“Lắng” là tập thơ in chung của nhóm tác giả Phạm Vũ, Phạm Vĩnh, Nguyễn Mộng Sinh, Trần Sĩ Thứ - ra mắt vào đúng dịp rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn. Cả bốn nhà thơ đều đang nghỉ hưu và ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.
Tập thơ Lắng in khổ 18x11, dày 108 trang, của NXB Văn học năm 2023 |
Như những tâm sự trong “Lời đầu sách”, “Lắng” là một phần chân dung, một phần kết lắng tình yêu quê hương đất nước, tình bạn, tình thơ của mỗi nhà thơ trong cuộc đời mình. “Lắng” gồm gần 100 bài thơ với những suy ngẫm, trải nghiệm, tâm tư, tình cảm sâu lắng của người cầm bút... nhưng tựu trung, đều phảng phất dư vị ngọt ngào của tình yêu...
Trong đó, nhà thơ Phạm Vũ và nhà thơ Phạm Vĩnh còn là hai nhà báo lão thành, có những câu thơ khắc đậm sự trải nghiệm. Nhà thơ Phạm Vũ - dù thời tuổi trẻ từng đứng trong quân ngũ, nhưng sự khốc liệt của chiến tranh đã không cản người lính viết nên những vần thơ hào hùng, sáng rực niềm tin... trong các bài thơ Tượng Bác trên đỉnh Trường Sơn, Động Nóc... Tâm hồn người chiến sĩ năm xưa vẫn chắt chiu tình yêu thương, khát khao và hy vọng về tương lai thắm hồng... Nhà thơ Phạm Vĩnh có những triết lý nhân sinh nhẹ nhàng từ cỏ cây, hoa lá, từ tiếng vó ngựa, gió reo, ánh trăng, giọng cười... thả hồn vào từng tứ thơ trong Bâng khuâng, Với ngàn thông, Trên đỉnh Đá Mài, Với sông Son, Giao thừa, Chòng chành...
4 người bạn già (từ trái sang): Nguyễn Mộng Sinh, Trần Sĩ Thứ, Đinh Lân, Phạm Vĩnh |
Nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh và nhà thơ Trần Sĩ Thứ lại từng làm các công việc mang tính khoa học, học thuật. Nếu như thơ của Nguyễn Mộng Sinh như kể những câu chuyện êm đềm về Dòng sông, Cát đỏ, Cây thông bên hồ, Sóng và gió, Một ngày xuân quê...; thì nhà thơ Trần Sĩ Thứ lại có những bài thơ rất ngắn về các địa danh lịch sử, như Hang Pác Bó, Trước tượng đài Trần Quốc Tuấn, Động Phong Nha...
Có thể đây là tập thơ in chung đầu tiên của nhóm tác giả trong giới văn học nghệ thuật Đà Lạt - Lâm Đồng, nên từ khâu chuẩn bị đến khâu in ấn, xuất bản, đều có những trúc trắc... khiến thời gian kéo dài hơn dự định. Nhưng, như Lời đầu sách, các lão thơ đã có sự ủng hộ, động viên của những người bạn đồng niên, như nhà thư pháp Lê Mưu tặng chữ bìa, nhà văn hoá Đinh Lân khuyến khích nhóm tác giả in thơ chung...
Các lão thơ cũng hy vọng, sắp tới đây sẽ có nhiều tập văn - thơ in chung của các nhóm hội viên khác, nhất là nhóm các bạn trẻ; hình thành một bầu không khí sinh hoạt, một phong cách, một nét đẹp mới trong đời sống văn học nghệ thuật của anh chị trong Chi hội Văn học Đà Lạt..., như Lắng- để kết nên ký ức đẹp của một thời ta đang sống và yêu thương!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin