Công việc giảng dạy giúp tôi thường xuyên tiếp xúc với sách và thực hành đọc sách. Dù đã quen rồi, nhưng cứ vào dịp cuối tháng Tư hằng năm, khi mà khắp nơi đang diễn ra các hoạt động chào mừng, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 thì lòng tôi cũng vui háo hức. Lúc này, tôi thường nhớ lại và thầm biết ơn những trang sách đầu đời.
Tôi vào tiểu học thời bao cấp. Cuộc sống khi đó khó khăn nên sách vở dùng cho việc học cũng rất thiếu thốn. Sách giáo khoa được nhà trường cho mượn, cuối năm trả lại để các em lứa sau học tiếp. Ngoài ra, hầu như không có sách, báo gì khác cho những đứa trẻ thôn quê đọc thêm. Vì thế, sách giáo khoa bậc tiểu học là những trang sách quý đầu đời mà tôi nhớ mãi.
Tôi rất yêu thích môn Tiếng Việt nên vui mừng khi được cầm những quyển sách ấy. Từng con chữ, từng bức tranh minh họa, từng bài tập đọc và học thuộc lòng cứ theo tôi suốt cả cuộc đời. Sách như bạn cùng xóm thân thương, như cô giáo dịu dàng, như mẹ hiền yêu quý. Sách còn là ánh nắng ban mai, là bóng trăng thanh khiết, là muôn vì sao lấp lánh, là nguồn nước ngọt lành… đã soi sáng và tưới mát tâm hồn tôi.
Hằng đêm, dưới ánh đèn dầu tù mù, tiếng đánh vần, tập đọc vang lên, từ “cái ca”, “con cá”, “quả cà” cho đến “Mặt trời lên ấm đất quê ta/ thôn xóm vui cấy cày gặt hái”. Đã 40 năm trôi qua, nhưng bài học cuối năm lớp 1 vẫn vẹn nguyên trong kí ức tôi: “Lớp Một ơi Lớp Một/ Đón em vào năm trước/ Nay giờ phút chia tay/ Gửi lời chào tiến bước…”. Lời thơ và hình ảnh các bạn vẫy mũ chào cô giáo trong bức tranh minh họa đã khiến cô trò xúc động, tin yêu “Làm theo lời cô dặn/ Cô sẽ luôn ở bên”!
Rồi những bài học: “Cái trống trường em”, “Cô giáo lớp em”, “Ngôi nhà”, “Cây dừa”... bài nào cũng giản dị, dễ hiểu, ăm ắp tình yêu thương trao gửi. Tôi đặc biệt thích bài “Em bé và bông hồng” của Trần Hoài Dương. Những câu văn trong bài cứ mát lành như dòng suối, bềnh bồng như áng mây, mượt mà như mái tóc cô giáo, đã khiến tôi mê đắm: “Giữa vườn lá um tùm xanh mướt còn ướt đẫm sương đêm, một bông hoa rập rờn trước gió. Màu hoa đỏ thắm, cánh hoa mịn màng, khum khum úp sát vào nhau như còn ngập ngừng chưa muốn nở hết”…
Thuở nhỏ, tôi chưa hiểu những điều lớn lao như Macxim Goorki khẳng định: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”, chỉ biết rằng sách gần gũi như giếng nước, hàng tre, cánh đồng, dòng sông, lớp học... Mỗi trang sách là một khoảng trời, một lời khuyên, một mơ ước, đã giúp tôi hiểu biết thêm nhiều điều thú vị. Biết hòa với thiên nhiên, vâng lời cô giáo, lễ phép với mọi người, yêu quý gia đình, biết tự hào về quê hương đất nước. Do đó, tôi càng thêm yêu thích sách.
Ba má tôi là nông dân, cả đời vất vả, chẳng khi nào cầm đến quyển sách nhưng luôn ý thức về giá trị của sách và khuyên con đọc sách. Khi sách giáo khoa không còn bao cấp nữa, ba má cố gắng tạo mọi điều kiện có thể để cho con mua sách. Má tôi luôn căn dặn phải quý trọng sách, không viết vẽ bậy, không xé sách, tuyệt đối không giẫm đạp hoặc ngồi lên sách. Theo ý của má, sách là chữ nghĩa, là thầy, phải trân quý thì mới học tốt! Vì thế, tôi hiểu và biết quý sách, rồi dần hình thành thói quen đọc sách đến giờ.
Ngày nay, điều kiện tốt hơn nhiều nên việc tìm sách để đọc cũng dễ dàng. Nhưng có một thực tế là nhiều bạn trẻ chưa ý thức được tầm quan trọng của sách, chưa chủ động tìm đến sách. Phương tiện nghe nhìn hiện đại, nhất là điện thoại thông minh đã lôi kéo các em rời xa sách. Nhiều đứa trẻ, ngồi với điện thoại cả buổi nhưng không cầm nổi quyển sách một giờ. Gắn với việc dạy học, tôi còn nhận thấy các em ít đọc nên bị hạn chế vốn từ, diễn đạt không rõ ý, đọc chưa thông thạo, viết sai chính tả trầm trọng, dù đã học đến bậc THPT.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sắp tới, khắp nơi đang rộn ràng những hoạt động nhằm tôn vinh, lan tỏa, khuyến khích mọi người đọc sách, hiểu được tầm quan trọng của sách. Nhìn ánh mắt trong veo và nụ cười hồn nhiên của các em bên trang sách mới, tôi cũng háo hức vui lây. Dẫu mai này lớn lên, các em có đọc thêm bao nhiêu sách khác thì chắc cũng không quên được những trang sách đầu đời, như tôi!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin