào”.
Ở ca khúc “Đà Lạt hoàng hôn” (nhạc và lời: Minh Kỳ - Dạ Cầm) bên cạnh bản nhạc với từng nốt quen thuộc đã được khắc trên phố hoa điện ở dốc Hồ Tùng Mậu một thời, tuyển tập còn cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin quý: “Nhạc sĩ Minh Kỳ sinh năm 1930, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, là cháu đời thứ 5 của vua Minh Mạng, học nhạc ở Quy Nhơn từ năm 14 tuổi, ca khúc đầu tay sáng tác năm 19 tuổi (1949). Trong cuộc đời và sự nghiệp 45 năm, nhạc sĩ đã để lại cho đời hàng trăm bài hát nổi tiếng và luôn được xem là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng trước năm 1975… Khi nhắc đến Đà Lạt, người ta không thể không nhắc đến nhạc sĩ Minh Kỳ với các ca khúc: Chuyện tình bên hồ Than Thở, Đà Lạt hoàng hôn, Thương về miền đất lạnh. Mỗi sáng tác đều lưu lại một dấu ấn khó phai mờ trong lòng người yêu nhạc và yêu luôn cả thành phố ngàn hoa…”.
Quá trình tuyển chọn, thu thập hình ảnh, thông tin về 130 tác phẩm của 130 tác giả, giới thiệu về tác giả, xúc cảm khi sáng tác từng tác phẩm là cả một quá trình, mất nhiều công sức. Sự tâm huyết, trách nhiệm, dày công của người biên tập, tuyển chọn của hai nhạc sĩ Quỳnh Hợp và Hà Đình Nguyên đã thể hiện rất rõ qua từng trang sách khiến người yêu âm nhạc, yêu đọc sách khâm phục. Đúng như nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã bày tỏ: Tuyển tập là một toàn cảnh đẹp cho âm nhạc Đà Lạt vừa quen vừa lạ, vừa trầm lắng vừa tươi vui, vừa truyền thống, vừa đương đại, vừa giản dị vừa kiêu sa… là bó hoa đủ sắc màu mừng Đà Lạt 130 tuổi, mừng TP Đà Lạt vừa được UNESCO công nhận là Thành phố Sáng tạo về Âm nhạc.
Có thể nói tuyển tập chỉ là một phần những gì mà các tác giả dành cho Đà Lạt, bởi nhiều tác giả viết cả chùm ca khúc về Đà Lạt rất nổi tiếng như Minh Kỳ, Hoàng Nguyên cũng chỉ chọn một tác phẩm tiêu biểu. Vì vậy, khép tập sách lại, điều luyến tiếc nhất là nhiều ca khúc hay về Đà Lạt đã “đóng đinh” trong lòng công chúng, ai cũng biết đến nhưng không được đưa vào tuyển tập như các ca khúc Thương về miền đất lạnh (Minh Kỳ), Đà Lạt mộng mơ (Ai cho em đôi má hồng đào… Từ Huy), Đà Lạt thành phố anh hùng (Hà Huy Hiền).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin