(LĐ online) - Ngày 10/4, tại huyện Di Linh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức khai mạc lớp truyền dạy kỹ thuật chỉnh chiêng cho nghệ nhân các dân tộc Mạ, K’Ho, Churu đến từ các huyện, thành trong tỉnh.
Các nghệ nhân cồng chiêng tham dự lớp truyền dạy |
Tham dự lễ khai mạc có ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ông Vũ Đức Nhuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, các cán bộ văn hóa cùng hơn 30 học viên đến từ 12 huyện, thành.
Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phát biểu khai mạc |
Trong 4 ngày diễn ra lớp học, các học viên sẽ được nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiễn và nghệ nhân Dương Nhật đến từ tỉnh Quảng Nam là những người chuyên sản xuất nhạc cụ cồng chiêng, am hiểu về âm luật cồng chiêng truyền dạy các kỹ năng, kỹ thuật, nghệ thuật chỉnh chiêng.
Các nghệ nhân tham gia lớp truyền dạy biểu diễn bài chiêng Chào mừng quý khách trong lễ khai mạc |
Qua lớp học, các nghệ nhân sẽ thẩm âm, nắm vững kỹ thuật chỉnh chiêng, đưa những bộ chiêng bị sai lệch thanh âm về đúng vị trí của nó, để giữ đúng cung bậc của bộ chiêng 6 của người Mạ, K'Ho, chiêng 3 của người Churu, làm cho tiếng cồng chiêng không bị lạc điệu.
Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiễn phát biểu động viên khích lệ các học viên tiếp thu kỹ năng chỉnh chiêng |
Phát biểu khai mạc lớp truyền dạy, ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nhấn mạnh: “Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng trong đời sống của đồng bào dân tộc tại chỗ của tỉnh, từ nhiều năm qua, các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng chính quyền các cấp đã tổ chức gần 100 lớp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 2100 học viên, đã có hơn 600 bộ trang phục truyền thống được trao tặng. Tuy nhiên, có một thực trạng là nghệ nhân chỉnh chiêng đang ngày càng ít đi, những người trẻ tuổi ít người biết chỉnh chiêng. Đây là lớp truyền dạy chỉnh chiêng đầu tiên nhằm trao truyền, chuyển giao những kỹ năng, kỹ thuật chỉnh chiêng cho thế hệ tiếp nối.
Các học viên bắt đầu vào bài học |
Đồng bào Mạ, K’Ho, Churu ở Lâm Đồng là chủ nhân sáng tạo nên di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng việc sản xuất nhạc cụ cồng chiêng lại là một câu chuyện khác. Mong rằng, vì vùng đất Tây Nguyên, vì tình yêu cồng chiêng, 2 nghệ nhân đến từ Quảng Nam xa xôi sẽ truyền cảm hứng, tận tụy truyền dạy hết mọi kỹ thuật cho các nghệ nhân Lâm Đồng. Tôi mong muốn các nghệ nhân tham dự lớp học, bằng tâm huyết, ra sức học tập, tiếp thu đầy đủ các kỹ năng, kỹ thuật chỉnh chiêng do các nghệ nhân truyền dạy, để có thêm nhiều nghệ nhân nắm được những nguyên tắc về thẩm âm, về chỉnh chiêng ở khắp các buôn làng của chúng ta”.
Giao lưu trong khi nghỉ giải lao giữa giờ |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin