Tọa đàm về ngôn ngữ trẻ thơ trong văn học thiếu nhi

QUỲNH UYỂN 15:09, 28/04/2024

(LĐ online) - Nằm trong hoạt động Trại sáng tác văn học trẻ do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà sáng tác Đà Lạt từ ngày 22 – 28/4, tọa đàm “Ngôn ngữ trẻ thơ trong văn học thiếu nhi” đã diễn ra sôi nổi, hào hứng, đầy trách nhiệm.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự tọa đàm có nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Thanh Dương Hồng – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, cùng các nhà văn lớn tuổi mang tâm hồn trẻ thơ, các nhà văn, nhà thơ trẻ dự trại sáng tác, những người làm công tác xuất bản sách, tổ chức thư viện, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi.

Nhà thơ Trần Quốc Toàn và nhà văn Lê Thiếu Nhơn chủ trì tọa đàm

Chủ trì cuộc tọa đàm có nhà thơ Trần Quốc Toàn - Người có nhiều đóng góp lớn cho văn học thiếu nhi, nhà văn Lê Thiếu Nhơn – Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trưởng trại sáng tác.

Nhà thơ Thanh Dương Hồng - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng phát biểu tại tọa đàm

Tìm đề tài, ý tứ gần gũi viết cho thiếu nhi đã khó, thể hiện nó bằng ngôn ngữ phù hợp với con trẻ càng khó hơn. Nhà thơ Trần Quốc Toàn mở đầu buổi tọa đàm bằng đề dẫn ngắn gọn với đúc rút: Sáng tác văn học thiếu nhi phải khéo “nhập vai” để nói giọng trẻ con, giọng điệu giàu trí tưởng tượng, gợi mở. Tưởng tượng trong văn học thiếu nhi nhiều hơn nhận thức.

Các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm

Nhất là trong thơ cho thiếu nhi, sự liên tưởng hồn nhiên, ngộ nghĩnh, mơ hồ, ngẫu hứng, như bức tranh trừu tượng, có vẻ như phi logic, vô lý nhưng lại hợp lý. Trong thế giới đồng dao, cổ tích, trẻ em chơi rồi mới học, giải trí rồi mới nhận thức. Một nhà văn đã nói “Khi trẻ con đánh hơi thấy mùi giáo huấn chúng sẽ bỏ chạy thật xa”.

Trẻ con có những suy nghĩ, mơ ước và khát vọng, mơ tưởng như người lớn, nhưng chúng có một thế giới tâm hồn non nớt, trong trẻo, thế giới trong mắt trẻ thơ phong phú, muôn màu, đầy thi vị.  Ngôn ngữ trẻ thơ ngắn gọn, trong sáng, ngây thơ, không hàm ý. Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ, mà người lớn thì càng không phải là đứa trẻ con nhiều tuổi.

Các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, nhà thơ Thanh Dương Hồng đồng quan điểm: Viết cho thiếu nhi ngôn từ không đao to, búa lớn, không áp đặt, giáo điều. Viết cho trẻ em nông thôn thì ngôn ngữ sẽ khác thành thị, trẻ em miền núi khác miền xuôi… Thời gian qua, Hội VHNT Lâm Đồng không chỉ thiếu mảng lý luận phê bình văn học nghệ thuật mà thiếu cả lực lượng cầm bút sáng tác cho thiếu nhi. Buổi tọa đàm có sức gợi mở lớn cho các nhà văn viết cho thiếu nhi.  

Nhà thơ Thanh Dương Hồng mong muốn được kết nối với Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động, nhiều buổi tọa đàm nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ cho thiếu nhi mà còn cho cả người lớn.

Các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm

Nhiều tham luận của các nhà văn lớn tuổi viết cho thiếu nhi, các nhà văn “thiếu nhi” viết cho thiếu nhi từ lúc còn là thiếu nhi và dành cả đời cầm bút chỉ viết cho thiếu nhi… đã nêu nhiều ý kiến hay, nhiều ví dụ thực tế.

Trong đó cùng nhấn mạnh: Ngôn ngữ trẻ thơ trong văn học thiếu nhi là ngôn ngữ bắt chước, có sáng tạo, ngôn ngữ hồn nhiên, trong trẻo, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, có sự phiêu lưu, khám phá. Hấp dẫn con trẻ bằng ngôn ngữ mới lạ. Chơi với trẻ con, hòa mình vào trẻ con, lắng nghe trẻ con nói, quan sát trẻ con hoạt động, yêu thương trẻ con để viết nên những trang văn có ngôn ngữ giọng điệu phù hợp.

Bên cạnh đó, người lớn cần trao gửi yêu thương, hướng dẫn, tạo cảm hứng để chính trẻ con viết, trẻ con nói lên tiếng nói của mình, tạo ra tác phẩm cho lứa tuổi của mình.

Trong đó, nhà văn Lệ Bình bày tỏ ý kiến: Viết cho trẻ con khó ở chỗ phải hóa thân thành trẻ con, nhưng lại tránh cưa sừng làm nghé. Ông đúc rút “12 chữ vàng” khi viết cho trẻ con: Hồn nhiên, trong sáng, bùng nổ cảm xúc, chắp cánh yêu thương.

Các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm

Chị Vũ Thanh Tâm – Chủ nhiệm Thư viện tư nhân “Ô cửa sách”, là người sáng lập dự án văn hóa đọc “Ô cửa sách” tại Đà Lạt, người hàng ngày đưa văn chương thiếu nhi đến với trẻ thơ bày tỏ ý kiến: Tôi có thể trả lời câu hỏi “Thị trường cần gì ở các nhà văn?”. Tọa đàm là cơ hội để tôi nói lên điều tha thiết muốn nói từ cương vị những người làm văn hóa đọc, những người thực sự đọc.

Hiện nay, đa số sách dành cho lứa tuổi mầm non đều là sách của nước ngoài dịch lại, thiếu các loại sách tương tác như sách âm thanh, lật mở, trượt. Những loại sách này kết hợp giữa cốt truyện và trò chơi, biến những cốt truyện rất dài thành những cuốn sách be bé, sinh động cho các em; các thầy cô, phụ huynh sẽ đọc truyện cho các em, có chỗ phải dừng lại để các em cùng đoán, cùng chơi.

Với trẻ em bắt đầu biết đọc, học tiểu học thì việc đọc sách chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, xem tranh vẽ minh họa là chính, vì vậy các nhà văn nên viết ngắn, viết những câu chuyện nhỏ bé lại để phù hợp với các em, viết thơ thì đừng tham vọng viết quá dài. Các tập thơ thì nên đi kèm cùng tranh.

Chị Vũ Thanh Tâm - Người sáng lập dự án phát triển văn hóa đọc Ô cửa sách nêu nhiều ý kiến thiết thực

Chúng ta không nên xem thường sách tranh vì sách tranh là bảo tàng nghệ thuật đầu đời của con trẻ, sách tranh được các em yêu thích nhất. Những bài thơ bài văn ngắn được ghép cùng với những tấm tranh thì người lớn đọc cho trẻ nghe, trẻ vừa nghe vừa ngắm nhìn bức tranh đẹp mà thả trí tưởng tượng.

Nếu viết văn, làm thơ cho lứa tuổi này thì các nhà văn nên gắn bó tri kỷ với các họa sĩ để họa sĩ thổi hồn vào con chữ, cùng nhà văn làm nên tác phẩm yêu thích cho các em.

Chúng ta cứ suy nghĩ nhiều về ngôn ngữ trẻ thơ, nhưng định nghĩa thế nào là ngôn ngữ trẻ thơ thì không thể định nghĩa được. Thực ra trẻ thơ phân biệt rất rõ ràng lúc cần nói ngôn ngữ chuẩn mực với người lớn, lúc cần nói ngôn ngữ trẻ con với nhau. Các nhà văn nghĩ mình viết ngôn ngữ chuẩn mực thì trẻ con sẽ không thích – không phải như vậy đâu.

Chúng ta chỉ cần tránh dùng thuật ngữ; tránh dùng từ Hán Việt quá nhiều, tránh chơi trò chơi ngôn từ, câu chữ gây “rối não” khó hiểu; tránh thuật ngữ chính trị, xã hội, đao to búa lớn… Thay vì chúng ta suy nghĩ thế nào là ngôn ngữ trẻ con thì chúng ta hãy nghĩ đến việc thế nào là ngôn ngữ thiếu nhi sợ. Nếu chúng ta là nhà văn viết cho thiếu nhi thì chúng ta không thể không chơi với thiếu nhi, vì chơi với thiếu nhi khiến ta mang suy nghĩ, tâm hồn của thiếu nhi.

Các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm

Nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã đánh giá cao chất lượng của buổi tọa đàm với nhiều ý kiến hay, thiết thực.

Bà nhấn mạnh: Chưa có một buổi tọa đàm văn chương nào mà kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, không giải lao, không mất trật tự, không ai nói tiếng nào riêng tư và nghe được nhịp tim của nhau. Điều này làm tôi rất xúc động.  Anh chị em đồng nghiệp đã mang tới tọa đàm một không khí từ trái tim và lao động bằng tất cả sinh mệnh của trái tim.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đánh gia cao chất lượng, không khí buổi tọa đàm

Cầm bút sáng tạo chữ nghĩa đã khó, viết cho thiếu nhi còn khó hơn, viết cho thiếu nhi mà hay thì khó vô cùng, cần tình yêu thương, cần cả tài năng, mới viết bay lên, mới nâng bước chân con trẻ lên với thế giới muôn màu.

Từ những tác phẩm phù hợp với lứa tuổi do các nhà văn viết nên sẽ tăng niềm yêu thích văn chương, hình thành thói quen đọc sách.

Buổi tọa đàm đã thể hiện tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm của những người cầm bút quan tâm đến thế hệ mầm non của đất nước. Qua đó cho các nhà văn viết nên nhiều tác phẩm, viết hay, viết đúng, hấp dẫn, phù hợp lứa tuổi, đi sâu nắm bắt được tâm hồn trẻ thơ, được các em đón nhận.